Cuộc chiến giảm đường tại Đông Nam Á
Mỗi ngày, hàng trăm du khách tham quan nhà máy Yakult Honsha tại Singapore, nơi sản xuất 283.000 chai sữa lên men probiotic nhỏ, đóng nắp bằng giấy bạc. Với 80 triệu chai Yakult tiêu thụ trong năm ngoái, Singapore đứng thứ tư về mức tiêu thụ bình quân đầu người trong 40 thị trường của Yakult Honsha. Tuy nhiên, doanh số của phiên bản gốc, được quảng bá là có lợi cho tiêu hóa, đã giảm trong hai năm qua. Lý do là công ty phải gắn nhãn dinh dưỡng "D" và ngừng hầu hết các chiến dịch quảng cáo do hàm lượng đường cao.
Trước bối cảnh các quy định nghiêm ngặt về nhãn mác Nutri-Grade của Singapore, Yakult Singapore đã phát triển một phiên bản mới giảm 59,6% lượng đường, đủ điều kiện gắn nhãn "B", không bị hạn chế quảng cáo. Công ty khẳng định một ít đường vẫn cần thiết để duy trì sự sống cho vi khuẩn probiotic và giảm bớt độ chua tự nhiên của sản phẩm.
Yakult Gold mới hiện chiếm hơn 10% doanh thu của Yakult Singapore, theo ông Masaaki Sunami, Giám đốc Điều hành công ty. “Chúng tôi sẽ tiếp tục thích ứng để phục vụ các thị trường”, ông nói. Mặc dù có những ý kiến không đồng tình với hệ thống phân loại của Singapore tập trung vào đường và chất béo, ông Sunami cho biết quy định là quy định.
Việc thay đổi này của Yakult, với sản phẩm sữa lên men 89 năm tuổi, cho thấy ảnh hưởng ngày càng rõ nét của các chính phủ châu Á trong việc giảm tiêu thụ thực phẩm và đồ uống gây béo phì. Các quy định mới về nhãn mác, thuế đặc biệt và hạn chế quảng cáo đang thúc đẩy các công ty thực phẩm và đồ uống chuyển sang cung cấp các sản phẩm lành mạnh hơn. Tuy nhiên, các chuyên gia y tế công cộng lo ngại tốc độ hành động quá chậm và tác động chưa đủ lớn trong khi tỉ lệ béo phì đang gia tăng nhanh chóng.
Steven Lim, một nhân viên bán hàng 32 tuổi tại Singapore, cho biết hệ thống Nutri-Grade của quốc gia này không ngăn anh uống soda hay đồ uống có đường. Mặc dù anh thỉnh thoảng uống Coca-Cola ba lần một tuần, nhận thức về những lựa chọn “kém lành mạnh” của mình đã khiến anh thường xuyên chạy bộ và tập thể dục để cân bằng lại. "Điều đó khiến tôi suy nghĩ lại về những gì mình tiêu thụ”, anh Lim chia sẻ.
Mức đường trung bình trong các đồ uống đóng gói theo quy định Nutri-Grade đã giảm từ 7,1% tổng lượng trong năm 2017 xuống còn 4,6% vào tháng 9/2023, theo Cơ quan Xúc tiến Sức khỏe Singapore. Khoảng 60% cửa hàng cung cấp đồ uống chế biến sẵn đã giảm lượng đường trong sản phẩm của họ.
Theo bà Soye Shin, Phó Giáo sư nghiên cứu dịch vụ và hệ thống y tế tại Trường Y Duke-NUS Singapore, sự thay đổi trong sản xuất đồ uống và thói quen tiêu dùng của người dân như anh Lim là một kết quả win-win cho hệ thống Nutri-Grade. “Trong khi tác động trực tiếp đến người tiêu dùng khuyến khích quyết định mua hàng lành mạnh hơn, tác động lớn hơn có vẻ đến từ việc nhà cung cấp cải tiến sản phẩm để giảm lượng đường”, bà nói. “Tác động kép này góp phần giảm lượng đường tiêu thụ ở cấp độ dân số”.
Thành công của Singapore đã thúc đẩy các quan chức ở Malaysia, Indonesia và Ấn Độ công bố kế hoạch áp dụng nhãn đồ uống tương tự. Thượng Hải cũng đã thử nghiệm nhãn loại này từ tháng 3, với hệ thống phân loại có tính đến các chất ngọt thay thế, nhưng hiện có ít người bán áp dụng.
Trong khi đó, Singapore đã chỉ ra rằng họ muốn mở rộng việc phân loại sang các thực phẩm có hàm lượng muối và chất béo bão hòa cao, nhưng chưa có kế hoạch chi tiết. Các nỗ lực tương tự ở Thái Lan và Ấn Độ gặp phải sự phản đối từ các nhóm ngành.
Chính phủ các nước Đông Nam Á đang tiến bộ nhanh chóng trong việc giảm tính hấp dẫn của đồ uống đóng lon và chai đối với người tiêu dùng thông qua các loại thuế mới. Khoảng 12 quốc gia trong khu vực đã áp dụng thuế đặc biệt đối với các công ty đồ uống, trong đó có Indonesia và Việt Nam dự định gia nhập trong năm mới.
Hầu hết các loại thuế này được áp dụng trong bảy năm qua và đã được điều chỉnh tăng. Campuchia, Lào, Thái Lan, Nepal và Pakistan đã tăng thuế vào năm ngoái, trong khi Bangladesh và Malaysia cũng điều chỉnh mức thuế trong năm nay. Malaysia và Thái Lan dự định điều chỉnh lại mức thuế vào năm 2025.
Trên toàn khu vực, thuế được thu từ các nhà sản xuất đồ uống thay vì người tiêu dùng, mặc dù mục tiêu chung là hướng người tiêu dùng tới đồ uống lành mạnh hơn thông qua việc điều chỉnh giá cả. Tuy nhiên, trong hầu hết các trường hợp, thuế không trực tiếp gắn với mức độ ngọt của đồ uống.
Ví dụ, thuế cao nhất ở Campuchia áp dụng cho các loại nước tăng lực, trong khi Ấn Độ đánh thuế các đồ uống có ga. Các cách tiếp cận này có thể làm đơn giản hóa việc quản lý thuế, nhưng lại không khuyến khích các nhà sản xuất cải tiến sản phẩm.
Ngược lại, thuế của Thái Lan liên kết với hàm lượng đường trong mỗi loại đồ uống. Với những loại chứa trên 140 gram đường mỗi lít, tương đương với lượng calo của một chiếc hamburger McDonald's Quarter Pounder với phô mai, mức thuế được áp dụng là 5 baht (15 cent) mỗi lít. Các loại ít đường hơn sẽ chịu thuế thấp hơn, nhưng tất cả các mức thuế này sẽ tăng vào tháng 4 tới. Mức thuế đối với đồ uống chứa từ 80 gram đến 100 gram đường mỗi lít sẽ gấp 3 lần so với trước đây.
“Khi tăng thuế, người tiêu dùng nhận ra rằng ít đường sẽ tốt hơn cho sức khỏe”, ông Yot Teerawattananon, Tổng Thư ký và là người sáng lập Chương trình Đánh giá Can thiệp Sức khỏe và Công nghệ của Chính phủ Thái Lan, cho biết. “Một khi khách hàng chấp nhận ý tưởng này, họ sẽ yêu cầu ít đồ uống ngọt hơn”, ông nói.
Hiện tại, khoảng 30% đồ uống đóng chai và đóng lon bán tại siêu thị Thái Lan là loại ít hoặc không đường, tăng mạnh so với mức 10% trước đây, theo ông Surasak Kantachuvesiri, Phó Giáo sư y khoa tại Đại học Mahidol, Bangkok.
Malaysia chọn cách tiếp cận đơn giản hơn. Chính phủ nước này chỉ đánh thuế các loại đồ uống chứa ít nhất 50 gram đường mỗi lít, hoặc 120 gram đối với đồ uống từ trái cây hay rau củ. Bộ Y tế Malaysia năm ngoái cho biết tiêu thụ đồ uống có đường tại nước này đã giảm 9,3% trong bốn năm đầu tiên áp dụng thuế đường. Một phần nguyên nhân là các công ty đồ uống đã cải tiến dòng sản phẩm để tránh thuế.
Tuy nhiên, không phải sản phẩm nào cũng dễ dàng giảm đường. Ông Lim Yew Hoe, CEO của chi nhánh Fraser & Neave Malaysia, tập đoàn đồ uống Đông Nam Á, cho biết mức tăng thuế đường sắp tới vào tháng 1 sẽ chỉ ảnh hưởng đến 1% doanh số nội địa của công ty. Những sản phẩm còn lại, chẳng hạn như nước tăng lực Ranger Rimau, vẫn rất khó để giảm đường. Ông Lim nhận định đường đóng vai trò quan trọng trong việc cung cấp năng lượng. “Không thể đơn giản thay thế nó chỉ bằng caffeine hay taurine”, ông nói.
Nguồn Nikkei Asia - Nhipcaudautu