Quay lại

5 năm thực thi CPTPP: Nhiều tiềm năng chưa được khai thác hết

Tại hội thảo quốc tế “Hiệp định CPTPP: Tăng cường hợp tác kinh tế - thương mại với các đối tác châu Mỹ” diễn ra ngày 2/10, tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hoàng Long nhận định sau 5 năm kể từ khi có hiệu lực vào tháng 1/2019, CPTPP đã đóng vai trò quan trọng trong thúc đẩy thương mại của Việt Nam với các thị trường khu vực Châu Mỹ, đặc biệt là các thị trường thành viên gồm: Canada, Mexico, Chile, và Peru (trong đó Canada, Mexico và Peru là các thị trường lần đầu tiên có quan hệ FTA với Việt Nam).

XUẤT KHẨU CỦA VIỆT NAM TĂNG GẤP ĐÔI

Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu sang các thị trường CPTPP khu vực châu Mỹ đã tăng 56,3%, từ 8,7 tỉ USD năm 2018 lên đến 13,6 tỉ USD năm 2023, mặc dù đây là giai đoạn có nhiều thách thức như suy thoái kinh tế toàn cầu và đại dịch Covid-19.

Trong đó, xuất khẩu của Việt Nam sang các thị trường này tăng gần gấp đôi (186%), từ 6,3 tỷ USD vào năm 2018 lên 11,7 tỷ USD năm 2023. Kết quả này đã góp phần đáng kể vào thương mại của Việt Nam với khu vực châu Mỹ nói chung, với tổng kim ngạch xuất nhập khẩu năm 2023 đạt 137,7 tỉ USD, trong đó Việt Nam xuất khẩu 114, 5 tỉ USD.

Bên cạnh những con số ấn tượng nêu trên, Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Long cho biết việc tham gia CPTPP đã thúc đẩy Việt Nam cải cách thể chế, hoàn thiện hệ thống pháp luật theo hướng minh bạch hơn. Điều này không chỉ giúp doanh nghiệp vận hành chuyên nghiệp hơn, mà còn góp phần nâng cao uy tín quốc tế của Việt Nam, thu hút thêm nhà đầu tư nước ngoài. Mối quan hệ giữa Việt Nam và các nước Châu Mỹ đã và đang được củng cố qua các cam kết chiến lược.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hoàng Long phát biểu tại hội thảo.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hoàng Long phát biểu tại hội thảo.

Nhấn mạnh tới quan hệ thương mại của Việt Nam với 3 nước châu Mỹ khi đàm phán CPTPP Việt Nam chưa có quan hệ FTA, đó là Canada, Mexico và Peru, ông Ngô Chung Khanh, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương), đánh giá trao đổi thương mại giữa Việt Nam với 3 nước tăng trưởng khá tốt, đều ghi nhận mức độ tăng trưởng tích cực. Với Canada và Mexico tốc độ tăng trưởng khá cao và đồng đều nhau, riêng với Peru tốc độ tăng trưởng còn khá khiêm tốn.

Theo ông Shawn Steil, Đại sứ Canada tại Việt Nam, từ khi CPTPP được triển khai, quan hệ thương mại Canada và Việt Nam đã có sự tăng trưởng tốt, thương mại 2 nước đã tăng lên kể từ 2017-2023. Các nhà xuất khẩu của Việt Nam hưởng lợi khi giảm thuế quan, xuất khẩu của Việt Nam chiếm 35% sang Canada. Canada là 1 trong 10 khách hàng tiềm năng cho sản phẩm của Việt Nam nhờ CPTPP.

Ngược lại, Canada cũng đạt được thành công đáng kể trong thương mại với các quốc gia thành viên khác, không chỉ với các đối tác khu vực châu Á mà còn với châu Mỹ. Hiệp định cũng cho phép doanh nghiệp Canada khai thác những thị trường mới, hưởng lợi mức thuế thấp hơn, tiếp cận thị trường tốt hơn, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ mạnh mẽ hơn… Sản phẩm của Canada sang Việt Nam đã trở nên cạnh tranh hơn so với các thị trường khác.

Theo ông Alejandro Negrin Munoz, Đại sứ Mexico, sự tăng trưởng ấn tượng thương mại hai nước kể từ khi thực thi CPTPP. Việt Nam là đối tác thứ 10 của Mexico, xuất khẩu của Việt Nam sang Mexico tăng gấp 10 lần trong 5 năm qua. Mexico là khách hàng lớn nhất của Việt Nam ở châu Mỹ La tinh. 97% thương mại song phương là hàng xuất khẩu của Việt Nam sang Mexico, trong khi đó chỉ 3% hàng Mexico xuất khẩu sang Việt Nam. Con số này cho thấy còn nhiều không gian cho thương mại song phương giữa hai nước.

Đồng tình với ông Khanh, bà Patricia Ráez Portocarrero, Đại sứ CH Peru tại Việt Nam nhìn nhận, thương mại 2 nước năm 2023 chỉ đạt 700 triệu USD; trong 7 tháng năm 2024 đạt 434 triệu USD, tăng 5% so với cùng kỳ… Dù có sự tăng trưởng đáng kể nhưng vẫn còn nhiều dư địa cho tăng trưởng thương mại hai nước hơn nữa.

TĂNG CƯỜNG KẾT NỐI VÀO CHUỖI CUNG ỨNG

Mặc dù đạt kết quả khá khả quan sau 5 năm thực hiện CPTPP, nhưng theo Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Long, CPTPP vẫn còn nhiều tiềm năng chưa được khai thác hết. Ví dụ, giá trị gia tăng của hàng xuất khẩu Việt Nam còn thấp, thương hiệu chưa được chú trọng đúng mức và tỷ trọng hàng Việt Nam trong cơ cấu nhập khẩu tại các nước Châu Mỹ thực tế vẫn còn hạn chế.

Trong khi đó, Châu Mỹ là thị trường rộng lớn và có sự liên kết chặt chẽ với nhau thông qua các khối thương mại tự do đan xen như Hiệp định Thương mại tự do Bắc Mỹ (CUSMA), Liên minh Thái Bình Dương (PA), Khối Thị trường chung Nam Mỹ (MERCOSUR)… Tận dụng các lợi thế mà Hiệp định CPTPP mang lại, cùng với các vị trí cửa ngõ thuận lợi các nước thành viên trong khu vực là Canada, Mexico, Chile và Peru, các doanh nghiệp có thể xem xét thông qua việc kinh doanh và đầu tư sản xuất tại các nước nêu trên để mở rộng và đa dạng hóa thị trường xuất nhập khẩu sang khu vực thị trường sôi động và đầy tiềm năng này.

Để biến những cơ hội này thành hiện thực, Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Long cho rằng các doanh nghiệp cần nắm bắt thông tin thị trường, tìm kiếm các giải pháp logistics mới, hiệu quả, và gia tăng khả năng tận dụng các ưu đãi thuế quan trong CPTPP.

Một trong những ngành hàng đang hưởng lợi nhiều nhất từ Hiệp định CPTPP đó là hàng dệt may. Ảnh: Quách Tuấn.

Một trong những ngành hàng đang hưởng lợi nhiều nhất từ Hiệp định CPTPP đó là hàng dệt may. Ảnh: Quách Tuấn.

Đồng thời, nghiên cứu để gia tăng tỷ lệ tận dụng chứng nhận xuất xứ ưu đãi trong CPTPP (C/O) thông qua những sáng kiến như xây dựng trung tâm nguyên phụ liệu trong nước; hay hướng dẫn, khuyến khích doanh nghiệp khai thác sử dụng quy tắc “xuất xứ chéo”, “xuất xứ cộng gộp” trong CPTPP đối với các sản phẩm có sử dụng nguyên phụ liệu từ các nước thành viên.

Bên cạnh đó, tăng cường kết nối để doanh nghiệp tham gia sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu, nhất là của các nước thành viên CPTPP. “Đó là những giải pháp góp phần đạt những mục tiêu kép là gia tăng khả năng tận dụng cơ hội mà Hiệp định mang lại, đạt hiệu quả kinh tế và hợp tác với các nước trong khu vực”, Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Long nhấn mạnh.

Không chỉ doanh nghiệp, các cơ quan quản lý nhà nước cũng cần phối hợp chặt chẽ. Chính phủ Việt Nam cam kết tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ trong quản lý xuất nhập khẩu và hỗ trợ doanh nghiệp kết nối với các đối tác quốc tế.

Theo Đại sứ Canada tại Việt Nam, doanh nghiệp cần nâng cao nhận thức về hiệp định hơn nữa, để đảm bảo tất cả nhà nhập khẩu và xuất khẩu đều tận dụng được những lợi ích mà CPTPP mang lại. Cùng nhau tìm ra các giải pháp sáng tạo thúc đẩy quan hệ đối tác, phát triển mạnh mẽ, mở rộng các thị trường mới trên khắp châu Mỹ và châu Á.

CPTPP mở cửa cho sự gia nhập của các nền kinh tế có thể đáp ứng tiêu chuẩn cao của hiệp định, tuân thủ các cam kết thương mại hiện có, đạt được sự đồng thuận của các thành viên CPTPP. Vì vậy, cần hợp lý hoá các quy trình thương mại, tăng cường các dịch vụ hậu cần logistics và hỗ trợ các doanh nghiệp.

Để cân bằng cán cân thương mại giữa Việt Nam và Mexico, ông Alejandro Negrin Munoz cho rằng Mexico cần phải có cuốn sổ tay hướng dẫn kinh doanh tại thị trường Việt Nam cho doanh nghiệp Mexico. Đồng thời, Chính phủ Việt Nam cũng cần hỗ trợ cho doanh nghiệp Mexico tiếp cận thị trường nông sản, chứng nhận kiểm dịch, sự minh bạch hơn nữa trong quy định của địa phương Việt Nam phù hợp với tiêu chuẩn CPTPP. “Sự cân bằng CPTPP là tích cực, do đó cần tiếp tục hợp tác với nhau để khai thác tối đa tiềm năng của các thoả thuận này”, Đại sứ Mexico nhấn mạnh.

Nguồn: TBKTVN