Để sớm đạt mục tiêu Net Zero: Trồng thêm 500.000 ha rừng gỗ lớn
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vừa ban hành kế hoạch “Phát triển rừng trồng sản xuất gỗ lớn giai đoạn 2024 - 2030”. Theo đó, đến năm 2030, tổng diện tích rừng trồng sản xuất gỗ lớn đạt khoảng 1 triệu ha, trong đó duy trì diện tích rừng trồng gỗ lớn hiện có là 500.000 ha và phát triển mới giai đoạn 2024 - 2030 khoảng 450.000 - 550.000 ha.
TIỀM NĂNG HẤP THỤ CO2 RẤT LỚN
Theo Báo cáo kỹ thuật kiểm kê Khí nhà kính quốc gia của Việt Nam được Bộ Tài nguyên và Môi trường công bố năm 2020, tổng lượng phát thải khí nhà kính hàng năm tại Việt Nam vào khoảng 280 triệu tấn CO2. Trong khi đó, ngành lâm nghiệp đang giúp hấp thụ khí nhà kính mỗi năm lên đến khoảng 39,5 triệu tấn CO2.
"Đất lâm nghiệp nước ta hiện có diện tích 15,439 triệu ha, chiếm 46,6% tổng diện tích tự nhiên của cả nước. Việt Nam hiện đóng cửa rừng tự nhiên ít nhất đến năm 2030, do đó rừng đặc dụng, phòng hộ (khoảng 7 triệu ha) phải giữ nguyên. Phần còn lại, khoảng 4 triệu ha rừng phòng hộ cần để phục hồi. Như vậy, tổng diện tích rừng sản xuất chỉ vào khoảng 4 triệu ha trên cả nước”.
Ông Trần Quang Bảo, Cục trưởng Cục Lâm nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn).
Nghiên cứu của Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam cũng cho thấy, lượng CO2 được hấp thụ bởi rừng nghèo khoảng 30 - 140 tấn/ha, rừng trung bình trong khoảng 175 - 320 tấn/ha và rừng giàu trong khoảng 480 - 1.000 tấn/ha. Cũng theo nghiên cứu này, trong khi rừng trồng 5 - 6 tuổi chỉ hấp thụ được khoảng 100 tấn CO2/ha mỗi năm thì rừng từ 12 - 13 năm tuổi có thể hấp thụ 300 tấn CO2/ha.
Như vậy, nếu Việt Nam có thêm 1 triệu ha rừng cây gỗ lớn đang ở độ tuổi 13-15 năm, thì khả năng hấp thu khí nhà kính của diện tích rừng này lên tới 300 triệu tấn CO2/năm, tương đương với tổng lượng phát thải khí nhà kính của cả nước.
Ông Trần Quang Bảo, Cục trưởng Cục Lâm nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), cho biết trong năm 2023, Việt Nam bán được tín chỉ carbon hơn 10 triệu tấn CO2, thu về hơn 50 triệu USD. Lâm nghiệp là lĩnh vực đang phát thải âm và được đánh giá là có nhiều tiềm năng để thực hiện trao đổi, chuyển nhượng hay thương mại hóa tín chỉ carbon rừng. Phát triển thị trường tín chỉ carbon sẽ giúp Việt Nam tiến gần hơn và bắt kịp với xu hướng tăng trưởng xanh của thế giới, đồng thời giúp người dân có thêm nguồn thu.
TRIỂN KHAI TRỒNG RỪNG GỖ LỚN VẪN CHẬM
Trong số diện tích rừng sản xuất, hiện cả nước mới chỉ có gần 500 nghìn ha rừng trồng cây gỗ lớn, còn lại 3,5 triệu ha trồng cây gỗ nhỏ, thu hoạch khi cây chưa đến 10 năm tuổi. Phần lớn gỗ rừng trồng thu hoạch chủ yếu chỉ phục vụ nguyên liệu cho sản xuất gỗ công nghiệp, gỗ ghép thanh và bán dăm gỗ. Từ đó dẫn đến lợi nhuận rừng trồng ở nước ta quá thấp. Trong khi đó, hàng năm nước ta vẫn phải nhập khẩu khối lượng gỗ khá lớn để phục vụ ngành sản xuất đồ gỗ.
Tính toán của Chi cục Kiểm lâm tỉnh Bắc Giang cho thấy, nếu chủ rừng khai thác gỗ nhỏ ở năm thứ 6 để sản xuất và bán làm dăm gỗ, giá trị đạt khoảng 80 triệu đồng/ha, thu nhập bình quân đạt từ 12 - 15 triệu đồng/ha/năm. Nhưng nếu đợi 10 - 14 năm để khai thác gỗ lớn, sản lượng sẽ đạt từ 200 - 240 m3/ha và hầu hết cây gỗ đạt đường kính trên 18cm. Khi đó, gỗ sẽ được bán theo giá gỗ xẻ với giá từ 1,8 - 2 triệu đồng/m3, tức khoảng 250 - 300 triệu đồng/ha, lợi nhuận bình quân đạt từ 22 - 25 triệu/ha/năm. Trong khi người trồng rừng gỗ nhỏ phải tới 2 lần đầu tư, với chi phí trung bình khoảng 60 triệu đồng/ha, thì rừng gỗ lớn chỉ cần đầu tư 1 lần, với tổng chi phí trung bình khoảng 40 triệu đồng/ha. Như vậy, chu kỳ trồng rừng gỗ lớn tuy gấp đôi, nhưng hiệu quả kinh tế lại cao gấp 2 - 3 lần rừng gỗ nhỏ.
Tuy vậy, phát triển trồng rừng cây gỗ lớn ở nước ta vẫn rất chậm so với mục tiêu đề ra. Nhiều nguyên nhân khiến người dân chưa mặn mà với trồng rừng cây gỗ lớn, đó là chu kỳ trồng rừng gỗ lớn quá dài, nông dân thiếu vốn đầu tư lâu dài, trong khi họ cần có thu nhập nhanh để đảm bảo cuộc sống hàng ngày... Đáng chú ý, nhiều diện tích đất sản xuất lâm nghiệp đã được giao cho người dân, nhưng vẫn chưa cấp sổ đỏ, khiến người dân e ngại không dám đầu tư lâu lài.
HƯỚNG TỚI CHỦ ĐỘNG NGUỒN NGUYÊN LIỆU
Kế hoạch phát triển rừng trồng sản xuất gỗ lớn giai đoạn 2024 - 2030 vừa được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành, đặt mục tiêu phát triển vùng rừng trồng sản xuất gỗ lớn tập trung nhằm chủ động cung cấp nguồn nguyên liệu gỗ phục vụ chế biến, tiêu dùng trong nước và xuất khẩu, nâng cao thu nhập cho người trồng rừng đồng thời góp phần bảo vệ môi trường sinh thái, thích ứng với biến đổi khí hậu và giảm nhẹ thiên tai...
Nguồn: TBKTVN