Quay lại

Xuất siêu toàn ngành nông lâm ngư nghiệp đạt trên 10 tỷ USD

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết xuất khẩu nông lâm thủy sản tháng 11/2023 ước đem về 4,79 tỷ USD, tăng 0,3% so với tháng 10/2023 và tăng 13% so với tháng 11/2022.

Trong đó, tất cả các nhóm hàng đều tăng so với tháng 11/2022. Cụ thể, nông sản 2,49 tỷ USD, tăng 24,7%; chăn nuôi 41 triệu USD, tăng 9,7%; lâm sản 1,29 tỷ USD, tăng 2,8%; thủy sản 800 triệu USD, tăng 1,4%; đầu vào sản xuất 168 triệu USD, tăng 4,9%.

XUẤT KHẨU NHÓM NÔNG SẢN TĂNG "ẤN TƯỢNG"

Tuy nhiên, do giá trị xuất khẩu của một số mặt hàng chính giảm sâu trong nửa đầu năm, nên tính chung 11 tháng năm 2023, tổng tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản ước đạt 47,84 tỷ USD, giảm 2,7% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, nhóm thuỷ sản đạt 8,24 tỷ USD, giảm 18,9%; lâm sản 13,02 đạt tỷ USD, giảm 17%; đầu vào sản xuất đạt 1,82 tỷ USD, giảm 17,8%. 

Riêng nhóm nông sản và chăn nuôi có giá trị xuất khẩu tăng cao. Cụ thể: kim ngạch xuất khẩu nhóm nông sản ước đạt 24,3 tỷ USD, tăng 17,1% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, đóng góp bởi giá trị xuất khẩu ngành hàng rau quả 5,32 tỷ USD, tăng 74,5%; kim ngạch xuất khẩu gạo 4,41 tỷ USD, tăng 36,3%; hạt điều 3,31 tỷ USD, tăng 17,4%, sản phẩm từ ngũ cốc 1,08 tỷ USD, tăng 5,4%. Kim ngạch xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi đạt 453 triệu USD, tăng 23,5%.

"Tính đến hết tháng 11, có 6 ngành hàng nông sản đạt giá trị kim ngạch xuất khẩu  trên 3 tỷ USD: Cà phê 3,54 tỷ USD, gạo 4,41 tỷ USD, hàng rau quả 5,32 tỷ USD, hạt điều 3,31 tỷ USD, tôm 3,38 tỷ USD, gỗ và sản phẩm gỗ 12,11 tỷ USD".

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Giá xuất khẩu bình quân một số nông sản chính tăng cao: Gạo 568 USD/tấn, tăng 17,3% (giá tăng liên tục, trong đó tháng 10 đạt 640 USD/tấn, tháng 11 đạt 659 USD/tấn); chè 1.750 USD/tấn, tăng 8,7%; cà phê 2.570 USD/tấn, tăng 11,9%.

Ngược lại, một số mặt hàng giảm giá xuất khẩu: Cao su 1.343 USD/tấn, giảm 14,7%; Hồ tiêu 3.391 USD/tấn, giảm 21,3%; Hạt điều 5.682 USD/tấn, giảm 4,7%; sắn và sản phẩm từ sắn 437 USD/tấn, giảm 0,3%.

Về thị trường xuất khẩu trong 11 tháng 2023, giá trị xuất khẩu nông lâm thủy sản tới các thị trường thuộc khu vực châu Á đạt 23,61 tỷ USD, tăng 6,8%; châu Mỹ 10,85 tỷ USD, giảm 17,7%; châu Âu 4,85 tỷ USD, giảm 12,5%; châu Phi 999 triệu USD, tăng 21,7%; châu Đại Dương 722 triệu USD, giảm 13,5%. Trung Quốc, Hoa Kỳ và Nhật Bản tiếp tục duy trì là 3 thị trường xuất khẩu lớn nhất; giá trị xuất khẩu sang Trung Quốc chiếm tỷ trọng 23,2%, tăng 18%; Hoa Kỳ chiếm 20,6%, giảm 17,9% và Nhật Bản chiếm 7,4%, giảm 9,1% so với cùng kỳ năm trước.

NỖ LỰC XỬ LÝ RÀO CẢN KỸ THUẬT TẠI CÁC THỊ TRƯỜNG NHẬP KHẨU LỚN

Về nhập khẩu nông lâm thủy sản, kim ngạch 11 tháng đạt 37,29 tỷ USD, giảm 9,7% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, nhóm nông sản 22,72 tỷ USD, giảm 9,4%; sản phẩm chăn nuôi 3,23 tỷ USD, giảm 4,8%; thuỷ sản 2,41 tỷ USD, giảm 3,4%; lâm sản 2,09 tỷ USD, giảm 27,5%; đầu vào sản xuất 6,79 tỷ USD, giảm 8,1%; muối 41,1 triệu USD, giảm 2,5% so với cùng kỳ năm ngoái.

Như vậy, tính đến hết tháng 11/2023, toàn ngành nông lâm ngư nghiệp xuất siêu 10,55 tỷ USD tăng 33,7% so với cùng kỳ năm trước.

Thị trường nhập khẩu nông lâm thủy sản 11 tháng: Khu vực châu Á chiếm 28,1% thị phần NK của Việt Nam, châu Mỹ chiếm 23,5%, châu Đại Dương chiếm 7%, châu Phi chiếm 4,7% và châu Âu chiếm 4%. Các nước Trung Quốc, Braxin và Hoa Kỳ là 3 thị trường cung cấp các mặt hàng nông lâm thủy sản lớn nhất cho Việt Nam trong 11 tháng qua, với thị phần trong tổng giá trị nhập khẩu lần lượt: 8,1%, 8,1% và 7,9%.

Đề cập về công tác điều hành tiêu thụ và xuất khẩu nông lâm thủy sản, ông Phùng Đức Tiến – Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cho biết trong tháng 11/2023, Bộ tiếp tục phối hợp với Bộ Công Thương theo dõi sát sao và báo cáo kịp thời Ban chỉ đạo điều hành giá và Tổ điều hành thị trường trong nước tình hình sản xuất, nguồn cung các sản phẩm nông sản đang vào vụ thu hoạch, biến động giá cả, đặc biệt là các mặt hàng đang chịu tác động lớn từ thị trường thế giới như mặt hàng gạo.

Cùng với đó, hướng dẫn các địa phương điều tiết kế hoạch sản xuất, thúc đẩy xuất khẩu. Bộ cũng đã chủ động xử lý các sự cố mất an toàn thực phẩm, các trường hợp lô hàng bị cảnh báo tại thị trường nhập khẩu và đàm phán xử lý rào cản kỹ thuật, mở rộng thị trường xuất khẩu nông lâm thủy sản.

"Đối với thị trường EU: Bộ đang chỉ đạo khắc phục khuyến cáo của Đoàn thanh tra EU về chống khai thác IUU; đôn đốc các đơn vị tổ chức thực hiện kiểm nghiệm bổ sung các chỉ tiêu trong Chương trình giám sát dư lượng theo khuyến nghị EU, đề nghị lùi thời gian tổ chức Đoàn đánh giá Chương trình dư lượng của EU từ tháng 1/2024 sang tháng 9/2024".

Ông Phùng Đức Tiến, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Đối với vấn đề xử lý rào cản kỹ thuật tại thị trường Trung Quốc, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã góp ý dự thảo Nghị định thư về kiểm soát thủy sản khai thác của Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc; tiếp tục xử lý vướng mắc xuất khẩu tôm hùm bông sống; đăng ký doanh nghiệp xuất khẩu trên Hệ thống CIFER; đề nghị bổ sung loài, sản phẩm mới vào danh mục được phép xuất khẩu.

Đồng thời, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đã đàm phán, mở cửa thị trường xuất khẩu hàng nông sản sang Chi Lê, xuất khẩu gạo sang Venezuela…

Về phát triển thương mại điện tử, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tổ chức tập huấn kiến thức, kỹ năng tổng hợp, phân tích, đánh giá thông tin thị trường, ứng dụng nền tảng công nghệ số trong thương mại điện tử , bán hàng nông sản trên các kênh trực tuyến cho Hợp tác xã, Tổ hợp tác, hộ nông dân tại 03 vùng miền (Tuyên Quang, Nha Trang, Cà Mau) trong tháng 11 và 12/2023.

Một số địa phương tích cực, chủ động ứng dụng thương mại điện tử trong tiêu thụ nông sản. Sơn La: năm 2023 đã có hơn 500 tấn trái cây được tiêu thụ qua sàn thương mại điện tử. Yên Bái: đã tạo được trên 30.000 tài khoản mua, bán cho các hộ nông dân trên sàn Thương mại điện tử Postmart.vn, giới thiệu được 3.550 sản phẩm (trong đó 108 sản phẩm OCOP). Thanh Hóa: trên 10.000 hộ sản xuất, kinh doanh được đào tạo kỹ năng số và kỹ năng hoạt động trên không gian mạng; gần 500 sản phẩm nông sản đã được đưa lên sàn thương mại điện tử.

Chỉ còn tháng 12 là kết thúc năm 2023, toàn ngành nông lâm ngư nghiệp đang tăng tốc để về đích. Theo đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã đề ra một số nhiệm vụ trọng tâm nhằm đẩy mạnh phát triển thị trường tiêu thụ trong nước và xuất khẩu.

Thứ nhất: Tiếp tục xử lý các vấn đề thị trường nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho xuất khẩu nông sản, thủy sản, đặc biệt là thị trường Trung Quốc, Hoa Kỳ, EU, liên minh kinh tế Á - Âu...

Thứ hai: Tận dụng các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, đặc biệt là Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ Xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) để đẩy mạnh xuất khẩu hàng nông lâm thủy sản chủ lực, hỗ trợ doanh nghiệp ký kết đơn hàng xuất khẩu mới. Phối hợp hỗ trợ bảo hộ nhãn hiệu và chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm xuất khẩu tiềm năng của Việt Nam ở nước ngoài.

Thứ ba: Theo dõi, nắm bắt tình hình giá cả, nguồn cung các mặt hàng lương thực thực phẩm thiết yếu, báo cáo Tổ điều hành Thị trường trong nước và Ban Chỉ đạo giá của Chính phủ; đảm bảo nguồn cung phục vụ nhu cầu trong nước và cân đối cung cầu dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn.

Nguồn: TBKTVN