Khơi nguồn lực tài chính, nhân rộng sáng kiến kinh tế tuần hoàn

Một số mô hình kinh doanh theo hướng tuần hoàn như: VAC (vườn - ao - chuồng), VACR (vườn - ao - chuồng - rừng) khép kín quen thuộc với người nông dân Việt Nam từ lâu. Gần đây, những thành quả ban đầu từ các mô hình mới trong kinh tế tuần hoàn tại nhiều lĩnh vực được đánh giá tích cực.

NHIỀU RÀO CẢN PHÁP LÝ, TÀI CHÍNH

Nổi bật trong lĩnh vực nông nghiệp là mô hình nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp hữu cơ, mô hình chăn nuôi an toàn sinh học 4F của Tập đoàn Quế Lâm; mô hình bioaquatic (lúa - cá; lúa - tôm); trong lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo, khu công nghiệp Nam Cầu Kiền tại Thủy Nguyên (Hải Phòng) được hồi sinh nhờ chuyển sang mô hình sinh thái; hay ứng dụng công nghệ chế biến một số sản phẩm trước đây là phế phẩm như viên nén gỗ…

Trong năng lượng, nhiều dự án phát triển điện mặt trời, điện gió, điện sinh khối; hình thành cơ sở phát điện từ rác; xây dựng các hầm bioga nhằm xử lý chất thải và cung cấp năng lượng được triển khai. Dù vậy, theo một nghiên cứu của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), mức độ áp dụng kinh doanh tuần hoàn tại các doanh nghiệp vẫn tương đối thấp.

Sau một thời gian dài phát triển dựa vào các nguồn tài nguyên, lao động giá rẻ, Việt Nam đạt được nhiều thành tựu về phát triển kinh tế - xã hội nhưng cũng phải đối diện với nguy cơ cạn kiệt tài nguyên, ô nhiễm môi trường và biến đổi khí hậu.

Theo dự báo của Ngân hàng Thế giới (WB), nằm trong số 10 quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi ô nhiễm, Việt Nam sẽ mất đi khoảng 3,5% GDP vào năm 2035.

Do đó, nhiều chuyên gia cho rằng kinh tế tuần hoàn biến rác thải đầu ra của ngành này thành nguồn tài nguyên đầu vào của ngành khác, hay tuần hoàn trong nội tại bản thân của một doanh nghiệp sẽ là mô hình kinh tế phát triển tất yếu trên thế giới, hướng tới phát triển bền vững.

Tuy nhiên, theo đánh giá, việc triển khai mô hình kinh tế tuần hoàn của Việt Nam còn gặp nhiều khó khăn, bởi các mô hình ở Việt Nam chỉ mới ở bước đi ban đầu, chưa phổ biến do hành lang pháp lý cho kinh tế tuần hoàn chưa hoàn thiện, nhận thức của chính quyền, doanh nghiệp, người tiêu dùng còn nhiều hạn chế.

Hiện vẫn thiếu cơ chế chính sách thúc đẩy mô hình kinh tế tuần hoàn như quy định trách nhiệm của doanh nghiệp về thu hồi, phục hồi tài nguyên từ các sản phẩm đã sử dụng; vắng bóng các công cụ như thuế tài nguyên, phí bảo vệ môi trường; chính sách khuyến khích ưu đãi chưa rõ ràng để khuyến khích kinh tế tuần hoàn phát triển.

TÌM NGUỒN TÀI CHÍNH XANH

Với doanh nghiệp, do phát triển kinh tế tuần hoàn đi liền với đổi mới và áp dụng công nghệ hiện đại, doanh nghiệp phải mua sắm máy móc, thiết bị mới theo tiêu chuẩn tiết kiệm năng lượng hoặc sử dụng nguyên liệu sạch, trong khi đó, năng lực tài chính hạn chế. Đây là trở ngại lớn trong quá trình chuyển đổi.

Theo giới chuyên gia, kinh tế tuần hoàn và tài chính xanh cần được coi là một trọng tâm để hiện thực hóa Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2050. Tuy nhiên, nguồn lực tài chính huy động để thực hiện chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh vẫn còn thấp so với nhu cầu thực tế.

Theo tính toán của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, giai đoạn 2016 - 2021, Việt Nam cần khoảng 60 tỷ USD để thực hiện Chương trình mục tiêu về biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh nhưng kế hoạch đầu tư công trung hạn chỉ đáp ứng khoảng 26 tỷ USD. Do đó, để thực hiện chiến lược, thời gian tới phải tìm thêm nguồn vốn từ các kênh khác. 

Trong bài nghiên cứu gần đây, PGS.TS. Bùi Quang Tuấn, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, cho biết có ba con đường tiềm năng để đáp ứng các nhu cầu tài chính xanh.

Một, dồn lực theo đuổi các nỗ lực khuyến khích đầu tư tư nhân, cả vào công nghệ mới và cơ sở hạ tầng có khả năng chống chịu hơn.

Hai, tăng tài trợ từ ngân sách bằng cách nâng cao nguồn thu bổ sung thông qua thuế carbon và/hoặc bằng cách đi vay ở các thị trường trong và ngoài nước, trong giới hạn cần thiết để tránh gánh nặng nợ cho Chính phủ trong tương lai.

Ba, huy động thêm nguồn thu từ các nguồn tài chính quốc tế, bao gồm các tổ chức đầu tư và các nhà tài trợ đa phương và song phương, đồng thời khai thác FDI và kiều hối...

Nguồn: TBKTVN