Quay lại
Chương trình Đối thoại chính sách năm 2024 Chủ đề: “Tạo động lực cho tăng trưởng bền vững, tối ưu hóa kinh tế, công nghệ và năng lượng”
Chương trình Đối thoại chính sách năm 2024 chủ đề “Tạo động lực cho tăng trưởng bền vững, tối ưu hóa kinh tế, công nghệ và năng lượng”
Sáng 18/9, Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh phối hợp Liên minh Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF) tổ chức Chương trình Đối thoại chính sách năm 2024 với chủ đề “Tạo động lực cho tăng trưởng bền vững, tối ưu hóa kinh tế, công nghệ và năng lượng”. Đối thoại chính sách lần này không chỉ là cơ hội để tăng cường hợp tác giữa các tỉnh thành và doanh nghiệp, mà còn là một diễn đàn quan trọng để thảo luận về các thách thức và cơ hội trong việc phát triển công nghệ và năng lượng sạch.
Tham dự và chủ trì Hội nghị có Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan, Lãnh đạo Liên minh Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF). Sự kiện đã thu hút hơn 300 đại biểu bao gồm lãnh đạo Ủy ban nhân dân và các sở ban ngành từ 15 tỉnh, thành Đồng bằng sông Cửu Long, Đông Nam Bộ, các cơ quan ngoại giao như Đại sứ quán, Tổng Lãnh sự các nước Thụy Sĩ, Thái Lan, Bangladesh, Hà Lan, Malaysia, Hoa Kỳ, Canada, Úc, Hungary, Đan Mạch cùng đại diện các Hiệp hội nước ngoài và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đến tham dự.
Phát biểu khai mạc, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan nhấn mạnh, cách mạng công nghiệp lần thứ 4 là cơ hội cho Thành phố cùng các tỉnh, thành nâng cao trình độ công nghệ, năng lực sản xuất, đẩy nhanh quá trình chuyển đổi mô hình tăng trưởng dựa trên khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, nhưng chính nó cũng đặt ra những thách thức trong giải quyết vấn đề việc làm, bất bình đẳng, phân hóa giàu nghèo. TP.HCM đã ban hành kế hoạch hành động tăng trưởng xanh giai đoạn 2024 - 2030 nhằm thực hiện Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh hướng đến phát triển bền vững trên địa bàn TPHCM giai đoạn 2021 - 2030.
Chương trình Đối thoại chính sách năm 2024 gồm 2 phiên. Phiên 1, tập trung chủ đề tối ưu hóa hệ sinh thái kinh tế: chiến lược logistics, nhân lực, thuế và đầu tư. Các đại biểu tập trung thảo luận về phát triển Logistics và chuỗi cung ứng; thị thực; giấy phép lao động và Thẻ tạm trú; nâng cao kỹ năng cho lực lượng lao động Việt Nam để đáp ứng nhu cầu toàn cầu về trí tuệ nhân tạo (AI), chất bán dẫn, hàng không vũ trụ, thiết kế và sản xuất công nghệ cao; cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực đầu tư và thuế.
Phiên 2, với chủ đề thúc đẩy tương lai bền vững: năng lượng thay thế và công nghệ thông minh; phát triển năng lượng tái tạo; thúc đẩy giảm phát thải carbon trong ngành hàng không: Con đường bền vững trong tương lai và tiềm năng nguyên liệu đầu vào tại Việt Nam; làm mát bền vững nhằm thúc đẩy thực hiện đóng góp do Quốc gia tự quyết (NDC); chuyển đổi số trong nông nghiệp.
Chia sẻ tại Hội nghị, cộng đồng doanh nghiệp FDI cho rằng, TP.HCM và các tỉnh thành phía Nam đã có nhiều thiện chí, cải thiện những đề xuất mà cộng đồng DN FDI đã đưa ra. Tuy nhiên, trong xu hướng phát triển mới hiện nay, còn nhiều vấn đề mà các tỉnh thành nói chung cần phải thay đổi để tạo điều kiện thuận lợi cũng như thu hút được dòng vốn mới từ các nhà đầu tư FDI.
Ông Colin Blackwell, Trưởng nhóm nguồn nhân lực VBF cho rằng, cần đảm bảo việc áp dụng nhất quán quy định pháp luật trên các tỉnh, thành phố. Hiện nay, tuy cùng một nội dung pháp luật nhưng các địa phương lại có cách diễn giải khác nhau. Theo các doanh nghiệp FDI, các cơ quan địa phương thực hiện theo đúng khung pháp lý, đảm bảo rằng các quy được áp dụng thống nhất. Điều này sẽ tạo ra khả năng dự đoán tốt hơn cho các doanh nghiệp hoạt động tại nhiều địa phương khác nhau.
Các doanh nghiệp FDI cũng kiến nghị các địa phương đơn giản hóa quy trình xét duyệt trước khi tuyển dụng người nước ngoài. Đồng thời, cho phép các trường hợp ưu tiên xử lý nhanh hồ sơ cấp giấy phép lao động đối với các dự án có tác động lớn, các dự án có khoản đầu tư lớn hoặc dự án có hồ sơ tuân thủ tốt...
Cũng tại diễn đàn, một vấn đề quan trọng được các doanh nghiệp FDI nêu ra đó là việc phát triển nguồn nhân lực cần để đáp ứng cho nhu cầu ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI). Hiện AI phát triển trên toàn cầu, nó cũng làm tăng nhu cầu về phần cứng vận hành AI như chất bán dẫn, bộ vi xử lý và các thành phần robot. Việt Nam, với vai trò là một nhân tố chủ chốt trong ngành sản xuất công nghệ cao toàn cầu, đang ở vị thế tốt để tận dụng nhu cầu ngày càng tăng này.
Phát biểu tại buổi đối thoại, ông Seck Yee Chung, Đồng Trưởng nhóm Đầu tư và thương mại VBF cho biết, theo quy định, đối với một ngành mà Việt Nam không cam kết trong bất kỳ điều ước quốc tế nào, nếu pháp luật Việt Nam không có quy định hạn chế tiếp cận thị trường đối với ngành đó và không có điều kiện nào ngay cả khi áp dụng đối với nhà đầu tư trong nước, thì họ vẫn có quyền thực hiện kinh doanh lĩnh vực đó, tại thị trường Việt Nam.
“Tuy nhiên, trên thực tế, khi xin cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho hoạt động đầu tư nước ngoài vào các lĩnh vực chưa có cam kết trong các điều ước quốc tế, vẫn có nhiều vướng mắc từ các cơ quan có thẩm quyền khi đưa ra quan điểm còn quá khuôn khổ trong việc chấp thuận cho nhà đầu tư, mặc dù giải trình đã nêu rõ ràng và đầy đủ về việc tuân thủ pháp luật Việt Nam. Điều này đã gây ra nhiều trở ngại cho các nhà đầu tư nước ngoài, có thể ảnh hưởng đến bối cảnh đầu tư chung vào Việt Nam”, ông Seck Yee Chung nhấn mạnh.
Còn ông Trần Anh Đức, Đồng Trưởng nhóm Đầu tư và thương mại VBF, cũng nêu ra một số vướng mắc về chuyển đổi phương tiện vận tải truyền thống sang xe điện; hạ tầng hàng không, việc tắc nghẽn tại cửa khẩu hàng không quốc tế ảnh hưởng đến trải nghiệm của các nhà đầu tư và doanh nghiệp nước ngoài khi đến Việt Nam.
Các doanh nghiệp cho rằng, Việt Nam vẫn thiếu một trung tâm logistics quy mô lớn, áp dụng công nghệ hiện đại để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng.
Tại diễn đàn, lãnh đạo TPHCM và lãnh đạo các tỉnh thành cho biết các địa phương sẵn sàng hợp tác, đồng hành cùng các doanh nghiệp, trong đó có các doanh nghiệp FDI trong việc giải quyết các vấn đề khó khăn vướng mắc liên quan đến chính sách, hỗ trợ doanh nghiệp FDI nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Từ đó, khuyến khích nhà đầu tư có sự cam kết đầu tư dài hạn, chiến lược tại Thành phố và vùng Đông Nam bộ và Đồng bằng sông Cửu Long.
Đối thoại chính sách 2024 góp phần tạo nên những bước tiến quan trọng trong hành trình hướng tới sự phát triển bền vững và toàn diện cho toàn khu vực Đồng bằng sông Cửu Long và Đông Nam Bộ, đồng thời mở ra các giải pháp và mô hình kinh doanh thân thiện với môi trường cho tương lai.
Nguồn: Phòng Thông tin.
Tin khác
— 5 Số bài trên trang