Indonesia đánh dấu kỷ nguyên số với Nhà kho thông minh 5G đầu tiên

Với bối cảnh nhiều quốc gia lâm vào khủng hoảng, Indonesia nhận định vai trò của nền kinh tế kỹ thuật số trong việc thúc đẩy phát triển bền vững là rất quan trọng. “Tầm nhìn vàng 2045” của Indonesia nhấn mạnh mục tiêu áp dụng một số công nghệ nhằm nâng cao năng suất, khả năng cạnh tranh và phục hồi ở tất cả lĩnh vực, theo CIO.

Nền kinh tế số Indonesia được dự đoán tiếp tục bùng nổ, tăng gấp 8 lần lên mức 291 tỷ USD vào năm 2030. Theo Cục Quản lý Thương mại Quốc tế, thương mại điện tử là lĩnh vực cốt lõi giúp nền kinh tế kỹ thuật số nước này phát triển. 

Doanh thu dịch vụ số của xứ sở vạn đảo năm 2022 đạt khoảng 51,9 tỷ USD, dự kiến sẽ tăng từ 52,93 tỷ USD năm 2023 lên 86,81 tỷ USD năm 2028. Được biết, Indonesia đang nắm giữ 40% tổng giá trị nền kinh tế số ASEAN.

Vị trí chiến lược của Indonesia trong ASEAN càng khẳng định tầm quan trọng đối với nỗ lực phát triển 5G. Là nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á, Indonesia trở thành lá cờ tiên phong thúc đẩy quá trình hội nhập kinh tế và xu hướng chuyển đổi số khu vực. Thông qua nỗ lực triển khai 5G, Indonesia không chỉ nâng cao khả năng kỹ thuật số mà còn tạo tiền lệ, khuyến khích các quốc gia đổi mới - sáng tạo.

Tinh vi, hiệu quả và thân thiện với môi trường - đó là những mô tả về ưu điểm công nghệ 5G của ông Ismail, Cục trưởng Cục Quản lý Tài nguyên & Bưu chính và Công nghệ Thông tin, Bộ Công nghệ Thông tin Indonesia, trong lễ khánh thành Nhà kho 5G tại Tây Cikarang, Tây Java.

"Sự hiện diện của Nhà kho thông minh 5G như một hồi chuông kêu gọi toàn bộ ngành nghề, lĩnh vực tích hợp công nghệ 5G trong quá trình số hóa. Bước tiến mang đến nhiều giải pháp đột phá không chỉ riêng cho logistics mà còn tại hầu hết nền công nghiệp", ông Ismail kêu gọi.

MỤC TIÊU TRỞ THÀNH NỀN KINH TẾ THỨ 4 THẾ GIỚI

Đây là tín hiệu tích cực đối với Indonesia, quốc gia được dự đoán sẽ trở thành nền kinh tế lớn thứ 4 thế giới vào năm 2045 với tổng sản phẩm quốc nội (GDP) đạt 9,8 nghìn tỷ USD. Để hiện thực hóa “Tầm nhìn vàng 2045”, Indonesia cần đẩy nhanh quá trình phát triển hạ tầng số. Và rõ ràng, kết nối 5G là nền tảng khởi đầu giúp gia tăng khả năng hiện đại hoá cơ sở hạ tầng kỹ thuật số của một quốc gia.

Bằng chứng cụ thể cho thành công triển khai 5G ở một số ngành công nghiệp sản xuất thông minh phải kể đến Thái Lan. Nhà cung cấp hàng đầu về công nghệ robot và tự động hóa công nghiệp Siasun đã hợp tác cùng Huawei nhằm hỗ trợ các ngành công nghiệp như chăm sóc sức khỏe, hậu cần, sản xuất, khai thác mỏ, dầu khí và cảng. Nỗ lực chung giữa hai công ty đã đưa AGV (xe tự hành trong nhà máy, kho hàng), ASRS (hệ thống lưu trữ và truy xuất tự động kho), hệ thống robot Siasun và công nghệ ICT 5G của Huawei đi vào vận hành.

Một nhân viên đang làm việc trong Nhà kho 5G. 

Một nhân viên đang làm việc trong Nhà kho 5G. 

Theo thống kê nhân khẩu học đầy hứa hẹn tại Indonesia và tốc độ phát triển mạnh mẽ của ngành bán lẻ hay thương mại điện tử, lĩnh vực hậu cần dự kiến sẽ tiếp tục tăng trưởng nhanh chóng. 

Nhà kho 5G là minh chứng điển hình cách công nghệ 5G hỗ trợ cải thiện chất lượng nhiều ngành công nghiệp khác nhau, không chỉ giới hạn trong lĩnh vực hậu cần. Ngoài ra, công nghệ còn ảnh hưởng tích cực đến chủ doanh nghiệp và người lao động.

CÔNG NGHỆ THÔNG MINH TRONG NHÀ KHO THÔNG MINH

Công nghệ BTS (trạm thu phát sóng di động) 5G của Huawei hỗ trợ tất cả hoạt động kinh doanh trong kho thông minh. Trạm chỉ tiêu thụ 5 watt công suất điện, tương đương với một bóng đèn tiết kiệm năng lượng hiện nay. Mức tiêu thụ điện năng thấp giúp công nghệ mới có tiềm năng trở thành giải pháp bền vững trong tương lai.

Ông Guo Hailong, Giám đốc Điều hành Huawei Indonesia, khẳng định cam kết của Tập đoàn trong nỗ lực hỗ trợ chính phủ và các công ty khai mở cơ hội số hoá ở quốc gia vạn đảo.

"Tại Hội nghị thượng đỉnh 5G Solo năm ngoái, cùng với một số đối tác trong ngành, chúng tôi cam kết thúc đẩy hệ sinh thái 5G. Nhà kho 5G là minh chứng giá trị mà công nghệ 5G có thể mang lại cho các ngành công nghiệp truyền thống ở Indonesia", vị CEO bày tỏ.

Là một phần của TelkomGroup, Telkomsel Enterprise cung cấp kết nối băng thông rộng 5G, thuận tiện cho quá trình giao tiếp nhanh chóng, chính xác giữa nhân viên và xe tự hành (AGV), đảm bảo hàng hóa trong kho di chuyển hiệu quả. Ngoài ra, Telkomsel Enterprise còn tiết lộ hệ thống an ninh thông minh, trang bị cảm biến video và cảm biến hồng ngoại giúp duy trì an ninh kho.

Ông Indra Mardiatna, Giám đốc Mạng lưới tại Telkomsel, nhận định: "Telkomsel tự tin việc triển khai Nhà kho thông minh 5G cùng một số giải pháp từ Trung tâm đổi mới 5G sẽ mở ra kỷ nguyên mới, hỗ trợ doanh nghiệp trong lĩnh vực hậu cần, đặc biệt nâng cao kỹ năng quản lý và gia tăng hiệu quả hoạt động hệ thống kho".

Nhà kho mới tận dụng các công nghệ tiên tiến như Internet vạn vật và dữ liệu lớn, đơn giản hóa hoạt động, tăng cường an toàn, ngăn ngừa lỗi của con người, giảm mức tiêu thụ năng lượng và giảm thiểu tổn thất do tai nạn tiềm ẩn. Nhân viên kho có thể hướng dẫn các phương tiện robot dẫn đường tự động vận chuyển hàng hóa nhanh chóng đến điểm được chỉ định.

Người quản lý kho cũng có thể tận dụng bản sao kỹ thuật số và phân tích dữ liệu thời gian thực để tối ưu hóa việc quản lý hàng tồn và ngăn ngừa tình trạng hết hàng. Theo đó, công nghệ giúp tiết kiệm thời gian và cải thiện hiệu quả xử lý đơn hàng lên 25%.

THÀNH QUẢ XỨNG ĐÁNG CHO VÔ VÀN NỖ LỰC

Không có gì đáng ngạc nhiên khi suốt ba năm qua, làn sóng triển khai công nghệ 5G trên toàn cầu nhanh hơn gấp ba lần so với công nghệ 4G. Ngày nay, việc áp dụng mạng 5G đã chuyển từ trạng thái thử nghiệm sang triển khai thương mại với lượng người dùng toàn cầu đạt 700 triệu người, tăng hơn 200% cùng kỳ năm ngoái.

Với nỗ lực tiên phong triển khai 5G, quốc gia vạn đảo đã sẵn sàng “nếm những trái ngọt đầu tiên” từ xã hội có kết nối tiên tiến và trao quyền số hoá. Sự xuất hiện của nhà kho 5G là quyết tâm của cả hệ sinh thái kỹ thuật số tại Indonesia, thuyết phục công chúng và chính phủ về công nghệ hữu ích như thế nào trong xã hội 5.0.

Nguồn: TBKTVN