Quay lại

Xuất khẩu phần cứng, điện tử năm 2023 giảm gần 5% sau nhiều năm tăng

Theo báo cáo thống kê của Bộ Thông tin và Truyền thông, trong năm 2023, doanh thu toàn ngành thông tin và truyền thông ước đạt 3.744.214 tỷ đồng, tăng 1,49% so với năm 2022. Nộp ngân sách nhà nước ước đạt 99.323 tỷ đồng, tăng 1,31% so với năm 2022.

Đóng góp vào GDP của ngành ước đạt 887.398 tỷ đồng, tăng 1,34% so với năm 2022. Tổng số lao động toàn ngành năm 2023 ước khoảng 1.767.766 lao động, tăng 2,72% so với năm 2022.

Trong đó, đóng góp doanh thu của lĩnh vực công nghiệp ICT ước đạt ước đạt 3.397.492 tỷ đồng (tương đương 142 tỷ USD), tăng 1,4% so với năm 2022.

Có thể thấy trong nhiều năm qua, công nghiệp ICT ở Việt Nam luôn ghi nhận sự tăng trưởng. Cụ thể trong năm 2000, doanh thu lĩnh vực công nghiệp ICT đạt 2.883.950 tỷ đồng; năm 2021 đạt 3.220.118 tỷ đồng và năm 2022 đạt 3.350720 tỷ đồng.

Dự kiến sang năm 2024, mục tiêu doanh thu công nghiệp ICT sẽ đạt 3.636.752 tỷ đồng và năm 2025 lên mức 3.828.160 tỷ đồng. Cùng với đó, nộp ngân sách lĩnh vực này cũng liên tục tăng trong những năm qua.

Mặc dù phần cứng, điện tử vẫn chiếm tỷ trọng chính trong bức tranh ICT với kim ngạch xuất khẩu ước đạt 127 tỷ USD nhưng con số này giảm 4,9% so năm 2022.

Kim ngạch xuất khẩu phần cứng, điện tử Việt Nam qua các năm.

Kim ngạch xuất khẩu phần cứng, điện tử Việt Nam qua các năm.

Như vậy, trong 4 năm qua, đây là năm đầu ghi nhận kim ngạch xuất khẩu phần cứng điện tử giảm. Bởi thực tế trong suốt 3 năm qua, kim ngạch xuất khẩu phần cứng, điện tử liên tục tăng mạnh (năm 2020 đạt 101,39 tỷ USD; năm 2021 đạt 127,654 tỷ USD; năm 2022 đạt 133,615 tỷ USD).

Dự kiến trong năm tới, kim ngạch xuất khẩu phần cứng, điện tử sẽ phục hồi, lấy lại đà tăng trưởng (mục tiêu năm 2024 đạt 135 tỷ USD và năm 2025 là 145 tỷ USD).

Một điểm sáng đáng chú ý là tỷ lệ giá trị Việt Nam/doanh thu lĩnh vực Công nghiệp ICT ước đạt 28,7%, tăng 2% so với năm 2022. Tỷ lệ này cũng liên tục tăng trong những năm qua và dự báo sẽ tiếp tục tăng trong những năm tới. Cụ thể, năm 2020, tỷ lệ này là 22,74%; năm 2021 là 24,65%; năm 2022 là 26,72%. Mục tiêu dự kiến năm 2024 sẽ đạt 30,64% và năm 2025 là 32,5%.

Xuất khẩu phần cứng, điện tử năm 2023 giảm gần 5% sau nhiều năm tăng - Ảnh 1

Cùng với đó, số doanh nghiệp công nghệ số đang hoạt động liên tục tăng trong 3 năm qua (năm 2000 42.000; năm 2021 là hơn 44.000; năm 2022 là 46.000 và năm 2023 ước khoảng 47.000 doanh nghiệp. Dự kiến đến năm 2025, con số này sẽ đạt 50.000 doanh nghiệp.

Trong năm qua, Bộ đã hỗ trợ phát triển thị trường cho doanh nghiệp công nghệ thông tin Việt Nam; xây dựng cơ sở dữ liệu công nghiệp ICT Make In Viet Nam: chứa thông tin của 42.000 doanh nghiệp, hơn 1.700 sản phẩm, dịch vụ công nghệ thông tin.

Xuất khẩu phần cứng, điện tử năm 2023 giảm gần 5% sau nhiều năm tăng - Ảnh 2

Ngoài ra đã tổ chức nhiều chương trình đưa doanh nghiệp ra nước ngoài: Singapore, Úc, New Zealand, Anh, Mỹ, Nhật Bản, Tây Ban Nha kết nối 50 doanh nghiệp Việt Nam đến với hơn 3.000 doanh nghiệp quốc tế trong các phân khúc BPO, ITO, Automotive, Fintech, semiconductor,...

Kết nối sản phẩm, dịch vụ công nghệ thông tin đến các lĩnh vực kinh tế xã hội: du lịch, nông nghiệp, tài chính, cảng biển, giáo dục, y tế. Giới thiệu 40 doanh nghiệp công nghệ thông tin đến với 1.000 doanh nghiệp trong các ngành, lĩnh vực trên.

Chỉ tiêu năm 2024: tổng doanh thu công nghiệp ICT đạt 160 tỷ USD. Tốc độ tăng trưởng doanh thu công nghiệp công nghệ thông tin đạt khoảng 5%. Số doanh nghiệp công nghệ số hoạt động khoảng 43.000. Giá trị xuất khẩu linh kiện điện tử, phần cứng đạt 128 tỷ USD. Doanh thu từ thị trường nước ngoài của các doanh nghiệp số Việt Nam 7 tỉ USD.

Trong năm qua cũng đã có 2 Khu công nghệ thông tin tập trung được thành lập mới, tạo không gian làm việc thêm 16 ha cho cộng đồng doanh nghiệp công nghệ thông tin, tại Đà Nẵng và Bình Định, giúp các địa phương này trở thành một trong các trung tâm công nghiệp công nghệ số mới, tập trung vào một số chuyên ngành như AI, chuyển đổi số công nghiệp.

Trong giai đoạn 2024 sẽ hoàn thiện thể chế với việc xây dựng Luật Công nghiệp công nghệ số. Xây dựng và triển khai các chiến lược phát triển ngành như chiến lược công nghiệp công nghệ số, chiến lược vi mạch bán dẫn. Thúc đẩy phát triển hạ tầng ngành công nghiệp công nghệ số: Thẩm định, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án mở rộng khu công viên phần mềm Đà Nẵng.

Trong giai đoạn 2024-2025 sẽ phát triển 1-2 khu công nghệ thông tin tập trung tại các vùng kinh tế trọng điểm tạo hạ tầng, động lực thúc đẩy phát triển công nghiệp công nghệ số. Tăng cường quản lý chất lượng sản phẩm, dịch vụ công nghệ số: Xây dựng hệ thống đánh giá rủi ro sản phẩm, dịch vụ công nghệ số ứng dụng công nghệ AI; Thúc đẩy nghiên cứu, phát triển làm chủ thiết bị 5G, đáp ứng nhu cầu triển khai mạng lưới trong nước.

Nguồn: TBKTVN