Dầu thô tăng giá do nguồn cung thắt chặt hơn

Dầu thô Brent đã tăng giá 76 cent lên mức 85,56 USD/thùng vào lúc 10h47 GMT, trong khi dầu thô WTI của Mỹ cũng nhích giá 85 cent lên 82,1 USD/thùng. Ngoài ra, hợp đồng tương lai dầu WTI giao tháng 10 đã tăng 78 cent lên 81,44 USD/thùng.

Tuần trước, cả dầu thô Brent và WTI đã chặt đứt chuỗi 7 tuần tăng giá liên tiếp để quay đầu giảm 2% do giới giao dịch lo ngại tăng trưởng kinh tế chậm chạp của Trung Quốc sẽ tác động xấu đến nhu cầu dầu mỏ trong khi chu kỳ tăng lãi suất của Mỹ vẫn chưa kết thúc.

"Chúng tôi vẫn thấy cân bằng dầu mỏ eo hẹp trong thời gian còn lại của năm nay, điều này cho thấy giá vẫn còn khả năng tăng cao hơn nữa", ông Warren Patterson, trưởng bộ phận nghiên cứu hàng hóa tại tập đoàn tài chính Hà Lan ING, cảnh báo. Ngoài ra, "đồng đô la Mỹ dường như đang trượt nhẹ, điều này sẽ tạo ra một số hỗ trợ" cho giá dầu.

Đồng đô la Mỹ suy yếu khiến việc nhập khẩu dầu trở nên rẻ hơn so với các nhà nhập khẩu nắm giữ các loại tiền tệ khác, từ đó làm gia tăng nhu cầu nhập khẩu.

Mặt khác, giá dầu đốt tăng cao cũng hỗ trợ giá dầu thô, theo ông John Evans, nhà phân tích tại công ty môi giới dầu mỏ PVM. Tuy nhiên, nhà phân tích này đặt câu hỏi là liệu bản chất tăng giá hiện nay của dầu đốt và những thứ tương tự có đủ sức kéo thị trường dầu mỏ đi lên hay chỉ kìm giá trước những lo ngại về kinh tế vĩ mô.

Bất chấp những khó khăn về kinh tế, Trung Quốc đang sử dụng tồn kho dầu mỏ kỷ lục được tích lũy vào đầu năm nay do các nhà máy lọc dầu thu hẹp quy mô mua hàng sau khi liên minh năng lượng OPEC+ (gồm Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và các đồng minh, trong đó có Nga) cắt giảm nguồn cung, khiến giá dầu thô thế giới vượt 80 USD/thùng.

Đáng chú ý, tháng 7 chứng kiến các chuyến hàng chở dầu của Saudi Arabia đến Trung Quốc giảm 31% so với tháng 6, trong khi Nga vẫn là nhà cung cấp dầu mỏ lớn nhất cho nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, theo dữ liệu hải quan Trung Quốc.

Ông Stefano Grasso, nhà quản lý danh mục đầu tư cấp cao tại công ty dịch vụ tài chính Singapore 8VantEdge, cho rằng: "Trừ khi xuất hiện suy thoái kinh tế và nhu cầu chậm lại hoặc giảm xuống, OPEC+ sẽ vào cuộc kiểm soát".

Dự trữ dầu thô của Mỹ đã giảm gần 6 triệu thùng vào tuần thứ hai của tháng 8 do xuất khẩu tăng mạnh, theo dữ liệu của Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ. Tương tự, sản lượng cung cấp xăng đã giảm 451.000 thùng/ngày trong tuần đó - thời điểm mà mùa lái xe du lịch ở Mỹ sắp kết thúc.

Dữ liệu ngành dầu mỏ cũng chỉ ra rằng số lượng giàn khoan dầu và khí đốt tự nhiên của Mỹ, một chỉ báo sớm về sản lượng trong tương lai, đã giảm trong tuần thứ sáu liên tiếp.

Sự sụt giảm trong sản xuất dầu mỏ của Mỹ có thể làm trầm trọng thêm tình trạng khan hiếm nguồn cung được dự đoán sẽ kéo dài trong suốt thời gian còn lại của năm nay, khi mà liên minh năng lượng OPEC+ đã tuyên bố cắt giảm nguồn cung.

Nguồn: Báo Đâu tư