Hai kịch bản tăng trưởng của VEPR, một trong số đó quý IV sẽ đi ngang
Hai kịch bản tăng trưởng của VEPR
Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) vừa công bố 2 kịch bản tăng trưởng cho Việt Nam trong quý IV và dự kiến cả năm 2024. Thông tin được đưa ra tại Tọa đàm “Đối thoại chính sách: Phục hồi tăng trưởng - Triển vọng và thách thức” sáng 15/10.
Với kịch bản cao, tăng trưởng sẽ quý IV sẽ đi ngang với mức 7,4%. Như vậy, tăng trưởng cả năm 2024 dự kiến sẽ đạt mục tiêu mới 7,0% mà Chính phủ đề ra cho năm 2024.
Với kịch bản thấp, tăng trưởng quý IV sẽ dưới mức 7%, dự báo tăng trưởng cả năm 2024 sẽ dao động mức quanh mức 6,84%.
Cơ sở của kịch bản cao, theo ông Nguyễn Quốc Việt, Phó viện trưởng VEPR là những điều chỉnh tích cực cho dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong nửa cuối năm 2024 của các tổ chức lớn như IMF, OECD, WB, UN và Euromonitor.
“Sự lạc quan hơn về triển vọng kinh tế thế giới khá rõ”, ông Việt chia sẻ.
Đặc biệt, kịch bản này sự hậu thuẫn quan trọng từ sự phục hồi tương đối tốt của kinh tế Việt Nam quý III. Trong đó, thương mại trên đà hồi phục và dòng vốn FDI tích cực là động lực tăng trưởng chính.
Cụ thể, xuất nhập khẩu hàng hóa tăng nhanh hơn hơn so với dự kiến, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu đạt 578,5 tỷ USD, tăng 16,3% so với cùng kỳ, với xuất siêu đạt 20,8 tỷ USD - mức xuất siêu khá tích cực trong giai đoạn 2020 - 2024. Vốn FDI thực hiện đạt kỷ lục.
Cùng với đó, du lịch phục hồi mạnh mẽ, tỷ giá USD tại các ngân hàng thương mại trong nước đã liên tục giảm, với mức giá thấp hơn nhiều so với trần do Ngân hàng Nhà nước quy định. Tốc độ tăng cung tiền và tăng trưởng tín dụng phục hồi khá tốt, góp phần tích cực vào thúc đẩy tăng trưởng và đầu tư, mặc dù vẫn thấp hơn nền trung bình trước đại dịch Covid-19.
Ngân hàng Nhà nước vẫn tiếp tục thực hiện các chính sách tiền tệ linh hoạt tương đối thành công giai đoạn vừa qua để giảm các cú sốc và can thiệp thanh khoản, giúp hạ nền lãi suất, hỗ trợ chi phí vốn cho nền kinh tế mà không cần can thiệp lãi suất điều hành.
Thách thức phía trước
Tuy nhiên, các chuyên gia của VEPR đã nhận định, quá trình phục hồi vẫn tiếp tục ở các nền kinh tế lớn như Mỹ, Trung Quốc và khu vực EU trong quý III, dù đã xuất hiện dấu hiệu chậm lại so với quý II. Chỉ số PMI của Mỹ và EU đã giảm xuống dưới ngưỡng 50 điểm, trong khi Trung Quốc cũng ghi nhận mức giảm 3 điểm, xuống còn 51 điểm.
“Điều này có thể tác động tiêu cực đến khu vực kinh tế đối ngoại của Việt Nam, khi thương mại luôn được xem là động lực chính thúc đẩy tăng trưởng trong giai đoạn hiện nay”, ông Việt phân tích.
Trong rủi ro và thách thức ở phía trước, các chuyên gia VEPR đã nhắc tới Chỉ số quản trị mua hàng PMI của Việt Nam đã suy giảm và xuống dưới 50 điểm trong tháng 9. Tín hiệu cho thấy các điều kiện kinh doanh suy giảm trở lại sau khi đã có một giai đoạn tăng trưởng mạnh. Chỉ số đã giảm từ 52,4 xuống 47,3 điểm trong tháng 9, cho thấy sức khỏe ngành sản xuất đã yếu đi ở mức đáng kể nhất kể từ tháng 11 năm ngoái.
Tỷ lệ doanh nghiệp rút lui so với doanh nghiệp gia nhập thị trường vẫn ở xu hướng cao.
Đặc biệt, 2 động lực tăng trưởng là tiêu dùng trong nước lẫn giải ngân đầu tư công chưa đạt được như kỳ vọng. Tính đến hết 9 tháng, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 8,8% so với cùng kỳ năm trước, với ngành du lịch phục hồi mạnh mẽ, ghi nhận mức tăng trưởng 16,7%. Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng vẫn chưa trở lại mức trước đại dịch Covid-19.
Ngoài ra, các chuyên gia VEPR đã nhắc đến rủi ro từ cuộc xung đột tại Trung Đông cũng làm gia tăng lạm phát nhập khẩu, ảnh hưởng đến năng lực cạnh tranh xuất khẩu của các doanh nghiệp Việt Nam. Hơn nữa, độ trễ từ tác động của cơn bão Yagi cũng sẽ là yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến tăng trưởng của Việt Nam trong quý IV/2024.
Trong khi đó, môi trường kinh doanh vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro, với các rào cản về điều kiện kinh doanh và thủ tục hành chính không chỉ chưa được giảm thiểu mà còn có xu hướng gia tăng, do động lực cải cách từ các bộ, ngành đang suy yếu.
Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong năm 2023 cũng như 6 tháng đầu năm 2024, dường như rất ít nỗ lực hay sáng kiến cải cách từ địa phương nhằm hỗ trợ, thúc đẩy phát triển doanh nghiệp. Thực trạng này cũng phần nào đã được phản ánh qua cảm nhận của doanh nghiệp theo khảo sát Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) được công bố trong năm 2024.
“Những thách thức này đòi hỏi sự điều hành chính sách linh hoạt và hiệu quả để duy trì đà phục hồi kinh tế của đất nước. Có thể thấy rằng, tăng trưởng GDP thực tế của Việt Nam so với dự báo của tổ chức thấp nhất thường có mức chênh lệch là 0,5%-1%”, VEPR khuyến nghị.
Nguồn: Báo Đầu tư