Quay lại

Tăng giá trị cho FDI thế hệ mới

Trong một cuộc trò chuyện mang nhiều tính học thuật với những vị học giả đến từ Đại học Hong Kong, lãnh đạo của một địa phương kinh tế trọng điểm miền Trung trăn trở về tiến bộ của nền sản xuất công nghiệp Việt Nam sau hơn 30 năm mở cửa nhận đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). “Có công nghệ nào được chuyển giao không?”, ông hỏi, đề cập từ ngành sản xuất ô tô đến ngành điện tử.

Theo ông, người láng giềng đông dân nhất thế giới đã thực thi một chính sách hiệu quả để đón nhận công nghệ từ những khoản đầu tư trực tiếp của nước ngoài. Vậy Việt Nam có thể học hỏi con đường đó không?

Từ chính sách...

Hiện nay, Trung Quốc là một trong những quốc gia đứng đầu thế giới về phát triển công nghệ. World Population Review cho biết số phát minh được đăng ký tại Trung Quốc vào năm 2021 là 695.000, gấp đôi Mỹ, quốc gia đứng thứ 2 thế giới về số lượng phát minh. Tỉ lệ sở hữu bản quyền trung bình của Trung Quốc đạt 7,5 trên 10.000 dân, gần gấp đôi con số này vào cuối năm 2017. Cùng với Nhật và Mỹ, Trung Quốc là 1 trong 3 quốc gia đầu tư ra nước ngoài nhiều nhất. Nhìn lại vào đầu những năm 1970, Trung Quốc chỉ đứng ở vạch xuất phát như Việt Nam vào thập niên 1990 khi bắt đầu nhận đầu tư trực tiếp nước ngoài.

 

FDI đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển kinh tế của Trung Quốc kể từ đầu những năm 1980. Khối lượng FDI vào Trung Quốc, theo một số ước tính, chỉ đứng sau Mỹ. Chính sách của Chính phủ Trung Quốc là cung cấp cho các công ty phương Tây khả năng tiếp cận thị trường Trung Quốc, lao động giá rẻ, các quy định thuận lợi và ưu đãi thuế để đổi lấy công nghệ được chuyển giao. Trong giai đoạn phát triển tiếp theo, Trung Quốc có tham vọng phát triển năng lực khoa học và công nghệ. Để đạt được mục tiêu này, Trung Quốc khuyến khích FDI chuyển giao công nghệ.

Mặc dù gây nhiều tranh cãi, chính sách “Cưỡng ép chuyển giao công nghệ” (Forced technology transfer) của Trung Quốc đóng vai trò quan trọng trong việc cất cánh công nghệ. Linying Li, giảng viên Trường Kinh tế và Quản lý của Đại học Giao thông Bắc Kinh, đã nghiên cứu dữ liệu của 31 tỉnh, thành trong giai đoạn 2010-2019 để nghiên cứu tác động của FDI lên sự phát triển công nghệ của Trung Quốc. “Đầu tư nước ngoài có tác động tích cực đến đổi mới công nghệ tổng thể của đất nước”, nghiên cứu của Linying Li kết luận.

Một nghiên cứu về chuyển giao công nghệ của 20 công ty công nghiệp châu Âu do Đại học Aston tiến hành cho thấy nhiều công nghệ đã được các công ty châu Âu chuyển giao, nhưng lý do chuyển giao lại khác nhau do việc cân nhắc chi phí thường ít quan trọng hơn việc tiếp cận thị trường.

“Nếu không có cơ chế để FDI chuyển giao công nghệ, chúng ta sẽ mãi mãi là người làm thuê với giá rẻ”, ông Đặng Bá Dự, Giám đốc Sở Ngoại vụ tỉnh Quảng Nam, phân tích về tính thiếu bền vững của việc thu hút vốn đầu tư nước ngoài. Ông cho rằng nên có luật hóa rõ ràng về yêu cầu chuyển giao công nghệ sau một khoảng thời gian nhất định.

... đến con người

Nhiều năm qua, các hợp đồng chuyển giao công nghệ của doanh nghiệp FDI tại Việt Nam chủ yếu là chuyển giao công nghệ giữa công ty mẹ với công ty con, công nghệ không lan tỏa đến khu vực trong nước.

Việc nằm ở giao lộ của 16 hiệp định thương mại tự do (FTA) đã đem đến lợi thế trong việc thu hút FDI cho Việt Nam. Tuy đã qua đỉnh điểm của cơ cấu dân số vàng, Việt Nam vẫn tận hưởng những tác động tích cực của dân số trong độ tuổi lao động tăng trưởng dương. Thế nhưng, câu chuyện thiếu nguồn nhân lực trình độ cao là vấn đề lớn của Việt Nam mà nhiều chuyên gia đã đề cập. Ông Đặng Bá Dự nhìn thấy lỗ hổng mang tên “nguồn nhân lực chất lượng cao” trong quá trình tích cực thu hút vốn đầu tư bền vững vào tỉnh. Dù doanh nghiệp FDI muốn chuyển giao mà Việt Nam không đủ năng lực hấp thụ, không sẵn sàng tiếp nhận thì cũng rất khó chuyển giao.

Từ phía nhà đầu tư, ông Hứa Ngọc Lâm, Chủ tịch Hiệp hội Thương gia Đài Loan tại châu Á, cho rằng lực lượng lao động vừa là ưu điểm, cũng vừa là khuyết điểm của Việt Nam. Trong khi các công xưởng thế giới khác như Trung Quốc, Ấn Độ đã nỗ lực nâng cao vị thế trong chuỗi giá trị bằng việc sẵn sàng về nguồn nhân lực chất lượng cao thì tại Việt Nam, nguồn nhân lực này còn rất hạn chế. Nhất là khi Việt Nam đang trở thành “điểm hội tụ” của các tập đoàn công nghệ thế giới với những dự án hàng trăm triệu USD, thậm chí cả tỉ USD... 

 

“Chưa bàn đến chương trình đào tạo, nhiều sinh viên Việt Nam thiếu kỹ năng thực tế khi đợi đến lúc gần ra trường mới thực hành, trong khi sinh viên Đài Loan đã đi thực tập từ năm 3”, ông Hứa Ngọc Lâm, người đã có hơn 3 thập kỷ đầu tư vào Việt Nam, so sánh.

Có vẻ các khoản đầu tư của những gã khổng lồ công nghệ như Foxconn, Intel hay Samsung sẽ khó có thể đem lại triển vọng chuyển giao công nghệ như được tung hô trên truyền thông. “Tôi cho rằng trong tương lai gần, nhà đầu tư sẽ không lựa chọn sản xuất chip cao cấp (dưới 12 nm) tại Việt Nam. Tuy nhiên, trong lĩnh vực lắp ráp chip và phần mềm ở cấp độ thấp hơn, Việt Nam vẫn còn cơ hội”, ông Hứa Ngọc Lâm phân tích. Lực lượng lao động có trình độ cao cùng với hạ tầng điện nước chất lượng sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc thu hút vốn đầu tư vào ngành công nghiệp bán dẫn.

Đồng quan điểm, Tiến sĩ Frederic Neumann, Kinh tế trưởng khu vực châu Á, Ngân hàng HSBC, nhận định thiếu nhân sự có kỹ năng là một điểm yếu tại Việt Nam. Ông cho rằng đây là cơ hội đầu tư cho giáo dục và tất cả các bên liên quan từ Nhà nước, trường học cho đến doanh nghiệp đều có trách nhiệm trong việc đào tạo nhân sự có năng lực. Mặt tốt của điểm yếu này là nhà đầu tư vẫn thấy khả năng cải thiện chất lượng nguồn nhân lực ở quốc gia hình chữ S và họ vẫn đầu tư vào Việt Nam.

Nguồn: Nhipcaudautu