Ấn Độ vẫn chưa thể thành cứ điểm sản xuất của Apple

Để Ấn Độ có thể hấp dẫn những công ty công nghệ siêu vốn hoá như Apple với vai trò là trung tâm sản xuất chính bên cạnh Trung Quốc, các nhà hoạch định ở quốc gia này cần ưu tiên giải quyết vấn đề đang hiện hữu là làm thế nào để thu hút lực lượng lao động.

Tại Trung Quốc, hàng trăm triệu lao động di cư đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển của đất nước, đưa nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới trở thành “công xưởng của thế giới”. Các doanh nghiệp và nhà đầu tư nước ngoài kỳ vọng Ấn Độ sẽ nổi lên như một Trung tâm sản xuất trong bối cảnh căng thẳng địa chính trị gia tăng ở nhiều khu vực.

Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là liệu các công nhân Ấn Độ có sẵn sàng làm việc xa nhà và ở lại ký túc xá nhà máy trong thời gian dài hay không?.

Vấn đề chỗ ở cho người lao động là điều cần lưu ý, đặc biệt là đối với lao động nữ. Trong ngành công nghiệp điện tử, lực lượng lao động là nữ giới chiếm phần lớn ở các Trung tâm sản xuất lâu năm như Trung Quốc và Việt Nam. Do đó, việc có ký túc xá cho nhóm lao động này là điều cần thiết. Tuy nhiên, ở Ấn Độ, các doanh nghiệp chủ yếu vẫn sử dụng xe bus làm phương tiện đưa đón nhân viên đến nhà máy làm việc. Theo giới chuyên môn nhận định, khi quy mô sản xuất mở rộng thì hình thức đưa đón này không còn nhiều khả thi.

 

Tỉ lệ nữ giới làm việc ở nhà máy tại Ấn Độ được ghi nhận thấp hơn so với hầu hết các quốc gia châu Á khác vì nhiều vấn đề. Trong số đó là việc an toàn khi đi lại và những cái nhìn không mấy thiện cảm đối với những công việc dành cho nữ giới.

Sau thông tin Apple và Foxconn sẽ chuyển phần lớn di chuyền sản xuất đến miền Nam Ấn Độ, các doanh nghiệp và quan chức địa phương đã lên kế hoạch xây dựng các ký túc xá có sức chứa hàng chục nghìn giường dành cho các lao động di cư đến đây làm việc.

Tamil Nadu, Trung tâm công nghiệp điện tử của Ấn Độ, hiện đang xây dựng nhiều khu nhà ở để đáp ứng nhu cầu chỗ ở cho khoảng 18.000 phụ nữ. Đây cũng là nơi Foxconn đặt nhà máy lắp ráp iPhone cho Apple, vì vậy công ty dự kiến sẽ xây dựng ký túc xá trong thời gian tới với công năng sử dụng cho khoảng 20.000 công nhân.

Ở Telangana, một trong những bang thân thiện với doanh nghiệp nhất tại Ấn Độ, chính quyền địa phương đã cho phép các nhà đầu tư sử dụng 20% diện tích đất xây dựng nhà máy để làm khu ký túc xá, giúp doanh nghiệp tiết kiệm chi phí mua thêm đất.

Kế hoạch xây dựng thêm nhà ở cho công nhân của Foxconn tại Ấn Độ cho thấy sự mở rộng hoạt động ở quốc gia đông dân nhất thế giới của công ty Đài Loan cũng như những rào cản tiềm ẩn phía trước. Tính đến tháng 6, tổng số nhân viên của Foxconn tại Ấn Độ chỉ khoảng 50.000 người so với 700.000 đến 1 triệu nhân viên tại Trung Quốc.

Trước đó, Foxconn cho biết sẽ chi khoảng 1,5 tỉ USD vào nỗ lực tăng công suất nhà máy ở Ấn Độ. Song, một số ý kiến cho thấy sự hoài nghi về khả năng Apple và chuỗi cung ứng có thể mở rộng quy mô tại quốc gia tỉ dân. Bởi thách thức lớn nhất hiện nay vẫn là vấn đề chỗ ở cho người lao động và đảm bảo việc làm dành cho phụ nữ.

Foxconn có kế hoạch chi 1,5 tỉ USD để tăng công suất làm việc tại nhà máy Ấn Độ. Ảnh: CNBC.
Foxconn có kế hoạch chi 1,5 tỉ USD để tăng công suất làm việc tại nhà máy Ấn Độ. Ảnh: CNBC.

Trên thực tế, bài toán thách thức này đã được những người đứng đầu Foxconn và các nhà sản xuất khác nhìn thấy khi nói về việc mở rộng mô hình sản xuất mà các công ty từng triển khai tại thị trường Trung Quốc và áp dụng ở Ấn Độ. Lực lượng lao động của nước này vẫn chưa sẵn sàng cho việc di cư đến nơi khác để làm việc và sẽ sống dài hạn tại đó.

“Văn hoá của người lao động Ấn Độ là muốn đi làm và có thể trở về nhà để ăn tối cùng gia đình sau khi hết giờ làm việc. Đây sẽ là rào cản đối khiến quy mô của các nhà máy chỉ có thể ở mức vài chục nghìn lao động”, Giám đốc Điều hành Pegatron, một nhà cung cứng iPhone khác, nhận định.

Nguồn: Nhipcaudautu