Cuộc đua tạo video bằng A.I: Cơ hội và thách thức

Người làm trong lĩnh vực quay phim, thiết kế đồ họa, hình ảnh và sáng tạo nội dung đang ngày càng quan tâm tới sự phát triển của trí tuệ nhân tạo (A.I) và tác động của nó tới lĩnh vực sáng tạo. Mùa hè năm ngoái, Netflix đã bắt đầu tuyển dụng cho vị trí quản lý sản phẩm A.I với mức lương từ 300.000 đến 900.000 USD, cao hơn mức trung bình cho vị trí đạo diễn hình ảnh thông thường. Lý giải cho việc này, hãng cho biết những video do A.I tạo ra cần phải được kết nối nhiều hơn để bảo đảm tính nhất quán của nhân vật và ngoại cảnh.

Trên mặt trận công nghệ, cuộc đua tạo video bằng A.I ngày càng nóng lên khi Công ty công nghệ A.I OpenAI của Mỹ công cụ Sora, và mới đây, 2 cựu thành viên Deepmind, Yishu Miao và Ziyu Wang, tiếp tục cho ra đời công cụ sản xuất video Haiper. Người dùng có thể truy cập trang web Haiper và bắt đầu tạo video miễn phí dài 4 giây bằng cách nhập lệnh văn bản yêu cầu. Trang web cũng trang bị thêm một số tính năng như tạo hoạt ảnh từ yêu cầu văn bản hay làm lại video theo phong cách khác. Thêm vào đó, Công ty đang nỗ lực giới thiệu tính năng mở rộng video trên trang web.

AI có thể tạo ra video giống thực tế tới 99% với độ sinh động của từng chi tiết nhỏ.

A.I có thể tạo ra video giống thực tế tới 99% với độ sinh động của từng chi tiết nhỏ.

Hiện tại, Sora của OpenAI đang là đối thủ cạnh tranh lớn nhất với Haiper. Cuộc đua cũng nóng lên khi Google và Runway do Nvidia hậu thuẫn mới vừa huy động được hơn 230 triệu USD tài trợ. Chưa kể Google và Meta cũng không hề thua kém với mô hình riêng. Năm ngoái, Stability A.I công bố mô hình A.I Stable Diffusion Video khá ổn định với phiên bản thử nghiệm, còn YouTube cũng đã công bố kế hoạch phát triển công cụ giúp các tác giả sáng tạo cảnh nền và video bằng thuật toán A.I. 

Những chương trình A.I siêu việt này một mặt đem lại nhiều cơ hội sáng tạo, mặt khác cũng dẫn đến lo ngại. A.I có thể tạo ra video giống thực tế tới 99% với độ sinh động của từng chi tiết nhỏ. Đây là những thứ không có trong mệnh lệnh mà tự A.I tự hiểu được quy tắc vật lý của thế giới thực và vẽ ra.

Theo ông Fred Havemeyer, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu phần mềm và A.I tại Công ty tư vấn Macquarie (Mỹ), mặc dù đã có nhiều tiến bộ to lớn trong lĩnh vực A.I tạo video trong năm qua, tuy nhiên tính nhất quán và độ dài của các video của Sora cho thấy cơ hội cũng như thách thức lớn cho những người sáng tạo nội dung. “Họ có thể kết hợp các yếu tố của video do A.I tạo ra vào nội dung được sản xuất thực tế, hoặc thậm chí tạo ra cả một bộ phim hoàn chỉnh từ một vài câu lệnh”, Havemeyer cho biết.

Hiện, OpenAI mới chỉ tiết lộ thông tin khá hạn chế về cách Sora được xây dựng. Báo cáo kỹ thuật của OpenAI không tiết lộ nguồn hình ảnh và video nào được sử dụng để đào tạo Sora và vì vậy cũng làm dấy lên lo ngại về quyền sở hữu trí tuệ trong đó. Với ứng dụng Sora, việc phân biệt tin thật, giả là rất khó khăn vì các video do Sora tạo ra có tính chân thực rất cao. Cho dù OpenAI đang tìm ra các giải pháp hạn chế, tuy nhiên rất khó để đưa ra giải pháp nào triệt để.

OpenAI cho biết, họ đang thực hiện các bước an toàn quan trọng trước khi cung cấp Sora rộng rãi. Thông cáo của Công ty nêu ra: “Chúng tôi đang làm việc với các nhóm chuyên gia về lĩnh vực như thông tin sai lệch, nội dung thù địch và thành kiến, họ sẽ thử nghiệm mô hình một cách đối nghịch giúp xây dựng các công cụ để phát hiện nội dung sai lệch, chẳng hạn như bộ phân loại phát hiện có thể cho biết thời điểm video được Sora tạo”.

Nguồn: Nhipcaudautu