Chủ động hợp tác, tham gia sâu hơn vào chuỗi sản xuất toàn cầu
Số liệu thống kê cho thấy, 2 tháng đầu năm 2024, thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI) của Việt Nam tiếp tục đạt kết quả tích cực. Vốn đầu tư đăng ký đạt 4,29 tỷ USD, tăng 38,6%, cao hơn đáng kể so với cùng kỳ.
Đáng chú ý, vốn FDI đăng ký mới tăng cả về số dự án và số vốn. Đây là tín hiệu tốt cho thấy nhà đầu tư nước ngoài vẫn tin tưởng vào môi trường đầu tư và triển vọng tăng trưởng của Việt Nam trong năm 2024 cũng như những năm tới. Nhiều đối tác quốc tế như Nvidia, Synopsys, ASML, Amkor… đều bày tỏ mong muốn đầu tư và đưa Việt Nam trở thành một mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu.
XU THẾ DỊCH CHUYỂN CHUỖI SẢN XUẤT NGÀY CÀNG RÕ RỆT
Theo TS. Phan Hữu Thắng, nguyên Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), Chủ tịch Viện Nghiên cứu đầu tư quốc tế (ISC), xu thế chuyển dịch chuỗi cung ứng và chuỗi sản xuất thông minh toàn cầu đang ngày càng rõ rệt. Trong bối cảnh đó, cần phải chủ động để đón dòng vốn đầu tư chất lượng và nâng cao vai trò của Việt Nam trong chuỗi sản xuất thông minh và chuỗi cung ứng toàn cầu.
Ông Lê Anh Dũng, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư Bất động sản công nghiệp và cho thuê A+, cũng cho rằng Việt Nam có cơ hội rất lớn để trở thành cứ điểm sản xuất bán thành phẩm và hoàn thiện sản phẩm thuộc chuỗi cung ứng toàn cầu.
“Trước đây, có những giai đoạn tỷ lệ nội địa hóa rất thấp. Nhưng đến nay, hơn 20 năm kể từ khi vào Việt Nam, Honda đã nội địa hóa hoàn toàn. Ngay cả với Samsung, Việt Nam cũng đã xây dựng được mạng lưới các nhà cung cấp thuần Việt dù rằng còn khiêm tốn nhưng đã có bước đi đầu tiên”, ông Dũng nói.
Nhìn lại các dự án trong ngành cơ khi chính xác, gia công sản phẩm có quy mô nhỏ từ những năm 1990 tới những chuỗi sản xuất quy mô lớn như xe máy, ô tô và gần đây là linh kiện hàng không, vũ trụ, AI… ông Dũng nhận thấy các yếu tố sản xuất thông minh ngày càng được tích hợp vào chuỗi sản xuất, cung ứng toàn cầu.
Từ góc độ đầu tư, ông Peter Wu, Tổng giám đốc Công ty Sunrise Big Data, cho biết trong bối cảnh cạnh tranh thu hút đầu tư giữa các quốc gia mới nổi như Indonesia, Philippines, Ấn Độ… ngày càng gay gắt thì Việt Nam lại là điểm đến đầu tư hấp dẫn.
“Cùng với sự cải thiện về môi trường đầu tư, chất lượng nguồn nhân lực, lực lượng lao động trẻ và năng động… Việt Nam có sự giao thoa có lợi về chi phí, thuế quan giữa các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam tham gia. Đây là điều kiện thuận lợi để Việt Nam thúc đẩy thu hút đầu tư, đặc biệt trong các ngành công nghiệp công nghệ mới, vật liệu mới, năng lượng và năng lượng tái tạo, điện tử, bán dẫn và công nghệ số trong thời gian tới”, ông Wu nói.
HƠN 300 DOANH NGHIỆP TÌM KIẾM CƠ HỘI KẾT NỐI CHUỖI SẢN XUẤT
Để đón “sóng” dịch chuyển chuỗi cung ứng, Diễn đàn Chuỗi sản xuất thông minh và Chuỗi cung ứng toàn cầu Việt Nam 2024 (VGMF 2024) sẽ diễn ra vào ngày 26/3 với sự tham gia của hơn 300 doanh nghiệp đến từ Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Trung Quốc và Việt Nam… trong lĩnh vực sản xuất linh kiện điện tử, bán dẫn và thiết bị.
VGMF 2024 do Công ty cổ phần Đầu tư Bất động sản công nghiệp và cho thuê A+, Công ty Tư vấn DH Việt Nam, Viện Nghiên cứu Đầu tư Quốc Tế (ISC) và Công ty Sunrise Big Data tổ chức với mục đích để các đối tác, các nhà đầu tư, nhà sản xuất, các hiệp hội đã, đang và sẽ đầu tư vào Việt Nam cùng thảo luận chung, cùng hợp tác góp sức cùng Việt Nam bắt kịp cách mạng công nghiệp 4.0.
Thông qua VGMF2024, các đại diện tham gia sẽ có cơ hội cùng nhau khám phá cách sử dụng, vận hành sản xuất thông minh để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, cải thiện khả năng cạnh tranh công nghiệp và đóng góp vào các mục tiêu phát triển bền vững. Cùng với đó, diễn đàn cũng sẽ thảo luận, tìm kiếm các cơ hội phát triển chung, hướng đến hợp tác đôi bên cùng có lợi trong tình hình quốc tế hiện nay, đặc biệt trong bối cảnh quan hệ kinh tế, thương mại giữa các nước đang phát triển đang trong bối cảnh thuận lợi và khó khăn đan xen.
“Tôi rất kỳ vọng qua việc cùng nhau thảo luận về xu hướng và sự phát triển mới của ngành công nghiệp sản xuất thông minh, sẽ giúp tạo nên một bức tranh tổng thể mới cho ngành công nghiệp sản xuất thông minh của Việt Nam và toàn cầu, tạo nên kết nối vùng, trong đó các quốc gia khu vực liên kết thành mạng lưới để cùng hợp tác phát triển thành chuỗi sản xuất thông minh và thúc đẩy tăng trưởng nguồn cung ứng cho toàn cầu và được sản xuất từ Việt Nam”, ông Dũng cho biết.
Nguồn: TBKTVN