Các sàn thương mại điện tử Trung Quốc “tấn công” thị trường Hàn Quốc

Ông Park Soo-hong, một giáo viên dạy lặn người Hàn Quốc, đã trở thành một khách hàng quen thuộc của AliExpress - sàn thương mại điện tử của “gã khổng lồ” Trung Quốc Alibaba - kể từ khi ông tìm mua phụ tùng ô tô giá rẻ cách đây 5 năm.

Trò chuyện với tờ báo Financial Times, ông Park, 54 tuổi, cho biết ông thường so sánh giá cả trên AliExpress với Naver - sàn thương mại điện tử lớn nhất ở Hàn Quốc - và sàn Amazon của Mỹ. Một đồng hồ đo dầu mà ông Park mua gần đây với giá 86.000 won (64 USD) trên AliExpress được quảng cáo với giá khoảng 540.000 won trên các trang bán lẻ trực tuyến ở Hàn Quốc.

“Phần lớn sản phẩm trên các sàn thương mại điện tử Trung Quốc có giá rẻ đến khó tin. Giao hàng chậm hơn, nhưng tôi chấp nhận được nếu giá rẻ hơn tới 70-80%”, ông Park nói.

CUỘC CẠNH TRANH BẰNG GIÁ

Ngày càng có nhiều người tiêu dùng Hàn Quốc nhạy cảm với giá cả tìm đến các sàn thương mại điện tử Trung Quốc như AliExpress và Temu, trong bối cảnh các hãng thương mại điện tử Trung Quốc quyết liệt mở rộng ra toàn cầu để bù đắp tình trạng ảm đạm của tiêu dùng trong nước. Việc các sàn thương mại điện tử Trung Quốc tấn công mạnh vào thị trường Hàn Quốc - quốc gia đi đầu về kết nối internet tốc độ cao và có lực lượng người tiêu dùng thành thạo công nghệ - là một điều đáng lo ngại đối với các hãng thương mại điện tử của xứ kim chi.

Hàn Quốc là thị trường thương mại điện tử lớn thứ tư thế giới, với quy mô đạt gần 200 nghìn tỷ won (gần 149 tỷ USD) và khoảng một nửa tiêu dùng là mua sắm trên mạng - theo dữ liệu từ công ty nghiên cứu Euromonitor International. Hàn Quốc cũng là nước có mức mua sắm trực tuyến bình quân đầu người cao thứ hai trên thế giới chỉ sau Mỹ.

Năm ngoái, giá trị mua sắm của người Hàn Quốc trên các sàn thương mại điện tử Trung Quốc đã lần đầu tiên vượt qua các sàn của Mỹ. Hiện nay, cứ 4 người Hàn Quốc thì có 1 người sử dụng các trang mua sắm trực tuyến của Trung Quốc - một thống kê khiến các sàn thương mại điện tử Hàn Quốc không khỏi lo lắng.

“Họ đang tăng trưởng nhanh hơn dự báo ở đây, bằng cách bán sản phẩm với mức giá ở đáy. Chúng tôi lo sẽ mất thị phần. Chúng tôi không thể làm gì nhiều trước cuộc tấn công số lượng của họ, một điều rất đáng lo ngại”, người phát ngôn Lee Seung-jin của trang bán hàng thời trang trực tuyến hàng đầu Hàn Quốc Musinsa phát biểu.

AliExpress và Temu - trang thương mại điện tử giá rẻ thuộc công ty Trung Quốc PDD Holdings - là hai nền tảng bán lẻ trực tuyến có sự tăng trưởng nhanh nhất về số người dùng Hàn Quốc trong năm ngoái. Dù vậy, hai trang này vẫn kém xa so với Coupang - một công ty Hàn Quốc nhưng niêm yết cổ phiếu và đặt trụ sở ở Mỹ.

Các công ty thương mại điện tử Trung Quốc đang đẩy mạnh hoạt động ở thị trường nước ngoài trong bối cảnh tốc độ tăng trưởng sụt giảm ở trong nước, khiến các đối thủ bản địa khó cạnh tranh nổi với hàng hóa giá rẻ của Trung Quốc. Temu, dù chỉ mới ra mắt cách đây hai năm, đã thâm nhập vào các thị trường mới bằng chiến dịch tiếp thị rầm rộ và các khoản trợ giá lớn để thu hút người dùng và người bán hàng.

Trao đổi với Financial Times, Temu nói việc sàn này gia nhập thị trường Hàn Quốc “mang đến cho người tiêu dùng chất lượng, giá cả hợp lý và nhiều sự lựa chọn. Người mua hàng được tiếp cận trực tiếp với các nhà sản xuất hàng đầu, tránh được tình trạng giá cả tăng do trung gian áp đặt”.

Theo các nhà phân tích, AliExpress đang lôi kéo các công ty Hàn Quốc bán hàng trên nền tảng của mình để hưởng ưu đãi miễn phí bán hàng cho đến cuối tháng 3. Điều này đồng nghĩa nghĩa người bán hàng không phải trả mức phí dao động từ 10-20% doanh thu bán hàng như các nền tảng thương mại điện tử vẫn thường tính.

Công ty Trung Quốc cũng đang đưa ra “đảm bảo giao hàng” cho người tiêu dùng Hàn Quốc và đẩy nhanh thời gian giao hàng bằng cách mở rộng công suất kho hàng ở tỉnh Sơn Đông phía Đông Trung Quốc, gần bán đảo Triều Tiên.

Giáo sư Wi Jong-hyun thuộc Đại học Chung-Ang ở Seoul lo ngại: “Thị trường thương mại điện tử của Hàn Quốc có thể rơi vào sự kiểm soát của Trung Quốc vì chất lượng hàng hoá của Trung Quốc đã cải thiện trong những năm gần đây và giá cả của họ lại rẻ đi nhờ sản xuất số lượng lớn. Trong một cuộc chiến giá cả với Trung Quốc, chẳng ai có thể thắng”.

MỐI LO BỊ THỔI PHỒNG?

Tuy nhiên, một số nhà phân tích cho rằng những lo ngại như vậy đã bị thổi phồng quá mức. Bà Angela Hong, nhà phân tích tại ngân hàng Nomura ở Seoul, nói rằng “hầu hết các giao dịch mua hàng của người Hàn Quốc trên nền tảng Trung Quốc tập trung vào các sản phẩm giá rẻ”. Theo ước tính của Nomura, các trang web của Trung Quốc chỉ chiếm khoảng 2% thị trường thương mại điện tử Hàn Quốc xét về tổng giá trị hàng hóa được mua.

AliExpress Hàn Quốc cũng đối mặt nhiều khiếu nại về việc giao hàng trễ và gửi sai sản phẩm, cũng như mối lo ngại về hàng giả trên nền tảng này. Ủy ban Thương mại công bằng Hàn Quốc (KFTC) đang xem xét cáo buộc AliExpress thiếu bảo vệ người tiêu dùng. Ngoài ra, cơ quan bảo vệ dữ liệu cá nhân Hàn Quốc đang điều tra việc xử lý dữ liệu người dùng trên các nền tảng mua sắm lớn của nước ngoài, sau khi cuộc kiểm tra của Quốc hội Hàn Quốc vào năm ngoái làm dấy lên lo ngại về khả năng rò rỉ thông tin cá nhân sang Trung Quốc thông qua AliExpress và Temu.

Theo truyền thông Hàn Quốc, Alibaba có kế hoạch đầu tư 1,1 tỷ USD trong 3 năm tới để xây dựng một mạng lưới logistic ở Hàn Quốc để rút ngắn thời gian giao hàng. Công ty này cũng công bố một loạt biện pháp bảo vệ người tiêu dùng ở Hàn Quốc, bao gồm mở một trung tâm dịch vụ khách hàng, sau khi nhà chức trách Hàn Quốc cho biết luật thương mại của nước này sẽ được áp dụng bình đẳng đối với các sàn thương mại điện tử Trung Quốc.

AliExpress đã tuyên bố sẽ chi 10 tỷ won trong 3 năm tới cho công tác sàng lọc hàng giả bằng công nghệ trí tuệ nhân tạo. Tuy nhiên, nhiều người tiêu dùng Hàn Quốc vẫn chỉ tin tưởng các sàn thương mại điện tử Trung Quốc ở một số mặt hàng nhất định.

“Tôi không bao giờ mua từ sàn thương mại điện tử Trung Quốc các sản phẩm để ăn hay đắp lên người vì tôi lo vấn đề sức khoẻ”, YS Chung, một sinh viên đại học Hàn Quốc 23 tuổi, cho biết. Chung thường mua trên AliExpress những mặt hàng như vỏ điện thoại, củ xạc, dây xạc…

Về mặt quy chế giám sát, các quy định chống độc quyền mới mà Hàn Quốc đang cân nhắc để cải thiện cạnh tranh là điều khiến nhiều sàn thương mại điện tử nước này lo ngại. Họ lo rằng các sàn lớn sẽ trở thành mục tiêu chống độc quyền, từ đó mở ra cơ hội cho các đối thủ Trung Quốc chiếm thị phần.

Bà Sunny Moon, giám đốc nghiên cứu tại Euromonitor International, cho biết sẽ mất nhiều thời gian để các nền tảng bán hàng trực tuyến Trung Quốc tăng thị phần ở phân khúc cao cấp hơn trên thị trường. “Các công ty Trung Quốc hiện đang hy sinh lợi nhuận để xây dựng cơ sở người dùng ở thị trường Hàn Quốc, nhưng họ có thể duy trì mô hình kinh doanh như vậy trong bao lâu?” bà Moon đặt câu hỏi.

Nhưng bà Moon nói thêm rằng nếu Alibaba chuyển sang thị trường bán buôn Hàn Quốc, “đó sẽ giáng một đòn mạnh vào nhiều thương nhân nhỏ Hàn Quốc, những người vốn phụ thuộc vào nguồn sản phẩm giá rẻ ở Trung Quốc để bán trên các chợ trực tuyến Hàn Quốc”.

Nguồn: TBKTVN