Đối thoại giữa EuroCham và chính quyền Thành phố về “Giấy phép lao động cho người lao động nước ngoài”
Ngày 07/3/2023, Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư Thành phố Hồ Chí Minh (ITPC) chủ trì, phối hợp với Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) và Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức chương trình Hội nghị đối thoại giữa Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu và chính quyền Thành phố với chủ đề: “Giấy phép lao động cho người lao động nước ngoài.”
Hội nghị nhằm phổ biến quy định của pháp luật, những đổi mới trong chính sách của Thành phố và giải đáp các câu hỏi vướng mắc, tháo gỡ khó khăn cho cộng đồng doanh nghiệp châu Âu về các thủ tục liên quan đến giấy phép lao động cho người lao động nước ngoài.
Tham dự Hội nghị, về phía Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu (EuroCham) có ông Alain Cany, Chủ tịch EuroCham; ông Jean Jacques Bouflet, Phó Chủ tịch EuroCham và bà Delphine Rosselete, Giám đốc điều hành EuroCham. Đại diện Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư Thành phố Hồ Chí Minh (ITPC) là bà Cao Thị Phi Vân - Phó Giám đốc ITPC và đại diện Sở Lao động Thương binh và Xã hội Thành phố có ông Nguyễn Văn Lâm, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Thành phố.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, bà Cao Thị Phi Vân, Phó Giám đốc ITPC nhấn mạnh các nỗ lực của chính quyền Thành phố trong các hoạt động đồng hành, hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi và mở rộng sản xuất kinh doanh. Hiện nay, Thành phố đang tập trung tháo gỡ những điểm nghẽn, gắn chương trình phục hồi kinh tế với các chương trình phát triển đô thị, cải thiện môi trường sống đô thị, chương trình nhà ở; cải thiện hạ tầng giao thông, nối kết phát triển vùng... để tạo nền tảng phát triển bền vững trong dài hạn. Song song đó, Thành phố cũng tập trung công tác cải cách hành chính, giải quyết từng vấn đề mà doanh nghiệp quan tâm, như vấn đề giấy phép lao động cho người lao động nước ngoài.
Giấy phép lao động là chứng chỉ chính thức do cơ quan lao động cấp cho phép lao động được làm việc hợp pháp tại Việt Nam. Với nhu cầu tuyển dụng người lao động nước ngoài tăng cao, ngày càng có nhiều lao động nước ngoài đăng ký vào làm việc tại các công ty, doanh nghiệp, tập đoàn tại Việt Nam. Để được làm việc tại Việt Nam một cách hợp pháp, người sử dụng lao động và người lao động nước ngoài cần tuân thủ nghiêm chỉnh quy định về việc cấp giấy phép lao động cho người nước ngoài tại Việt Nam. Văn bản pháp luật hướng dẫn thủ tục cấp giấy phép lao động tại Việt Nam hiện nay là Bộ luật Lao động 2019 có hiệu lực từ ngày 01/01/2021 và Nghị định 152/2020 NĐ-CP ngày 30/12/2020 quy định về người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam và tuyển dụng, quản lý người lao động Việt Nam làm việc cho tổ chức, cá nhân nước ngoài tại Việt Nam.
Tại Hội nghị, ông Nguyễn Văn Lâm, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Thành phố đánh giá rằng trong thời gian qua, việc triển khai cấp giấy phép lao động cho người nước ngoài của các doanh nghiệp đã thực hiện tốt việc cấp giấy phép lao động, quản lý lao động người nước ngoài. Tuy nhiên, vẫn còn một số doanh nghiệp khi làm thủ tục cấp giấy phép lao động chưa đảm bảo khi chuẩn bị các hồ sơ liên quan đến giấy phép lao động, cụ thể như:
Thứ nhất, việc thực hiện giải trình nhu cầu sử dụng người lao động nước ngoài của doanh nghiệp chưa đảm bảo các quy định hiện hành.
Thứ hai, trong quá trình nộp hồ sơ cấp giấy phép lao động các doanh nghiệp thường mắc phải một số nội dung chưa đảm bảo điều kiện như: việc hợp pháp hóa lãnh sự, sao y chứng thực và dịch công chứng; nội dung liên quan đến chuyên môn đào tạo, kinh nghiệm làm việc của người nước ngoài thiếu thông tin cụ thể hoặc không thống nhất với báo cáo giải trình nhu cầu sử dụng lao động nước ngoài.
Thứ ba, thể thức trình bày văn bản chưa đảm bảo quy định, thiếu thông tin hoặc thông tin chưa chính xác, tẩy xóa nhiều, hồ sơ nộp trực tuyến và hồ sơ giấy chưa thống nhất.
Sau đó, Hội nghị đã diễn ra sôi nổi khi nhận được khoảng 100 câu hỏi đặt vấn đề để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc từ phía các doanh nghiệp. Các câu hỏi tập trung vào các nhóm nội dung như: thời gian làm thủ tục để có được giấy phép lao động kéo dài; những khó khăn khi làm thủ tục qua Cổng Dịch vụ công quốc gia; một số khó khăn trong quá trình giải trình nhu cầu sử dụng lao động nước ngoài bao gồm các giấy tờ chứng minh nhu cầu sử dụng, kế hoạch đào tạo, thông báo tuyển dụng, các chấp thuận nhu cầu sử dụng người lao động nước ngoài trước đây; khó khăn trong việc chứng minh kinh nghiệm làm việc của người lao động nước ngoài; các khó khăn trong việc bằng cấp phải phù hợp với công việc dự kiến làm việc và các vấn đề khác (thị thực, thẻ tạm trú, các vấn đề liên quan tới các cơ quan lao động khác...).
Trong phần thảo luận của Hội nghị, đoàn chủ tọa bao gồm đại diện ITPC, đại diện Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP.HCM, đại diện EuroCham đã trao đổi và giải đáp tất cả các câu hỏi vướng mắc được đặt ra trước và trong Hội nghị.
Tại Hội nghị, lãnh đạo chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh đã cung cấp thông tin và hướng dẫn truy cập vào Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính Thành phố Hồ Chí Minh triển khai vào cuối tháng 10 năm 2022 (https://dichvucong.hochiminhcity.gov.vn). Đặc biệt, sau khi nộp trực tuyến doanh nghiệp có thể đem hồ sơ giấy đến nộp tại Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, tại đây có bố trí cán bộ tại Bộ phận Tiếp nhận và trả kết quả để hướng dẫn, giải thích các nội dung liên quan cho người dân, doanh nghiệp khi đến nộp hồ sơ. Các hồ sơ của tổ chức, doanh nghiệp nộp theo đúng quy định đều được giải quyết đúng thời gian hẹn trả kết quả theo đúng quy định.
Trong thời gian qua, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP.HCM cũng đã rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục hành chính gồm: báo cáo giải trình/giải trình thay đổi nhu cầu sử dụng người lao động nước ngoài từ 10 ngày làm việc xuống còn 7 ngày làm việc (rút ngắn 30% thời gian giải quyết so với quy định tại Nghị định số 152/2020/NĐ-CP ngày 30/12/2020 của Chính phủ); cấp lại giấy phép lao động rút ngắn từ 03 ngày làm việc xuống còn 01 ngày.
Đồng thời, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết sẽ rà soát và tiếp tục đề xuất rút ngắn thời gian giải quyết đối với 02 thủ tục: gia hạn giấy phép lao động và xác nhận người nước ngoài không thuộc diện cấp giấy phép lao động từ 05 ngày làm việc xuống 03 ngày làm việc trong thời gian sắp tới.
Nhìn chung, đội ngũ chuyên gia, người lao động có trình độ chuyên môn và kỹ năng nghề nghiệp cao vào làm việc tại TP.HCM đã đáp ứng một phần nhu cầu về nguồn nhân lực chất lượng cao trên địa bàn. Chính quyền Thành phố mong muốn thông qua chương trình Hội nghị lần này, các doanh nghiệp nhanh chóng tiếp cận các quy định của pháp luật, những đổi mới trong chính sách của Thành phố để kịp thời tháo gỡ vướng mắc, đơn giản hóa quy trình, thủ tục cấp giấy phép lao động người nước ngoài, tạo thuận lợi nhất cho chuyên gia nước ngoài vào Việt Nam làm việc.
Nguồn: Phòng Thông tin ITPC