“Thế giới đã bắt đầu hồi kết của kỷ nguyên năng lượng hoá thạch”

Thế giới đang ở vào “thời kỳ đầu trong hồi kết” của kỷ nguyên năng lượng hoá thạch - Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) vừa đưa ra nhận định. Đây cũng là lần đầu tiên IEA dự báo nhu cầu dầu thô, khí đốt và than đá của thế giới sẽ đồng loạt đạt đỉnh trước năm 2030.

Theo báo Financial Times, định chế có trụ sở ở Paris, Pháp cho rằng nhu cầu tiêu thụ ba loại năng lượng hoá thạch chính kể trên sẽ bắt đầu giảm trong thập kỷ này do sự phát triển nhanh chóng của năng lượng tái tạo và ô tô chạy điện.

“Chúng ta đang chứng kiến thời kỳ đầu trong hồi kết của kỷ nguyên năng lượng hoá thạch, và chúng ta phải chuẩn bị sẵn sàng cho kỷ nguyên tiếp theo. Điều này cho thấy các chính sách về năng lượng đang phát huy tác dụng”, Tổng giám đốc Fatih Birol của IEA phát biểu trước khi IEA công bố báo cáo thường kỳ Triển vọng Năng lượng Thế giới (World Energy Outlook) vào tháng tới.

Trong một bài viết đăng trên Financial Times, ông Birol đánh giá sự dịch chuyển của thế giới khỏi năng lượng hoá thạch là một “bước ngoặt lịch sử”, nhưng kêu gọi các nhà hoạch định chính sách hành động mạnh mẽ hơn nữa để thúc đẩy quá trình chuyển đổi năng lượng và giảm phát thải gây hiệu ứng nhà kính cho dù việc phi carbon hoá còn gặp nhiều trở ngại chính trị.

Các chính phủ trên thế giới đã tăng cường đầu tư vào năng lượng tái tạo để chống lại biến đổi khí hậu và ứng phó với cuộc khủng hoảng năng lượng xảy ra do chiến tranh Nga-Ukraine. Tuy nhiên, nhiều chính phủ vấp phải sự phản đối của công chúng về chi tiêu lớn cho các dự án năng lượng tái tạo giữa lúc người dân đương đầu với một cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt.

IEA, tổ chức chủ yếu được cấp ngân sách bởi Tổ chức Hợp tác và phát triển quốc tế (OECD), vào năm ngoái cho rằng nhu cầu năng lượng hoá thạch của thế giới có thể đạt đỉnh vào khoảng năm 2030. Tuy nhiên giờ đây, IEA đẩy dự báo này lên sớm hơn vì việc triển khai các công nghệ năng lượng tái tạo đã diễn ra nhanh hơn trong 12 tháng qua.

Ông Birol cũng nhấn mạnh “những dịch chuyển cơ cấu” trong nền kinh tế Trung Quốc, khi nước này giảm tập trung vào công nghiệp nặng và thay vào đó đẩy mạnh việc phát triển các ngành công nghiệp và dịch vụ sử dụng ít năng lượng hơn.

“Trong 10 năm qua, Trung Quốc chiếm khoảng 1/3 tăng trưởng nhu cầu khí đốt tự nhiên trên toàn cầu và 2/3 tăng trưởng nhu cầu dầu thô. Năng lượng mặt trời, điện gió và điện hạt nhân sẽ dần lấn át tăng trưởng nhu cầu tiêu thụ than ở Trung Quốc”, ông Birol nói.

Cũng theo vị Tổng giám đốc IEA, các nhà hoạch định chính sách cần linh hoạt để thích ứng với chuyển đổi năng lượng và cho rằng quá trình này có thể được đẩy nhanh thông qua “chính sách khí hậu mạnh mẽ hơn”, cho dù một số quốc gia phương Tây còn lo ngại về mức độ chấp nhận của cử tri đối với những thay đổi nhanh chóng. Chẳng hạn, Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) đã khởi động những chương trình đầy tham vọng để hỗ trợ phát triển năng lượng tái tạo, nhưng đối mặt với sự phê phán của đối thủ chính trị về chi phí.

Tổng giám đốc Fatih Birol của IEA - Ảnh: Getty/FT.

Tổng giám đốc Fatih Birol của IEA - Ảnh: Getty/FT.

Ông Roberta Metsola, Chủ tịch Quốc hội châu Âu, mới đây cảnh báo rằng chính sách khí hậu của EU có nguy cơ đẩy cử tri về phía các chính đảng dân tuý. Ở Anh, Chính phủ đã dành sự ủng hộ cho các dự án khoan tìm dầu khí mới và chỉ trích việc mở rộng vùng phát thải siêu thấp của London.

Ông Birol nói các dự án năng lượng hoá thạch quy mô lớn mới có nguy cơ trở thành tài sản bị mắc kẹt, đồng thời cho rằng một số khoản đầu tư vào các mỏ dầu khí hiện có dễ bị mất giá trị. Cả ông và IEA đều đối mặt với các cuộc tấn công từ các nhà sản xuất năng lượng hoá thạch lớn. Họ cảnh báo rằng việc đầu tư không đầy đủ vào thăm dò, khai thác đầu khí có thể sẽ dẫn đến các cuộc khủng hoảng năng lượng nếu dự báo về mức đỉnh của nhu cầu dầu toàn cầu là quá lạc quan so với những gì có thể diễn ra trên thực tế.

Hồi tháng 4, Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) cáo buộc IEA gây biến động trên thị trường khi IEA đưa ra lời kêu gọi dừng đầu tư phát triển các mỏ dầu mới.

Ông Birol nói: “Các công ty dầu khí có thể không chỉ đánh giá sai về quan điểm của công chúng, mà họ còn có thể đánh giá sai về thị trường nếu họ kỳ vọng sự tăng trưởng tiếp diễn của nhu cầu dầu khí trong thập niên này. Các dự án năng lượng hoá thạch mới với quy mô lớn không chỉ đặt ra rủi ro về khí hậu mà cả rủi ro tài chính”.

Ông Birol kêu gọi các nhà hoạch định chính sách không nên tự mãn, cảnh báo rằng việc phát thải cần giảm nhanh sau khi đạt đỉnh vào giữa thập niên 2020 để tạo cơ hội hạn chế mức độ ấm lên toàn cầu ở 1,5 độ C.

“Chúng tôi kỳ vọng đến giữa thập kỷ này, mức phát thải toàn cầu sẽ đạt đỉnh. Nhưng điều đó vẫn còn cách xa việc đạt các mục tiêu về khí hậu, ngay cả khi có thêm chính sách. Chúng ta có thể thúc đẩy việc đạt mục tiêu nếu đưa ra các chính sách đúng đắn”, ông Birol nói.

Nguồn: TBKTVN