Đồng yên lại trượt dưới mốc 150 yên/USD, Nhật Bản liệu có can thiệp?

Tỷ giá đồng yên Nhật Bản sáng 23/10 lại giảm dưới mốc chủ chốt 150 yên đổi 1 USD, do chênh lệch lợi suất trái phiếu chính phủ giữa Nhật Bản và Mỹ tiếp tục diễn biến theo chiều hướng gây bất lợi cho yên - đồng tiền lớn vốn đã mất giá mạnh nhất thế giới từ đầu năm đến nay.

Vào đầu phiên giao dịch tại thị trường châu Á, đồng yên có lúc giảm còn 150,11 yên đổi USD sau đó nhanh chóng phục hồi trở lại về ngưỡng xấp xỉ 150 yên tương đương 1 USD.

THỊ TRƯỜNG THẬN TRỌNG VÌ BỘ TÀI CHÍNH NHẬT BẢN CÓ THỂ CAN THIỆP

Ở vùng tỷ giá này của đồng yên, các nhà giao dịch trên thị trường tiền tệ thận trọng với việc đặt cược vào sự giảm giá sâu hơn của yên, vì rất có khả năng Bộ Tài chính Nhật Bản sẽ đưa ra một quyết định can thiệp để bảo vệ tỷ giá đồng nội tệ. Một động thái như vậy của Tokyo có thể khiến những nhà bán khống yên “trở tay không kịp” và hứng thua lỗ nghiêm trọng.

Tuần trước, Bộ trưởng Bộ Tài chính Nhật Bản Shunichi Suzuki nói rằng giữ ổn định thị trường ngoại hối và đảm bảo tỷ giá phản ánh đúng những yếu tố nền tảng của nền kinh tế là những viẹc quan trọng.

Theo “thông lệ”, các nhà chức trách Nhật Bản thường đưa ra cảnh báo như vậy trước khi có động thái can thiệp vào thị trường tiền tệ. Tuy nhiên, cho tới hiện tại, Tokyo có vẻ chưa có sự can thiệp nào để giữ giá đồng yên khi đồng tiền này giảm giá mạnh trong năm nay, gần đây đã vài lần trượt dưới mốc 150 yên/USD - một mốc tỷ giá mà thị trường tài chính cho là giới hạn có thể dẫn tới sự can thiệp. Lần gần đây nhất Nhật Bản can thiệp vào thị trường ngoại hối là vào tháng 10 năm ngoái, khi đồng yên giảm về mức 151,94 yên đổi 1 USD, mức thấp nhất trong 32 năm.

“Tỷ giá yên sáng nay giảm quá mốc 150 yên đổi 1 USD vào thời điểm thị trường đang có lượng thanh khoản thấp và ít người tham gia giao dịch. Sự giảm giá đó có lẽ do các nhà đầu cơ dẫn dắt. Đồng yên có thể sẽ mạnh lên trong những giờ tiếp theo của phiên giao dịch, nhất là trong thời gian giao dịch của thị trường Tokyo, vì mối lo về khả năng can thiệp khi tỷ giá đang ở gần ngưỡng 150 yên đổi 1 USD”, chiến lược gia cấp cao Yukio Ishizuki của công ty Daiwa Securities nói với hãng tin Bloomberg.

Chênh lệch lãi suất trái phiếu chính phủ giữa Nhật Bản và Mỹ đang lớn, với lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm đang ở ngưỡng 4,91%, cao gấp gần 6 lần so với mức lợi suất gần 0,84% của lợi suất trái phiếu chính phủ Nhật kỳ hạn 10 năm.

Sự trái chiều chính sách tiền tệ giữa Nhật Bản và Mỹ là nguyên nhân dẫn tới mức chênh lệch lợi suất lớn này. Trong khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất 11 lần, với tổng mức tăng 5,25 điểm phần trăm, trong hơn 1 năm rưỡi qua để chống lạm phát, Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) vẫn trung thành với chính sách tiền tệ siêu lỏng lẻo bao gồm lãi suất ngắn hạn ở ngưỡng âm và biện pháp kiểm soát đường cong lợi suất (YCC) để ghìm lãi suất dài hạn ở mức thấp.

Hôm thứ Sáu tuần trước, Thống đốc Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) nói rằng cơ quan này sẽ tiếp tục kiên nhẫn giữ chính sách tiền tệ hiện tại để đạt mục tiêu lạm phát 2% ổn định và bền vững.

Thị trường cũng đang thận trọng trước thềm cuộc họp chính sách tiền tệ định kỳ của BOJ vào ngày 30-31/10 - sự kiện kết thúc chỉ một ngày trước cuộc họp của Fed vào ngày 31/10-1/11. Bên cạnh đó, căng thẳng địa chính trị ở Trung Đông cũng đang làm gia tăng sự bấp bênh trên thị trường tài chính toàn cầu. Những đồng tiền được xem là có độ an toàn cao như đồng USD, yên Nhật và franc Thuỵ Sỹ đang được nhà đầu tư ưa chuộng.

KHẢ NĂNG NHẬT BẢN ĐIỀU CHỈNH CHÍNH SÁCH TIỀN TỆ

Nhà đầu tư còn đang nghiền ngẫm một bài báo của tờ Nikkei nói rằng giới chức BOJ đang cân nhắc việc điều chỉnh chương trình kiểm soát đường cong lợi suất vì lãi suất dài hạn ở Nhật Bản, dù vẫn ở mức thấp, đang có chiều hướng tăng lên cùng với lãi suất ở Mỹ. Nikkei không nói rõ thu thập thông tin này từ nguồn nào.

“Nếu BOJ muốn đồng yên tăng giá, tôi cho rằng họ cần phải làm nhiều hơn việc chỉ nới rộng biên độ của đường cong lợi suất thêm lần nữa. Thị trường thận trọng là đúng”, chiến lược gia Rodrigo Catril của National Australia Bank nhận định với Bloomberg.

Theo nhận định của công ty quản lý tài sản RBC BlueBay Asset Management, nếu BOJ có động thái điều chỉnh chính sách tiền tệ trong tháng này và phát tín hiệu sắp đến lúc tăng lãi suất, đồng yên có thể tăng giá mạnh lên mức 145 yên đổi 1 USD.

Tỷ giá đồng yên đã loanh quanh gần mốc 150 yên đổi 1 USD kể từ khi tụt về mức 150,16 yên/USD vào hôm 3/10. Cú giảm giá đó của yên nhanh chóng được đảo ngược, đưa tỷ giá đồng tiền này hồi về mức 147,43 yên đổi 1 USD, làm dấy lên đồn đoán cho rằng Nhật Bản đã có động thái can thiệp để bảo vệ tỷ giá. Đến hiện tại, giới chức Nhật Bản vẫn giữ im lặng về vấn đề này, khiến thị trường không dám chắc là đã có động thái can thiệp hay chưa.

Nhật Bản đã chi khoảng 60 tỷ USD để bảo vệ tỷ giá đồng yên vào tháng 9 và tháng 10 năm ngoái trong 3 đợt can thiệp, đánh dấu lần đầu tiên nước này can thiệp để đỡ tỷ giá đồng nội tệ kể từ năm 1998. Năm nay, yên đã giảm giá 12% so với USD, trở thành đồng tiền mất giá mạnh nhất trong nhóm 10 đồng tiền chủ chốt của thế giới.

Ông Masato Kanda, quan chức tiền tệ cấp cao nhất thuộc Bộ Tài chính Nhật Bản, nói rằng nguyên tắc chung là việc tăng lãi suất và can thiệp vào thị trường tiền tệ là những biện pháp để ứng phó với biến động quá mức về tỷ giá. Ông Kanda cũng cam kết hành động nếu cần thiết để chống lại sự biến động quá mức, nhưng từ chối bình luận về việc những biến động thị trường gần đây có mang tính chất đầu cơ hay không.

Trong khi đó, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cho rằng không có yếu tố nào buộc Nhật Bản phải can thiệp vào thị trường ngoại hối để hỗ trợ tỷ giá đồng nội tệ.

Nguồn: TBKTVN