Quay lại

TP.HCM cần sự đồng thuận từ Trung ương và các cấp để phát triển

Theo ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TP.HCM, sau 10 năm thực hiện Nghị quyết số 16-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa XI về phương hướng, nhiệm vụ phát triển TP.HCM đến năm 2020 và 5 năm thực hiện thí điểm Nghị quyết số 54/2017/QH14 của Quốc hội, Thành phố tiếp tục phát huy vị trí đầu tàu của cả nước; cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch theo hướng tích cực gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, từng bước phát triển theo chiều sâu dựa trên nền tảng ứng dụng khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo.

Tuy nhiên, qua đánh giá tổng kết, nhiều nội dung triển khai Nghị quyết 54 còn chậm so với kế hoạch, hiệu quả chưa cao. Nguyên nhân là trong 5 năm thực hiện Nghị quyết 54, thành phố dành năm đầu tiên xây dựng kế hoạch và công tác chuẩn bị triển khai. Đồng thời, 2 năm Thành phố chịu tác động nghiêm trọng bởi dịch COVID-19 nên không có nhiều thời gian để phát huy toàn diện các cơ chế, chính sách của Nghị quyết.

NGHỊ QUYẾT THAY THẾ NGHỊ QUYẾT 54 LÀ CẦN THIẾT
Chia sẻ về sự cần thiết phải có Nghị quyết mới thay thế Nghị quyết 54, người đứng đầu TP.HCM nhấn mạnh: Dự thảo Nghị quyết trình Quốc hội lần này sẽ tạo động lực lớn cho Thành phố phát triển. Trong đó, các cơ chế mới cũng tăng cường phân cấp, ủy quyền cho TP.HCM và gắn chính quyền Thành phố với quận, huyện, thành phố trực thuộc nhằm tạo sự chủ động, sáng tạo, tăng tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm. Thực hiện phân cấp, phân quyền tối đa cho Thành phố theo hướng tạo điều kiện thuận lợi nhất để phát triển, đặc biệt đối với Thành phố Thủ Đức.

"Tinh thần là TP.HCM xin thí điểm các cơ chế để tạo ra sự phát triển, triển khai thực tiễn để đóng góp thực tiễn cho cả nước chứ không đặt vấn đề xin những đặc ân, điều kiện thuận lợi về cho Thành phố. Và nếu có thì đó cũng là vì mong muốn TP.HCM phát triển nhanh hơn, mạnh hơn để đóng góp nhiều hơn cho cả nước" - Chủ tịch  UBND TP.HCM Phan Văn Mãi.

“Nghị quyết mới rất cần thiết và cấp thiết, với những đặc thù của thành phố hiện tại, khuôn khổ pháp luật hiện chưa đủ bao quát thực tiễn, do đó đòi hỏi phải có khung pháp luật mới để đảm bảo tháo gỡ những vướng mắc, tạo động lực lớn hơn và mạnh hơn thúc đẩy đầu tàu kinh tế”, ông Phan Văn Mãi nói.

Kỳ vọng, khi Nghị quyết mới được thông qua sẽ khắc phục hạn chế Nghị quyết 54 hiện hữu, tạo điều kiện tháo gỡ các khó khăn của Thành phố, huy động được nguồn lực cao độ để phát triển đạt được các mục tiêu phát triển về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

CẦN SỰ ĐỒNG THUẬN TỪ TRUNG ƯƠNG VÀ CÁC CẤP
Cũng theo Chủ tịch Ủy ban Nhân dân TP.HCM Phan Văn Mãi, một Nghị quyết hay luật sẽ không thể tháo gỡ hết các vướng mắc, khó khăn. Chúng ta vẫn cần thêm những văn bản những luật khác, phối hợp bổ sung để thúc đẩy sự phát triển của Thành phố.

TP.HCM rất cần sự đồng thuận Bộ, ngành, Trung ương để phát triển 

TP.HCM rất cần sự đồng thuận Bộ, ngành, Trung ương để phát triển 

“Chúng tôi rất cần sự đồng hành của các Bộ, ngành, Trung ương để tiếp tục hướng dẫn Thành phố thực hiện. Quá trình thực hiện sẽ có những phát sinh, bất cập, tuy nhiên Thành phố sẽ trao đổi chuyên môn với các Bộ ngành địa phương để đảm bảo sự thống nhất về mặt quản lý của ngành, cũng như hướng dẫn của các đơn vị. UBND Thành phố đã phân công các Sở, ban ngành thực hiện theo kế hoạch, cần phối hợp nhiều hơn, tốt hơn và đồng bộ hơn để thực hiện những kế hoạch được giao”- Chủ tịch Phan Văn Mãi nói thêm.

Một số bộ phận công chức, cán bộ vẫn còn e dè, ngại trách nhiệm, nhưng không phải tất cả.

Về việc cán bộ, công chức còn mang tư tưởng “ngại” và “sợ” trong thực hiện nhiệm vụ, Chủ tịch Phan Văn Mãi cho biết, một số bộ phận công chức, cán bộ vẫn còn e dè, ngại trách nhiệm, nhưng không phải tất cả. Thời gian qua, TP.HCM đã và đang có nhiều biện pháp để động viên cán bộ, công chức, từ công tác tư tưởng chính trị; các chế độ, chính sách hỗ trợ thu nhập; đến các biện pháp phê bình, nhắc nhở, kỷ luật…

"UBND TP.HCM có rà soát lại, làm rõ chức năng, nhiệm vụ của từng cơ quan, công chức. Tôi tin rằng trước những thách thức lớn, chúng ta sẽ nỗ lực để phấn đấu vượt qua, từ đó cùng chung tay đưa thành phố phát triển. Đông đảo cán bộ, công viên chức và người dân TP.HCM vẫn đang trong tâm thế đó. Với những cán bộ thiếu năng động, ngại trách nhiệm, chúng tôi sẽ tiếp tục động viên, có biện pháp hỗ trợ để thay đổi hoặc buộc phải bước ra khỏi hệ thống", ông Phan Văn Mãi nhấn mạnh.

Dự thảo Nghị quyết thay thế Nghị quyết số 54/2017/QH14 có 43 nội dung với 4 nhóm cơ chế chính sách, đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội đồng ý đưa vào kỳ họp thứ 5 của Quốc hội vào ngày 22/5 sắp tới. Gồm:

Nhóm 1, các cơ chế, chính sách đã được quy định tại Nghị quyết số 54/2017-QH14 như dự toán ngân sách thành phố; quyết định phí, lệ phí mới; tăng mức dư nợ vay;…

Nhóm 2, các cơ chế, chính sách nội dung tương tự đã được quy định tại các Nghị quyết đặc thù của các địa phương khác như quyết định chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa dưới 500 ha phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; thực hiện phê duyệt điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung xây dựng khu chức năng, điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung đô thị; …

Nhóm 3, các cơ chế, chính sách có trong dự thảo Luật đất đai sửa đổi, Luật Nhà ở sửa đổi dự kiến trình Quốc hội trong thời gian sắp tới như Thành phố được ban hành và áp dụng hệ số điều chỉnh giá đất tính tiền sử dụng đất, tiền thuê đất đối với tất cả các khu đất, thửa đất trong một số trường hợp; thực hiện thủ tục về giao đất, thuê đất theo quy định của pháp luật về đất đai đối với diện tích đất hình thành sau khi thực hiện lấn biển, tạo quỹ đất mới, không gian phát triển mới cho Thành phố…

Nhóm 4, các chính sách cơ chế mới, cụ thể: (1) mô hình phát triển đô thị theo định hướng phát triển giao thông (TOD); (2) cơ chế đầu tư các dự án theo phương thức PPP trong lĩnh vực thể thao, công nghiệp văn hóa; BOT đối với các dự án đầu tư Công trình nâng cấp, mở rộng, hiện đại hóa đường bộ hiện hữu; thực hiện lại hình thức hợp đồng BT; (3) cơ chế phát huy hiệu quả vai trò của Công ty Đầu tư tài chính nhà nước thành phố (HFIC); (4) cơ chế tài chính thực hiện biện pháp giảm phát thải khí nhà kính theo các cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ các-bon; (5) ngành, nghề ưu tiên thu hút nhà đầu tư chiến lược vào Thành phố; (6) phát triển khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo; (7) đẩy mạnh phân cấp, ủy quyền và tổ chức bộ máy thành phố Thủ Đức.

Nguồn: TBKTVN