Quay lại

Doanh số bán lẻ củng cố "sức khỏe" của nền kinh tế Mỹ

Tăng ngược chiều dự báo

Cơ quan Thống kê Dân số thuộc Bộ Thương mại Mỹ vừa công bố, doanh số bán lẻ tháng 8 tại nước này đã tăng 0,1% so với tháng trước, sau khi đạt mức tăng 1,1% trong tháng 7.

Trước đó, các nhà kinh tế được Reuters thăm dò đã dự báo doanh số bán lẻ, chủ yếu là hàng hóa và không được điều chỉnh theo lạm phát, sẽ giảm 0,2% trong tháng 8.

Doanh số bán lẻ bất ngờ tăng hết hợp với tỷ lệ thất nghiệp giảm trong tháng 8 đã làm tăng kỳ vọng của thị trường tài chính về việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) cắt giảm lãi suất 50 điểm cơ bản tại cuộc họp chính sách tiền tệ kết thúc vào ngày 18/9.

Đáng chú ý, sau khi dữ liệu bán lẻ tháng 8 được công bố, Fed chi nhánh Atlanta đã nâng dự báo tăng trưởng GDP quý III/2024 của Mỹ lên mức 3,0% theo năm, thay vì mức tăng 2,5%. Nền kinh tế Mỹ đạt tăng trưởng 3,0% trong quý II.

"Có vẻ như không có lý do gì cản trở các quan chức Fed khởi động (chu kỳ cắt giảm lãi suất - BTV) với mức giảm 50 điểm cơ bản, bởi bất kỳ căng thẳng nào trên thị trường lao động cũng không làm suy giảm nhu cầu kinh tế", ông Christopher Rupkey, nhà kinh tế trưởng tại công ty nghiên cứu thị trường tài chính FWDBONDS, nhận định.

So với cùng kỳ năm trước, doanh số bán lẻ tháng 8 của Mỹ đã tăng 2,1%. Trong đó, doanh số bán hàng trực tuyến đã phục hồi và tăng trưởng 1,4% sau mức giảm 0,4% trong tháng 7.

Doanh số tại các trạm xăng giảm 1,2%. Các cửa hàng đồ thể thao, đồ dùng theo sở thích cá nhân, nhạc cụ và sách ghi nhận doanh số nhích lên 0,3%, còn các cửa hàng vật liệu xây dựng và thiết bị làm vườn có mức tăng nhẹ 0,1%.

Thêm vào đó, doanh số tại các cửa hàng nội thất giảm 0,7%. Doanh số tại các cửa hàng điện tử và đồ gia dụng ghi nhận mức giảm 1,1%, trong khi doanh số tại các nhà bán lẻ quần áo giảm 0,7%. Tương tự, các đại lý ô tô và phụ tùng ô tô ghi nhận doanh số giảm 0,1% trong tháng 8, còn doanh số tại các cửa hàng bách hóa giảm 1,1%. Doanh số các cửa hàng trên sụt giảm một phần là do giá giảm, mà không phải do lượng mua giảm.

Lạm phát hạ nhiệt dần giúp cải thiện sức mua

Fed đã giữ nguyên lãi suất cơ bản ở ngưỡng 5,25 - 5,50% trong hơn một năm qua, sau khi tăng 525 điểm cơ bản từ năm 2022 đến tháng 7/2023.

Hầu hết các nhà kinh tế dự đoán Fed sẽ cắt giảm lãi suất 25 điểm cơ bản tại cuộc họp chính sách kết thúc vào ngày 18/9, bởi họ lập luận rằng nền kinh tế Mỹ chưa gặp khó khăn đến mức phải giảm 50 điểm cơ bản như thị trường tài chính kỳ vọng.

Tỷ lệ thất nghiệp tại Mỹ đã giảm xuống còn 4,2% trong tháng 8 sau 4 tháng tăng liên tiếp. Đỉnh điểm vào tháng 7/2024, tỷ lệ thất nghiệp đã đạt 4,3%, cao nhất trong gần 3 năm qua. Tỷ lệ thất nghiệp giảm chủ yếu được thúc đẩy bởi các lao động nhập cư tăng lên.

Dữ liệu cho thấy tình trạng sa thải ở Mỹ vẫn ở mức thấp, cho nên thị trường lao động vẫn có thể duy trì mức tăng lương ổn định, hỗ trợ chi tiêu của người tiêu dùng và nền kinh tế nói chung.

Thêm vào đó, lạm phát Mỹ hạ nhiệt giúp củng cố sức mua của người tiêu dùng. Điều này khiến các nhà kinh tế đưa ra các quan điểm trái chiều về những tác động mà tỷ lệ tiết kiệm sụt giảm có thể gây ra cho chi tiêu.

Tỷ lệ tiết kiệm tại Mỹ đã giảm xuống còn 2,9% vào tháng 7 và tiệm cận mức thấp được ghi nhận vào năm 2008. Một số nhà phân tích cho rằng điều này báo hiệu sức chi tiêu của người Mỹ sẽ giảm trong tương lai. Mặt khác, nếu thị trường lao động chuyển biến xấu, tiết kiệm dự phòng của người Mỹ sẽ tăng lên và điều này sẽ ảnh hưởng đến chi tiêu.

Ông Michael Pearce, phó kinh tế trưởng tại công ty tư vấn toàn cầu Oxford Economics cho biết: "Các hộ gia đình có thu nhập trung bình và cao đã tăng đáng kể khối tài sản kể từ đại dịch, chủ yếu đến từ sự gia tăng vốn chủ sở hữu nhà ở".

Ngoài doanh số bán lẻ bất ngờ tăng, nền kinh tế Mỹ cũng ghi nhận thông tin lạc quan đến từ lĩnh vực sản xuất công nghiệp. Đơn cử, ngành sản xuất chế tạo của Mỹ đã phục hồi mạnh mẽ trong tháng 8 khi sản lượng của các nhà máy đã tăng 0,9% nhờ sản lượng ngành ô tô tăng đột biến sau khi giảm 0,7% vào tháng 7, theo báo cáo của Fed.

Nguồn: TBKTVN