Đối thoại về Giấy phép lao động và thủ tục xuất nhập cảnh cho người lao động nước ngoài
Ngày 06/4/2023, Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư Thành phố Hồ Chí Minh (ITPC) chủ trì, phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Thành phố Hồ Chí Minh; Công An Thành phố Hồ Chí Minh (Phòng Quản lý xuất nhập cảnh) và Cục Quản lý xuất nhập cảnh Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức chương trình Hội nghị Đối thoại giữa Doanh nghiệp và Chính quyền Thành phố, Chủ đề: “Giấy phép lao động và thủ tục xuất nhập cảnh cho người lao động nước ngoài”. Hội nghị nhằm phổ biến quy định của pháp luật, những đổi mới trong chính sách của Thành phố và giải đáp các câu hỏi vướng mắc, tháo gỡ khó khăn của cộng đồng doanh nghiệp nước ngoài về các thủ tục liên quan.
Đoàn chủ tọa Hội nghị có sự hiện diện của bà Cao Thị Phi Vân, Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư Thành phố Hồ Chí Minh (ITPC) và ông Nguyễn Văn Lâm, Phó Giám đốc Sở Lao Động Thương binh và Xã hội Thành phố. Tham dự Hội nghị có các đại diện lãnh đạo của Hiệp hội Doanh nghiệp Đức (GBA), Hiệp hội Thương mại Hoa Kỳ (AmCham Vietnam), Hiệp hội doanh nghiệp Singapore (SCCV), Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO) tại TP.HCM, Cơ quan Xúc tiến Thương mại và Đầu tư Hàn Quốc (KOTRA), Hiệp hội doanh nghiệp Ấn Độ tại việt nam (InCham), Hiệp hội Doanh nghiệp Hong Kong tại Việt Nam (HKBAV), Hiệp hội Doanh nghiệp Malaysia (MBC), Hiệp Hội Doanh Nghiệp Thái Lan Tại Việt Nam (ThaiCham), Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản tại TP.HCM (JCCH), Hiệp hội doanh nghiệp châu Âu (EuroCham), Phòng Thương mại Italia tại Việt Nam (ICham).
Phát biểu khai mạc hội nghị, bà Cao Thị Phi Vân, Phó Giám đốc ITPC nhấn mạnh các nỗ lực của chính quyền Thành phố trong các hoạt động đồng hành, hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi và mở rộng sản xuất kinh doanh. Theo đó, trước đây khi Nghị định 152/2020/ND-CP được ban hành hướng dẫn một số điều của Bộ Luật lao động 2019 và bắt đầu có hiệu lực từ ngày 15/02/2021, đã nhận về nhiều ý kiến của doanh nghiệp về những khó khăn vướng mắc liên quan đến những quy định của Nghị định này về Giấy phép lao động cho người lao động nước ngoài. Sau đó, khi đại dịch Covid- 19 ảnh hưởng lớn đến nền kinh tế, để tạo điều kiện tập trung khôi phục, phát triển hoạt động sản xuất, kinh doanh, Chính phủ đã ban Nghị quyết số 105/NQ-CP có hiệu lực từ ngày 09/9/2021 cho phép áp dụng các quy định nới lỏng điều kiện cấp giấy phép lao động nước ngoài so với những quy định trong Nghị định 152/2020/NĐ-CP. Tuy nhiên Nghị quyết số 105/NQ-CP chỉ có thời hạn hiệu lực hiệu lực đến ngày 31/12/2022 theo quy định tại Nghị quyết số 30/2021/QH15 của Quốc hội. Từ ngày 01/01/2023, các thủ tục cấp giấy phép lao động được thực hiện theo Nghị định 152/2020/NĐ-CP như trước đây. Việc ngừng áp dụng các quy định nới lỏng điều kiện và áp dụng trở lại Nghị định 152/2020/NĐ-CP đã gây không ít bối rối và vướng mắc cho doanh nghiệp, vấn đề Giấy phép lao động cho người lao động nước ngoài trở thành một vấn đề nổi cộm mà nhiều doanh nghiệp gặp vướng mắc.
Để tiếp tục giải đáp vướng mắc về vấn đề Giấy phép lao động và mở rộng ra thủ tục xuất nhập cảnh cho người lao động nước ngoài, Trung tâm tiếp tục phối hợp với các đơn vị liên quan để tổ chức Hội nghị lần này nhằm cung cấp những thông tin hữu ích và giải đáp những vướng mắc cho doanh nghiệp, góp phần tạo một lối đi thông thoáng hơn nữa để mời gọi thêm nhiều doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư vào Thành phố.
Hội nghị lần này đã thu hút sự quan tâm từ rất nhiều doanh nghiệp ngay từ lúc mở đăng ký tham dự. Đến trước thời điểm Hội nghị diễn ra, Ban Tổ chức đã nhận được 65 câu hỏi, kiến nghị trong đó có 43 câu hỏi liên quan đến giấy phép lao động cho người nước ngoài và 22 câu liên quan đến thủ tục xuất nhập cảnh cho người lao động nước ngoài.
Trong đó, các câu hỏi kiến nghị liên quan đến giấy phép lao động cho người nước ngoài chủ yếu tập trung vào các nhóm vấn đề sau: Thời gian cấp giấy phép lao động; Khó khăn trong việc nộp hồ sơ trực tuyến; Bất cập trong giải trình về nhu cầu lao động nước ngoài, chứng minh kinh nghiệm làm việc cũng như trong quy định bằng cấp phù hợp với vị trí làm việc; Kiến nghị sửa đổi Nghị định 152/NĐ-CP ngày 30/12/2020.
Ngoài ra còn có các kiến nghị liên quan đến thủ tục xuất nước ngoài như việc cấp thẻ APEC cho người nước ngoài; Thủ tục mời chuyên gia nước ngoài nhập cảnh thông qua cổng dịch vụ công; Thủ tục cấp thị thực điện tử; Thủ tục gia hạn tạm trú, cấp thẻ tạm trú đối với người nước ngoài đang cư trú tại Việt Nam.
Tại hội nghị ông Nguyễn Văn Lâm, Phó Giám đốc Sở Lao Động Thương binh và Xã hội Thành phố đánh giá rằng trong thời gian qua, việc triển khai cấp giấy phép lao động cho người nước ngoài của các doanh nghiệp đã thực hiện tốt việc cấp giấy phép lao động, quản lý lao động người nước ngoài. Tuy nhiên, vẫn còn một số doanh nghiệp khi làm thủ tục cấp giấy phép lao động chưa đảm bảo khi chuẩn bị các hồ sơ liên quan đến giấy phép lao động, cụ thể như:
Thứ nhất, việc thực hiện giải trình nhu cầu sử dụng người lao động nước ngoài của doanh nghiệp chưa đảm bảo các quy định hiện hành.
Thứ hai, trong quá trình nộp hồ sơ cấp giấy phép lao động các doanh nghiệp thường mắc phải một số nội dung chưa đảm bảo điều kiện như: việc hợp pháp hóa lãnh sự, sao y chứng thực và dịch công chứng; nội dung liên quan đến chuyên môn đào tạo, kinh nghiệm làm việc của người nước ngoài thiếu thông tin cụ thể hoặc không thống nhất với báo cáo giải trình nhu cầu sử dụng lao động nước ngoài.
Thứ ba, thể thức trình bày văn bản chưa đảm bảo quy định, thiếu thông tin, thông tin chưa chính xác, tẩy xóa nhiều, hồ sơ nộp trực tuyến và hồ sơ giấy chưa thống nhất.
Trong thời gian qua, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cũng đã rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục hành chính gồm: Báo cáo giải trình/giải trình thay đổi nhu cầu sử dụng người lao động nước ngoài từ 10 ngày làm việc xuống còn 7 ngày làm việc (rút ngắn 30% thời gian giải quyết so với quy định tại Nghị định số 152/2020/NĐ-CP ngày 30/12/2020 của Chính phủ); cấp lại giấy phép lao động rút ngắn từ 03 ngày làm việc xuống còn 01 ngày. Đồng thời, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội sẽ rà soát và tiếp tục đề xuất rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục hành chính đối với 02 thủ tục: Gia hạn giấy phép lao động và xác nhận người nước ngoài không thuộc diện cấp giấy phép lao động từ 05 ngày làm việc xuống 03 ngày làm việc trong thời gian sắp tới.
Phần nội dung Hỏi đáp của Hội nghị đã diễn ra sôi nổi và trả lời 65 câu hỏi được đặt trước và gần 40 câu hỏi được đặt trực tiếp tại Hội nghị.
Nhìn chung, đội ngũ chuyên gia, người lao động có trình độ chuyên môn và kỹ năng nghề nghiệp cao vào làm việc tại Thành phố Hồ Chí Minh đã đáp ứng một phần nhu cầu về nguồn nhân lực chất lượng cao trên địa bàn. Chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh mong muốn thông qua chương trình Hội nghị lần này, các doanh nghiệp nhanh chóng tiếp cận các quy định của pháp luật, những đổi mới trong chính sách của Thành phố để kịp thời tháo gỡ vướng mắc, đơn giản hóa quy trình, thủ tục cấp giấy phép lao động người nước ngoài, tạo thuận lợi nhất cho chuyên gia nước ngoài vào Việt Nam làm việc.
Nguồn: Phòng Thông tin ITPC