Du lịch châu Á chậm chạp phục hồi

Tuy nhiên, theo các quan chức ngành du lịch tại Hồng Kông, Hàn Quốc, Trung Quốc và Thái Lan, điều này vẫn còn diễn biến chậm chạp tại khu vực châu Á.

Các quan chức Hồng Kông đang đứng trước mối lo ngại, khi ngành du lịch phục hồi chậm chạp. Dù giải bóng bầu dục Hong Kong Sevens được kỳ vọng có thể mang lại những kết quả thú vị, nhưng lo ngại vẫn còn hiện hữu. Số lượng khách du lịch hàng tháng tăng lên 3,9 triệu, nhưng vẫn thấp hơn 28% so với mức trung bình năm 2018.

Theo Cơ quan theo dõi phục hồi du lịch của Liên hợp quốc, ngành du lịch toàn cầu đã phục hồi ở mức 12% so với trước đại dịch COVID-19 và được dự báo sẽ hoàn toàn phục hồi trong năm nay. Báo cáo gần đây của UN Tourism cho biết đã có khoảng 1,3 tỉ khách du lịch vào năm ngoái, tăng 34% so với năm 2022. Doanh thu từ hoạt động du lịch quốc tế cũng tăng lên khoảng 1,6 nghìn tỉ USD, chỉ thấp hơn 5% so với năm 2019, sau đà sụt giảm vào năm 2020. Tuy nhiên, sau những con số này là một bức tranh phức tạp hơn.

Lượng khách quốc tế đến châu Âu trong năm 2023 chỉ thấp hơn 6% so với mức cao nhất vào năm 2019. Pháp vẫn là điểm đến được ưa chuộng nhất. Với tỉ lệ 54% trong tổng số gần 1,29 triệu người trên toàn thế giới, giới chuyên gia cho rằng sự phục hồi du lịch của châu Âu chưa phản ánh đúng thực tế.

Trong khi đó ở châu Á, khu vực này chỉ đón tiếp 233 triệu khách du lịch quốc tế trong năm ngoái, thấp hơn 35% so với năm 2019. Số lượng khách du lịch đến khu vực Đông Bắc Á (bao gồm Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản) giảm 45% so với năm 2019, còn khu vực Đông Nam Á giảm gần 30%.

Dự báo của UN Tourism, sự phục hồi hoàn toàn của ngành du lịch trong năm nay phụ thuộc vào tốc độ phục hồi tại châu Á và sự phát triển của các thách thức kinh tế và địa chính trị hiện có.

Khi lựa chọn châu Á, khách du lịch thường sẽ cân nhắc Trung Quốc trong bối cảnh quốc gia này đang đối mặt với những thách thức kinh tế và địa chính trị. Theo Cục Quản lý Nhập cư Quốc gia Trung Quốc, số lượng khách quốc tế đã tăng gấp 7 lần từ năm 2022 lên 35,5 triệu vào năm ngoái, sau khi các hạn chế liên quan đến COVID-19 được dỡ bỏ. Tuy nhiên, con số này chỉ bằng 1/3 so với năm 2019.

Đối với người Trung Quốc đi du lịch nước ngoài, quá trình phục hồi cũng gặp khó khăn do việc khôi phục các chuyến bay quốc tế diễn ra chậm chạp. Chỉ có 14% người Trung Quốc trưởng thành có hộ chiếu hợp lệ, so với 56% tại Mỹ và 84% tại Anh. Theo dữ liệu từ nhà cung cấp dữ liệu chuyến bay OAG, các hãng hàng không Trung Quốc hiện chỉ cung cấp dịch vụ tại 85 điểm đến trong khu vực châu Á và 56 điểm đến ở các khu vực khác, so với con số 119 điểm đến trong khu vực châu Á và 77 điểm đến trong khu vực khác vào năm 2019.

Việc kỳ vọng du khách Trung Quốc sẽ nhanh chóng khôi phục vị thế là nhóm chi tiêu hàng đầu toàn cầu phụ thuộc vào nhiều yếu tố, chẳng hạn như kế hoạch chi tiêu của các hộ gia đình tại Trung Quốc đã giảm mạnh do ảnh hưởng hậu đại dịch, đồng nhân dân tệ mất giá dẫn đến chi phí đi lại tăng cao. Thực tế cho thấy việc tìm kiếm việc làm ổn định khiến nhiều người trẻ Trung Quốc không thể đi du lịch quốc tế. Mặc dù chính phủ đã tạo điều kiện thuận lợi hơn trong việc xin thị thực và cung cấp miễn thị thực cho các quốc gia như Singapore, Thái Lan, Malaysia và các điểm đến ở vùng Vịnh, nhưng vẫn còn nhiều hạn chế trong việc đi lại quốc tế.

Tuy nhiên, với những thách thức đó, tiềm năng của du khách Trung Quốc trên thị trường du lịch toàn cầu vẫn còn rất lớn.

Trong dịp Lễ hội mùa xuân, công ty du lịch trực tuyến Qunar của Trung Quốc cho biết lượng đặt phòng đến UAE, Ai Cập và Maroc tăng gấp ba lần so với cùng kỳ năm trước, trong đó Dubai thậm chí tăng gấp 10 lần. Qunar cũng cho biết số lượng đặt chỗ tới Singapore đã tăng gấp 29 lần và tới Malaysia đã tăng gấp 20 lần. Các điểm đến như Ả Rập Saudi, Qatar, Ai Cập và Maroc cũng đã nằm trong danh sách 20 điểm đến du lịch quốc tế hàng đầu của nền tảng xã hội du lịch Trung Quốc Mafengwo trong dịp Lễ hội mùa xuân.

Nhu cầu du lịch quốc tế của tầng lớp trung lưu Trung Quốc là có, và nếu không có những “cơn gió ngược”, ngành du lịch quốc tế có thể chứng kiến một đà phục hồi suôn sẻ hơn. Những ước tính đã được thực hiện vào năm 2020 dự đoán rằng đại dịch sẽ gây thiệt hại trên 4 nghìn tỉ USD cho nền kinh tế toàn cầu và mất đi hơn 60 triệu việc làm. Mặc dù không có ước tính mới nhất để xác nhận con số này, nhưng với những người có thu nhập từ ngành du lịch và lữ hành, việc phục hồi sẽ không thể diễn ra nhanh chóng, đặc biệt là tại châu Á.

Nguồn: nhipcaudautu