Hướng dẫn, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong công tác quản lý, vận hành, sử dụng nhà chung cư trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh

Sáng 14/7/2023, Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư Thành phố (ITPC) phối hợp với Sở Xây dựng Thành phố tổ chức Hội nghị Đối thoại Doanh nghiệp - Chính quyền Thành phố với chuyên đề “Hướng dẫn, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong công tác quản lý, vận hành, sử dụng nhà chung cư trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh”. Đây cũng là Hội nghị đối thoại trực tiếp lần thứ 233 của Hệ thống Đối thoại Doanh nghiệp - Chính quyền Thành phố.

Tham dự Hội nghị lần thứ 233 có sự tham gia của đại diện Thanh tra Bộ Xây dựng, Cục Quản lý nhà và Thị trường bất động sản - Bộ Xây dựng, lãnh đạo ITPC, Sở Xây dựng Thành phố. Hội nghị cũng thu hút hơn 500 đại biểu đại diện các Sở, ban, ngành, Ủy ban nhân dân Thành phố Thủ Đức và các quận, huyện, Ban Quản trị, Ban Quản lý, đơn vị quản lý vận hành nhà Chung cư và Lãnh đạo các Doanh nghiệp phát triển dự án nhà chung cư trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh đăng ký tham dự.

Ông Trần Phú Lữ, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư Thành phố cho biết, cùng với sự phát triển đô thị hóa, chung cư đang là mô hình tất yếu ở các đô thị với nhiều tiện ích văn minh, hiện đại, đáp ứng nhu cầu nhà ở của nhiều người dân ở các đô thị lớn. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra ở đây vai trò quản lý nhà nước trong việc theo dõi, kiểm tra, giải quyết các khó khăn, vướng mắc phát sinh trong  quản lý, vận hành nhà chung cư, ý thức trách nhiệm của người dân trong việc sử dụng nhà chung cư như thế nào để hài hòa lợi ích của các chủ thể liên quan là vấn đề mà UBND Thành phố Hồ Chí Minh thường xuyên quan tâm chỉ đạo. Trên cơ sở đó, hội nghị đối thoại doanh nghiệp và chính quyền thành phố lần này nhằm phổ biến, hướng dẫn các quy định pháp luật về quản lý, sử dụng nhà chung cư; đồng thời tạo cơ hội để đối thoại, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc cho các chủ thể trong việc thực thi các quy định liên quan đến đầu tư, quản lý, vận hành nhà chung cư.

Ông Huỳnh Thanh Khiết, Phó Giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM cho biết, tính đến tháng 4/2023 TP.HCM có 1.635 chung cư với hơn 2.800 lô chung cư nên số lượng người dân rất lớn. Hiện tại, đang có 335 dự án phần lớn là chung cư nộp đến sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM chờ cấp giấy chứng nhận. Do số chung cư lớn nên địa bàn TP.HCM nổi lên vấn đề về công tác quản lý vận hành chung cư và các khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp. Chính vì vậy, chính quyền TP.HCM mong trao đổi, hướng dẫn và tháo gỡ những khó khăn vướng mắc đối với các doanh nghiêp và người dân.

Tại Hội nghị, Lãnh đạo Thanh tra Bộ Xây dựng và Cục Quản lý nhà và Thị trường bất động sản - Bộ Xây dựng phổ biến, hướng dẫn các quy định của pháp luật về quản lý, vận hành, sử dụng nhà Chung cư cho các cơ quan quản lý nhà nước tại địa phương (Ủy ban nhân dân thành phố Thủ Đức và các quận, huyện; Phòng Quản lý đô thị và UBND Phường, Xã, Thị trấn). Qua đó giúp cho các đơn vị nắm bắt cụ thể, rõ ràng các quy định của pháp luật, nâng cao ý thức trách nhiệm của các đơn vị trong quản lý,vận hành và sử dụng nhà chung cư.

Ông Nguyễn Mạnh Khởi - Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) cho biết: “Việc phát triển nhà chung cư, đô thị thông minh là xu hướng tất yếu ở các nước phát triển, Việt Nam cũng không ngoại lệ. Nhất là ở các thành phố lớn khi quỹ đất dành cho nhà riêng lẻ không còn nhiều. Vì vậy, việc quản lý, vận hành nhà chung cư sẽ tiếp tục là vấn đề của các đô thị này. Chẳng hạn ở Thành phố Hồ Chí Minh, nhà chung cư hiện rất nhiều, trải dài ở các quận huyện. Làm sao để đời sống cư dân tốt nhất, xây dựng lối sống lành mạnh, đoàn kết, hạn chế các tranh chấp là vấn đề mà chính quyền phải quan tâm. Đã có rất nhiều quy định, từ luật nhà ở đến nghị định của Chính phủ, thông tư, chỉ thị của Bộ Xây dựng xoay quanh vấn đề này. Dù vậy, hàng tháng, cơ quan chức năng vẫn nhận thông tin về nhiều vướng mắc từ cư dân, địa phương gửi đến như xung đột sở hữu chung và sở hữu riêng, quản lý kinh phí bảo trì, giá dịch vụ vận hành chung cư hay thậm chí mâu thuẫn giữa các thành viên Ban Quản trị chung cư”.

“Cả chủ đầu tư, cư dân và Ban Quản trị là đại diện cư dân cần hiểu rõ về các quy định chung. Trong đó, chủ sở hữu phải tổ chức hội nghị nhà chung cư sau khi nhận bàn giao về ở do luật quy định rõ. Hội nghị là lúc các cư dân quyết định tất cả những vấn đề lớn như bầu Ban Quản trị, thông qua quy chế hoạt động của Ban Quản trị; lựa chọn đơn vị quản lý vận hành chung cư, trong đó quyết luôn giá dịch vụ ký hợp đồng với đơn vị này; sử dụng kinh phí bảo trì như thế nào và một số nội quy riêng của chung cư”, ông Nguyễn Mạnh Khởi nhấn mạnh.

Hội nghị cũng đã tiếp nhận và giải đáp hơn 105 câu hỏi của doanh nghiệp liên quan đến các vấn đề về vướng mắc của Ban quản trị, Đơn vị quản lý vận hành chung cư trong việc quản lý sử dụng, vận hành; các vướng mắc trong thực hiện vai trò trách nhiệm của Chủ đầu tư bảo trì, bảo hành, bàn giao kinh phí; thực hiện hợp đồng dịch vụ; xây dựng, cơi nới trong Chung cư...

Đồng thời Thanh tra Bộ Xây dựng, Cục Quản lý nhà và Thị trường bất động sản - Bộ Xây dựng đã cùng Sở Xây dựng và các Sở ngành liên quan trao đổi tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc cho các doanh nghiệp phát triển nhà Chung cư, doanh nghiệp quản lý vận hành, giải đáp những nội dung trao đổi của Ban Quản trị Chung cư trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh.

Nguồn: Phòng Thông tin ITPC