Quay lại

Xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc vẫn cần được khai thông

Tại hội nghị “Thúc đẩy giao thương nông sản, thủy sản Việt - Trung trong bối cảnh mới” do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ủy ban Nhân dân tỉnh Lạng Sơn phối hợp với Tổng cục Hải quan Trung Quốc và lãnh đạo tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc) tổ chức mới đây, ông Tô Ngọc Sơn, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Á - châu Phi (Bộ Công Thương) cho biết Trung Quốc là thị trường xuất khẩu lớn nhất về hoa quả của Việt Nam, chiếm tỷ trọng 45,38%.

Trong đó, vải thiều chiếm tỷ trọng 90% lượng xuất khẩu ra nước ngoài, thanh long chiếm tỷ trọng hơn 80%. Đặc biệt, với sắn và các sản phẩm từ sắn, Trung Quốc là thị trường lớn nhất (tỷ trọng 91,47%); cao su chiếm tỷ trọng 71,91%.

Xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc vẫn cần được khai thông - Ảnh 1

XUẤT KHẨU SANG TRUNG QUỐC CÒN NHIỀU GIAN NAN
Theo ông Sơn, trong những năm qua, Trung Quốc đã hoàn thiện hệ thống pháp luật, thông qua việc hai lần sửa đổi Luật An toàn thực phẩm, liên tục tăng cường thực thi pháp luật khi chủ trương đưa hoạt động thương mại đi vào chính quy, nề nếp và tăng cường giám sát, thực hiện nghiêm các quy định.

Ông Hồ Tiến Thiệu, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Lạng Sơn, cho biết từ ngày 8/1/2023, cùng với việc thực hiện điều chỉnh các biện pháp phòng, chống dịch của Trung Quốc, các hoạt động xuất nhập cảnh, xuất nhập khẩu theo phương thức truyền thống tại một số cửa khẩu đã dần được khôi phục. Lượng xe nông sản thông quan xuất nhập khẩu trong tháng 1/2023 đạt khoảng 800 xe/ngày.

Tuy nhiên, tình hình xuất khẩu nông sản qua các cửa khẩu vẫn gặp một số vướng mắc. Điển hình như công tác xây dựng, đăng ký thương hiệu tại Trung Quốc cho các sản phẩm nông sản, thủy sản của Việt Nam chưa đạt hiệu quả như kỳ vọng. Hình thức phân phối các sản phẩm nông, thủy sản của Việt Nam tại thị trường Trung Quốc vẫn chủ yếu thông qua kênh thương mại truyền thống, chưa tận dụng và phát huy được kênh thương mại điện tử.

"Các Lệnh 248, 249 cũng nằm trong chỉnh thể hoạt động xuất nhập khẩu của Trung Quốc, tạo thành hệ thống bảo vệ cho người tiêu dùng, bảo vệ cho doanh nghiệp làm ăn chân chính. Từ các khâu truy xuất mã vùng trồng, vùng nuôi, đóng gói, vận chuyển… đều được tách bạch".

Ông Lỗ Siêu, đại diện Tổng cục Hải quan Trung Quốc.

Bên cạnh đó, cơ sở hạ tầng tại các khu vực cửa khẩu, các dịch vụ logistics nói chung và Lạng Sơn nói riêng vẫn còn hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển. Một số quy định về phương thức giao nhận hàng hóa với Trung Quốc như cắt nối moóc, xét nghiệm Covid-19... còn ảnh hưởng đến năng lực, chi phí thông quan.

Vì vậy, lãnh đạo Ủy ban Nhân dân tỉnh Lạng Sơn kiến nghị Chính phủ quan tâm chỉ đạo tập trung đầu tư đồng bộ hạ tầng vùng biên giới, chú trọng ưu tiên lựa chọn một số khu vực cửa khẩu có tiềm năng, có điều kiện phát triển nhanh, để tạo động lực và liên kết vùng trong hoạt động thương mại biên giới.

Liên quan đến Lệnh 248 và 249, ông Lỗ Siêu, đại diện Tổng cục Hải quan Trung Quốc, cho rằng hoàn toàn không phải “chuyện bất ngờ” mà dựa trên các quy định của Trung Quốc chú trọng vào vệ sinh an toàn thực phẩm, quy rõ trách nhiệm của từng khâu. 

“Tổng cục Hải quan Trung Quốc luôn sẵn sàng phối hợp với các cơ quan liên quan của Việt Nam trong việc bảo đảm môi trường xuất nhập khẩu lành mạnh, nguyên tắc cao nhất là đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm”, ông Lỗ Siêu khẳng định.

NHIỀU ĐỀ XUẤT TỪ PHÍA DOANH NGHIỆP TRUNG QUỐC
Tại hội nghị, đại diện Tập đoàn công nghệ Cảng thông tin Trung Quốc – ASEAN cho biết đang tập trung mở rộng “con đường tơ lụa số” để hỗ trợ ngành hàng điện tử, công ty khởi nghiệp cần công nghệ cao và một số nhóm ngành hàng liên quan.

Hiện ứng dụng công nghệ thông tin, số hóa vào thương mại nông sản giữa Việt Nam và Trung Quốc còn yếu, thiếu các thông tin về cự ly vận chuyển hàng hóa lớn, thiếu tiêu chuẩn kỹ thuật số về logistics, năng lực quản lý và kiểm soát hàng hóa còn yếu, đặc biệt là thiếu kho hàng lớn ở nước ngoài.

Nguồn: TBKTVN