Hoạt động M&A xuyên biên giới phục hồi ở châu Á
Tính đến ngày 30/9, tổng giá trị các giao dịch được công bố tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương đã tăng 25% so với cùng kỳ năm trước, lên 286 tỷ USD, theo dữ liệu của tập đoàn chứng khoán London (LSEG). Trong đó, khoảng 80% giá trị các giao dịch được giao dịch với một thực thể bên ngoài khu vực.
"Đã có sự gia tăng đáng kể trong các giao dịch xuyên biên giới khi sự ổn định chính trị ở một số thị trường đã trở lại, cộng với nhu cầu đầu tư và giao dịch bị dồn nén và việc điều chỉnh lãi suất cao hơn bắt đầu thúc đẩy hoạt động M&A trở lại", ông Andre Gan, quản lý cấp cao mảng M&A tại công ty luật Wong & Partners, một đơn vị thành viên của Baker McKenzie tại Kuala Lumpur, cho biết.
Giá trị các giao dịch M&A tại châu Á đạt tổng cộng 622 tỷ USD trong 9 tháng đầu năm 2024, giảm 0,2% so với cùng kỳ năm trước, theo dữ liệu của LSEG.
Sự phục hồi của các hoạt động M&A xuyên biên giới một phần được thúc đẩy bởi một số thương vụ lớn. Đáng kể là thương vụ REA Group do tỷ phú Rupert Murdoch kiểm soát đã mạnh tay chào mua nền tảng thông tin bất động sản Rightmove của Anh với giá 8,3 tỷ USD.
Các nhà phân tích tài chính cho rằng Nhật Bản sẽ thúc đẩy các thương vụ M&A hàng tỷ USD của khu vực châu Á - Thái Bình Dương, bởi các quy định quản trị doanh nghiệp được nới lỏng đã khiến các công ty đại chúng của Nhật Bản cởi mở hơn với hoạt động M&A, trong khi một số công ty hàng đầu cũng đang tìm cách mở rộng hoạt động ra nước ngoài.
Dữ liệu của LSEG cho thấy hoạt động M&A tại Nhật Bản đã tăng hơn 16 lần trong năm nay lên mức kỷ lục 74 tỷ USD, trong khi các giao dịch ra nước ngoài tăng tới 49% lên 50 tỷ USD.
Hines, công ty đầu tư bất động sản có trụ sở tại Texas (Mỹ) đang sở hữu và điều hành khối tài sản trị giá 93 tỷ USD tính đến ngày 30/6, đang tích cực tìm kiếm các cơ hội M&A trên toàn cầu, bao gồm cả châu Á, theo bà Ng Chiang Ling, Giám đốc đầu tư châu Á của Hines.
Giám đốc đầu tư châu Á của Hines tiết lộ thêm, công ty này đang nhắm đến các cơ hội ở Australia sau khi thực hiện một số thương vụ M&A thành công tại Nhật Bản và Singapore trong năm nay.
Tại Đông Nam Á, các giao dịch M&A xuyên biên giới cũng theo chiều hướng tăng lên. Công ty bảo hiểm Đức Allianz tuyên bố vào tháng 7 rằng họ đang lên kế hoạch mua lại cổ phần đa số tại công ty bảo hiểm Income Insurance của Singapore với giá khoảng 1,6 tỷ USD, trong nỗ lực củng cố chỗ đứng của mình tại châu Á.
"Điều vui mừng rằng 50% giao dịch ở châu Á - Thái Bình Dương là các giao dịch xuyên biên giới toàn cầu", ông Rohit Satsangi, đồng giám đốc M&A khu vực châu Á - Thái Bình Dương tại Deutsche Bank, cho biết.
Ngoài ra, ông Satsangi dự đoán hoạt động đầu tư ra nước ngoài của các công ty do nhà nước Trung Quốc sở hữu sẽ hồi sinh do các công ty này đang tìm kiếm cơ hội đầu tư vào tài sản tài nguyên thiên nhiên và tái tạo trên toàn cầu.
Sự phục hồi các hoạt động M&A Trung Quốc sẽ được các nhà giao dịch hoan nghênh. Dữ liệu của LSEG cho thấy các giao dịch đầu tư ra nước ngoài của Trung Quốc đạt tổng cộng 14 tỷ USD kể từ đầu năm đến nay, giảm 8% so với cùng kỳ năm ngoái.
Ông Andre Gan, quản lý cấp cao mảng M&A tại Wong & Partners cho rằng, triển vọng chung về M&A khu vực châu Á - Thái Bình Dương sẽ cải thiện, bao gồm cả các giao dịch tại chỗ.
"Đối với năm 2025 và 2026, xét đến việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) nới lỏng lãi suất gần đây và cuộc bầu cử Mỹ kết thúc vào cuối năm 2024, chúng tôi kỳ vọng sự ổn định liên tục sẽ dẫn đến sự hồi phục của các hoạt động M&A", ông Gan dự đoán.
Nguồn: TBKTVN