Quay lại

Tiêu dùng xanh mở hướng đi cho sản xuất xanh

Ông Nguyễn Anh Đức, Chủ tịch Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam, cho rằng hiện nay, ở thị trường trong nước, hàng Việt đã có những chuyển biến tích cực, bám chắc xu hướng chuyển đổi xanh, nhờ đó được người tiêu dùng đón nhận. Nếu như trước đây theo đuổi tính xanh là sự “đánh đổi chi phí” thì bây giờ xanh hóa nhằm bảo vệ sức cạnh tranh, duy trì sản xuất, bán hàng ra quốc tế. Sản phẩm xanh sẽ là tấm “hộ chiếu” quyền lực toàn cầu cho doanh nghiệp.

NHỮNG ĐIỀU CHỈNH KỊP XU HƯỚNG

Theo một khảo sát về xu hướng tiêu dùng tại Hà Nội và TP.HCM của Công ty Nghiên cứu thị trường Intage Việt Nam, tiêu dùng xanh đang trở thành xu hướng tất yếu khi có tới 95% người tiêu dùng được khảo sát đã có ý thức bảo vệ môi trường thông qua việc thay đổi hành vi, thói quen hàng ngày; 73% người tiêu dùng ưu tiên sử dụng sản phẩm thực phẩm được sản xuất hữu cơ và thuần tự nhiên; 44% người tiêu dùng hạn chế sử dụng túi nhựa và 44% người tiêu dùng tái sử dụng quần áo cũ thay vì mua mới...

Đứng trước xu hướng này, các nhà sản xuất ở Việt Nam đã có những điều chỉnh rõ rệt để có thể đưa ra những sản phẩm phù hợp với thị hiếu khách hàng. Ông Bùi Quốc Hùng, Giám đốc kinh doanh kênh siêu thị của Công ty CP Pan - công ty chuyên phân phối sản phẩm bánh kẹo Bibica, cho biết doanh nghiệp đã chuyển đổi sang sản xuất xanh bằng cách đầu tư năng lượng mặt trời vào các dây chuyền sản xuất bánh kẹo. Riêng với bao bì, doanh nghiệp ưu tiên chọn những đối tác quan tâm đến bao bì giấy, có thể tự phân hủy.

Giống như Bibica, Công ty TNHH New Toyo Pulppy cho biết doanh nghiệp này đã xanh hóa sản xuất bằng việc đầu tư cho hệ thống năng lượng mặt trời ở nhà máy và khối văn phòng, đồng thời đầu tư hệ thống xử lý nước thải và định kỳ kiểm tra để đảm bảo hệ thống này luôn an toàn với môi trường. Đặc biệt, do giấy là sản phẩm có đặc thù sử dụng nguyên liệu từ gỗ nên yêu cầu đặt ra là tất cả các loại giấy mang thương hiệu Pulppy/An An đều đạt chứng chỉ FSC (chứng chỉ được dùng cho các nhà sản xuất đảm bảo được tiêu chí về phát triển bền vững).

Sản phẩm xanh sẽ là tấm “hộ chiếu” quyền lực toàn cầu cho doanh nghiệp.

Sản phẩm xanh sẽ là tấm “hộ chiếu” quyền lực toàn cầu cho doanh nghiệp.

Trong lĩnh vực thực phẩm, đồ uống, đại diện Công ty TNHH Sản xuất thương mại Tân Quang Minh (thương hiệu Bidrico), chia sẻ doanh nghiệp đã chú trọng tiêu chí an toàn trong tất cả chuỗi cung ứng. Theo đó, từ nguyên liệu nông sản, rau củ quả đạt tiêu chuẩn VietGAP, Organic, GlobalGAP... đến quá trình vận hành, sản xuất đều giảm chất thải; tái chế, tái sử dụng chất thải phát sinh; sử dụng năng lượng xanh. Ở khâu cuối cùng, sản phẩm đến tay người tiêu dùng cũng phải bảo đảm giảm thiểu phát sinh chất thải ra môi trường.

Ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó Tổng giám đốc Công ty cổ phần Lương thực thực phẩm Colusa - Miliket, cho biết gần đây doanh nghiệp đã mạnh dạn tiên phong ứng dụng công nghệ mới plasma vào quy trình sản xuất các sản phẩm mì và dòng gạo; đầu tư nâng cấp bao bì gói giấy, phát triển thêm các sản phẩm mới có sử dụng bao bì ly, tô bằng chất liệu giấy thân thiện môi trường… “Sản phẩm xanh hiện chiếm khoảng gần 80% tổng lượng sản phẩm tại nhà máy của Miliket. Từ các sản phẩm truyền thống như mì gói đến các dòng sản phẩm mới như phở gói, mì ly, mì tô,... đều sử dụng bao bì giấy, mang đến ấn tượng xanh cho khách hàng”, ông Tuấn chia sẻ.

Trong khi đó, với hóa mỹ phẩm, ông Vương Ngọc Dũng, Giám đốc Marketing và Phát triển thị trường Công ty cổ phần Mỹ phẩm Sài Gòn (SCC), cho biết xu hướng người tiêu dùng đang chuyển hướng sang sử dụng những sản phẩm gần với thiên nhiên, chăm sóc cơ thể nhiều hơn. Do vậy, SCC đã nghiên cứu sản xuất ra những sản phẩm dầu gội tập trung vào yếu tố thiên nhiên, như bồ kết, tinh dầu bưởi, hà thủ ô… “Từ thành phần nguyên liệu đến quy trình sản xuất, các dòng sản phẩm chăm sóc cá nhân thế hệ mới đều hướng tới tính chất điều trị để đáp ứng xu hướng tiêu dùng của người Việt”, ông Dũng chia sẻ...

Nguồn: TBKTVN