Đổi mới sáng tạo là yếu tố "sống còn" đưa Việt Nam thành nước phát triển

Đây là khẳng định của TS. Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh chia sẻ trong bài tham luận tại lễ công bố top 50 Doanh nghiệp Sáng tạo và Kinh doanh hiệu quả Việt Nam 2023 (VIE50) và Top 10 Doanh nghiệp Sáng tạo và Kinh doanh hiệu quả Việt Nam 2023 trong các ngành (VIE10) diễn ra mới đây.

ĐỔI MỚI SÁNG TẠO LÀ VẤN ĐỀ SỐNG CÒN 
"Đây là thời điểm đổi mới sáng tạo gắn với câu nói "To be or not to be" (tạm dịch: Tồn tại hay không tồn tại) với nền kinh tế và đất nước Việt Nam. Việt Nam đang bước sang giai đoạn chưa bao giờ có với tham vọng phát triển như hôm nay”, TS. Thành nói.

Cũng theo TS.Thành, dù vậy những năm gần đây việc đổi mới sáng tạo của Việt Nam vẫn còn chậm chạp do đại dịch, ảnh hưởng địa chính trị, xung đột vũ trang trên thế giới, biến đổi khí hậu. Việt Nam muốn thay đổi cách thức phát triển, thay đổi mô hình tăng trưởng cần dựa nhiều hơn vào đổi mới sáng tạo, và tăng năng suất lao động.

Dẫn nguồn báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, TS. Thành cho biết, hiện tốc độ tăng suất lao động của Việt Nam đang giảm dần. Đặc biệt, ở những thành phố "đầu tàu" như TPHCM, tốc độ tăng năng suất lao động thấp hơn trung bình cả nước. "Đổi mới sáng tạo là nhân tố quan trọng nhất thay đổi năng suất lao động", TS.Thành nói. 

TS. Thành nhận định, chưa bao giờ, bên cạnh khát vọng đổi mới sáng tạo, tinh thần kinh doanh, tinh thần đổi mới cần đòi hỏi gắn kết với nhau như thời điểm này. Trước kia trong hệ sinh thái đổi mới sáng tạo gồm nhà nước, viện trường và doanh nghiệp, trong đó nhà nước là trung tâm của đổi mới sáng tạo. Giờ đây, doanh nghiệp phải là trung tâm của đổi mới sáng tạo quốc gia.

 “Đổi mới sáng tạo sẽ cần phải học. Học ở đây không chỉ là không chỉ là tiếp thu, làm chủ, sáng kiến, sáng tạo công nghệ theo các mức khác nhau, không chỉ là thay đổi quy trình quản trị, thay đổi mô hình kinh doanh, sản phẩm mà còn là học cách quản trị trong đổi mới sáng tạo, trong bối cảnh mới, là “dám chơi”, dám làm lại…”, TS.Thành chia sẻ. 

CÁC ĐỊNH TỐ GỐC RỄ THÚC ĐẨY ĐỔI MỚI SÁNG TẠO 
Còn theo PGS, TS Vũ Minh Khương, Trường Chính sách công Lý Quang Diệu, Đại học Quốc gia Singapore, muốn thúc đẩy đổi mới sáng tạo, chính phủ và doanh nghiệp đều phải nhìn vào những định tố gốc rễ bao gồm hiệu quả, hiệu lực và hiệu năng. 

Theo đó, doanh nghiệp khi làm đổi mới sáng tạo cần phải thấy hiệu quả về lợi nhuận, doanh thu. Hiệu lực là những gì mình làm sẽ tác động ra sao đến khách hàng, để khách hàng trân trọng và tin tưởng mình hơn. Còn hiệu năng, tức là năng lực thích ứng, thay đổi trước các biến cố. Làm đổi mới sáng tạo cần phải ý thức rõ 3 trụ cột này. Ở Việt Nam hiện nay, mới chú trọng đến yếu tố hiệu quả chứ chưa nhìn thấy rõ vai trò của hiệu lực và hiệu năng thích ứng”, TS.Khương đánh giá. 

Kết quả khảo sát nhanh các doanh nghiệp trong sách VIE50 và VIE10 của Viet Research cho thấy, có đến 84% doanh nghiệp nhận định đổi mới sáng tạo là chìa khóa quan trọng đối với tăng trưởng trong thời gian tới trong đó phần lớn các doanh nghiệp tập trung vào đổi mới, cải tiến sản phẩm dịch vụ và quy trình. 70% các doanh nghiệp trong khảo sát cũng cho biết dự kiến tăng ngân sách cho đổi mới sáng tạo trong ít nhất 2 năm tới.

Theo các chuyên gia, khi nền kinh tế phục hồi và phát triển, các doanh nghiệp muốn chuyển dịch lên những nấc thang cao hơn trong chuỗi giá trị toàn cầu thì buộc phải đổi mới, sáng tạo để tồn tại và cạnh tranh thành công.

Đổi mới sáng tạo hiệu quả và thành công tạo nền tảng vững chắc cho hoạt động sản xuất kinh doanh, làm tăng giá trị và thúc đẩy tăng trưởng cho doanh nghiệp; dần định hình mã gen, văn hóa về đổi mới sáng tạo trong doanh nghiệp. Đổi mới sáng tạo không chỉ giúp doanh nghiệp tăng khả năng thích ứng với bối cảnh kinh doanh mới, thúc đẩy tăng trưởng, mà quan trọng là cho thấy vị thế của người dẫn dắt và thay đổi cuộc chơi trên thị trường.

Nguồn: TBKTVN