Chuỗi nông sản quá lỏng lẻo: Cần chế tài gắn kết

Những tháng gần đây, việc thương lái và doanh nghiệp tranh nhau thu mua, tích trữ gạo đã đẩy giá gạo trong nước lên quá cao, khiến ngành lúa gạo nước ta mất đi cơ hội xuất khẩu nhiều hơn vào thời điểm gạo Ấn Độ vắng bóng trên thị trường quốc tế.

TRANH MUA LÚA GẠO GÂY KHÓ CHO XUẤT KHẨU
Chủ một doanh nghiệp xuất khẩu gạo tại Cần Thơ, cho biết từ đầu vụ lúa, doanh nghiệp ký kết mua 50.000 tấn lúa với giá 6.500 đồng/kg, đã ứng trước cho nông dân 500.000 đồng/tấn. Thế nhưng, gần đến ngày thu hoạch, nông dân yêu cầu phải tăng giá mua thêm 1.000-1.300 đồng/kg, nếu không tăng giá sẽ trả lại tiền đặt cọc và bán lúa cho thương lái trả giá cao hơn, do đó, không còn cách nào khác phải thỏa thuận lại giá, tăng lên với lúa thường từ 7.500 -7.800 đồng/kg. Như vậy, khả năng doanh nghiệp sẽ lỗ nặng vì hợp đồng đã ký với đối tác nước ngoài không thể đàm phán tăng giá.

Nông dân Nguyễn Văn Phó, có 10 ha lúa hạt dài ở huyện Hòn Đất, tỉnh Kiên Giang nhận xét: Năm nay thương lái mua rất lạ, lúa còn xanh đã tìm đến ruộng mua rồi. Chủ ruộng nào kẹt tiền đòi đặt cọc 5 triệu/ha cũng được luôn. Cánh đồng vài trăm ha có cả chục “cò” mua lúa giành giật với nhau. Nông dân nào đền tiền cọc là có “cò” khác nhảy vào mua giá mới cao hơn. Đền tiền  cọc nhưng bán cho người khác được giá cao hơn, lãi nhiều hơn, khiến nông dân sẵn sàng bỏ cọc.

Theo TS. Trần Hữu Hiệp, tình trạng giành giật mua lúa non là do đa số doanh nghiệp xuất khẩu không xây dựng được vùng nguyên liệu, phụ thuộc thương lái, môi giới trung gian. Thời gian gần đây, khi đọc được các thông tin thế giới thiếu gạo, các thương lái nhảy vào đồng ruộng, hỏi mua lúa với giá cao ngất ngưởng, sau đó họ bán cho doanh nghiệp với giá cao hơn để xuất khẩu. Tình trạng này đã đẩy giá lúa trên các đồng ruộng tại Đồng bằng sông Cửu Long tăng quá cao, vượt xa so với giá gạo xuất khẩu, đẩy các doanh nghiệp xuất khẩu vào tình thế khó khăn.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Thanh Nam cho rằng việc liên kết doanh nghiệp với hợp tác xã để xây dựng vùng nguyên liệu còn lỏng lẻo, yếu kém.

"Thống kê của ngành nông nghiệp cho thấy hiện 50% sản lượng lúa doanh nghiệp thu mua qua thương lái; hơn 12% người dân bán trực tiếp và trên 37% còn lại qua các hợp tác xã".

Ông Trần Thanh Nam, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Hiện cả nước có 180 doanh nghiệp xuất khẩu gạo nhưng chỉ có 50% đơn vị ký liên kết với các hợp tác xã để xây dựng, phát triển vùng nguyên liệu đầu vào. Vì vậy, thời gian tới, để đảm bảo việc thu mua, xuất khẩu thuận lợi, các doanh nghiệp cần đẩy mạnh ký liên kết với các hợp tác xã sản xuất lúa để đảm bảo vùng nguyên liệu.

Tại Diễn đàn trực tuyến “Nhận diện thực trạng liên kết tiêu thụ, xuất khẩu sầu riêng 2023 và giải pháp phát triển hiệu quả, bền vững ngành hàng sầu riêng Việt Nam” do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức mới đây, ông Y Djoang Niê, Phó Chủ tịch UBND huyện Krông Pắc, tỉnh Đắk Lắk, cho biết từ một năm nay khi giá sầu riêng tăng cao, việc tranh chấp mua bán, gian lận thương mại, không tuân thủ thỏa thuận hợp đồng, ép mua ép bán, ép giá và chất lượng sản phẩm không đạt yêu cầu… đã diễn ra phổ biến.

Từ thực tế của doanh nghiệp, ông Lê Anh Trung, Giám đốc đối ngoại của Tập đoàn Vạn Hòa Holding, cho hay: Vạn Hòa Holding liên kết sản xuất với nông dân, trong đó có chính sách đào tạo tập huấn, nâng cao năng lực sản xuất, xây dựng mã số vùng trồng, hỗ trợ vốn 50 triệu đồng/ha. Thế nhưng, trải qua các vùng miền Tây, miền Đông lên Tây Nguyên, kế hoạch liên kết thất bại hoàn toàn và doanh nghiệp đang phải đi thu hồi vốn hỗ trợ cho người nông dân.

SẦU RIÊNG NẶNG NỖI "SẦU CHUNG"
Ông Nguyễn Hữu Chiến, Giám đốc Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Tân Lập Đông, huyện Krông Búk, tỉnh Đắk Lắk, chia sẻ ông chưa an tâm  về tính bền vững trong công tác cấp, quản lý mã số vùng trồng.

“Rất nhiều thương lái đến hỏi mua sầu riêng mà không quan tâm đến mã số vùng trồng. Tôi hỏi tại sao sản phẩm đi xuất khẩu mà không quan tâm đến mã số, thì họ nói việc mua bán mã số vùng trồng giờ quá đơn giản”, ông Chiến bức xúc và bày tỏ mong muốn cơ quan quản lý, hợp tác xã và doanh nghiệp liên kết chặt chẽ hơn nữa, để thực hiện tốt mảng tiêu thụ sầu riêng, sau khi đã tổ chức sản xuất theo đúng tiêu chuẩn, quy chuẩn.

Tại diễn đàn, nhiều hợp tác xã, doanh nghiệp nêu câu hỏi: Thương lái xúi dân phá hợp đồng, bẻ cọc sẽ bị xử lý thế nào? Trả lời vấn đề này, bà Nguyễn Thị Mai Hiên, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), cho biết trong lĩnh vực nông nghiệp hiện nay có Nghị định 31 năm 2016 và Nghị định 31 năm 2023 xử lý vi phạm hành chính trong quá trình sản xuất, kinh doanh cây trồng…

Nguồn: TBKTVN