Hỗ trợ thúc đẩy xuất khẩu qua các nền tảng thương mại điện tử

 

Tuy nhiên, hoạt động xuất khẩu qua các nền tảng thương mại điện tử vẫn tồn tại một số hạn chế về rào cản về văn hóa cũng như hiểu biết về các quy tắc hoạt động của thương mại điện tử, tạo nên thách thức lớn cho doanh nghiệp.

Với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ, xuất khẩu thông qua các nền tảng thương mại điện tử đang trở thành xu hướng được các doanh nghiệp cũng như các quốc gia quan tâm. Tính trong năm 2022, giá trị xuất khẩu qua thương mại điện tử của Việt Nam đạt hơn 80.000 tỷ đồng. Với tốc độ phát triển nhanh đứng Top 3 ở trong khu vực Đông Nam Á, dự báo kim ngạch xuất khẩu thông qua thương mại điện tử của Việt Nam có thể đạt gần 300.000 tỷ đồng vào năm 2027.

 

  •  
  •  
  •  
  •  

ho tro thuc day xuat khau qua cac nen tang thuong mai dien tu hinh anh 1

Tọa đàm về thúc đẩy xuất khẩu qua các nền tảng thương mại điện tử

Bà Nguyễn Thị Phương Uyên, Giám đốc Marketing Công ty TNHH Alibaba.com Việt Nam cho biết, nhờ thương mại điện tử, kim ngạch xuất khẩu hàng hoá của Việt Nam gia tăng đáng kể, giúp doanh nghiệp phục hồi sản xuất, từng bước vượt qua khó khăn sau dịch Covid-19 và suy giảm cầu hàng hóa trên thị trường thế giới. Tuy nhiên, khó khăn nhất với doanh nghiệp Việt Nam khi tham gia các sàn thương mại điện tử quốc tế là rào cản ngôn ngữ, thiếu kỹ năng marketing, sử dụng công cụ tiếp thị sẵn có trên sàn… dẫn đến việc chưa phát huy, sử dụng tốt những công cụ kỹ thuật số mà các nền tảng cung cấp để tiếp cận khách hàng nhiều hơn.

“Khó khăn đầu tiên của doanh nghiệp Việt Nam khi làm giao dịch thương mại xuyên biên giới là vấn đề về ngôn ngữ. Thực tế hiện nay doanh nghiệp Việt Nam đã cải thiện về ngôn ngữ, tuy nhiên, vẫn có hạn chế về giao tiếp bằng tiếng Anh. Điểm hạn chế thứ hai, có rất nhiều vấn đề hạn chế về thời gian hoặc là thiếu những kỹ năng về marketing, sử dụng các công cụ tiếp thị trên sàn dẫn đến việc chưa phát huy, sử dụng những công cụ kỹ thuật số... Một điểm nữa là có hạn chế về vấn đề liên quan đến logistic. Ví dụ, đôi khi sản phẩm không đảm bảo về thời gian giao hàng, tiến độ giao hàng dẫn đến giao dịch bị ảnh hưởng” - bà Nguyễn Thị Phương Uyên nói.

 

Nhận thấy tầm quan trọng của việc chuyển đổi số, Bộ Công Thương đã triển khai nhiều hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong xúc tiến thương mại. Mục tiêu là tập trung xây dựng hệ sinh thái xúc tiến thương mại số.

Ông Nguyễn Thành Dương, Phó Giám đốc Trung tâm Ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong xúc tiến thương mại, Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công Thương cho biết, trong hệ sinh thái xúc tiến thương mại số, Bộ Công Thương đã triển khai xây dựng những nền tảng số tương ứng đối với hoạt động xúc tiến thương mại trực tiếp để hỗ trợ những doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ nông dân có cơ hội xúc tiến thương mại trên môi trường số.

“Chúng tôi cũng sẽ đa dạng hóa việc phối hợp với những sàn thương mại điện tử trong và ngoài nước tìm kiếm những sàn thương mại điện tử lớn hơn, những sàn thương mại điện tử phù hợp hơn, có nhiều xu hướng hơn để có thể hỗ trợ kịp thời đối với những doanh nghiệp đang có ý định kinh doanh trên sàn thương mại điện tử. Hiện nay, Cục Xúc tiến thương mại đã và đang tích cực tham mưu cho lãnh đạo Bộ Công Thương ký kết rất nhiều thỏa thuận hợp tác với những sàn thương mại điện tử lớn trên thế giới nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp xuất khẩu hàng hóa trên những sàn này”, ông Nguyễn Thành Dương nói.

Nguồn: VOV