Không thu hẹp đối tượng được sở hữu nhà ở tại Việt Nam để khuyến khích đầu tư

Cho biết dự kiến báo cáo Chính phủ rà soát để báo cáo Quốc hội trong quá trình hoàn thiện Dự thảo Luật Nhà ở sửa đổi (Dự thảo) nhiều vấn đề đại biểu nêu, riêng đối tượng được sở hữu nhà ở tại Việt Nam Ban soạn thảo cho rằng không nên thu hẹp.

Dự kiến tiếp thu nhiều góp ý

Phục vụ phiên thảo luận toàn thể về Dự thảo vào sáng 19/6 tới, Bộ Xây dựng - cơ quan chủ trỉ soạn thảo đã có báo cáo dự kiến tiếp thu, giải trình bước đầu ý kiến thảo luận tại tổ hôm 5/6 về Dự thảo.

Liên quan đến 14 nhóm ý kiến về sở hữu nhà ở tại Việt Nam của tổ chức, cá nhân nước ngoài , khá nhiều nội dung Bộ Xây dựng cho biết, dự kiến báo cáo Chính phủ để báo cáo Quốc hội cho phép tiếp thu trong quá trình hoàn thiện dự thảo Luật.

Như, công bố công khai các khu vực cần bảo đảm quốc phòng, an ninh để tránh vi phạm trong việc mua, bán nhà ở; giao Chính phủ thông báo các khu vực cần bảo đảm quốc phòng, an ninh để UBND cấp tỉnh xác định cụ thể danh mục dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại, dự án khu đô thị có nhà ở trên địa bàn cho phép tổ chức, cá nhân nước ngoài được mua và sở hữu nhà ở. 

Quy định rõ trong dự thảo về quyền sở hữu nhà ở của cá nhân nước ngoài không gắn với quyền sử dụng đất, phù hợp với quy định tại Điều 5 của dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). R soát tính thống nhất giữa quy định về sở hữu nhà ở tại Việt Nam của tổ chức, cá nhân nước ngoài tại điểm c khoản 1 Điều 19 của dự thảo Luật với quy định tại khoản 5 Điều 5 Luật Đất đai 2013.

Làm rõ quyền sở hữu nhà ở của cá nhân nước ngoài có gắn với quyền sử dụng đất hay không? Trường hợp cá nhân nước ngoài mua nhà ở tại Việt Nam và không gắn với quyền sử dụng đất, sau đó bán lại cho công dân Việt Nam thì quyền sử dụng đất của căn nhà đó sẽ được xử lý thế nào để bảo đảm quyền lợi của công dân Việt Nam?.

Hay, đề nghị chỉnh lý theo hướng: tổ chức, cá nhân nước ngoài chỉ được sở hữu nhà ở là căn hộ chung cư tại các dự án xây dựng nhà ở thương mại thuộc khu vực được phép sở hữu, không quy định được phép sở hữu nhà riêng lẻ để phù hợp với quy định của pháp luật về đất đai.

Không cần thiết thông qua tổ chức trung gian 

Một số ý kiến khác được cơ quan soạn thảo giải trình.

Thảo luận tổ, đại biểu đề nghị rất thận trọng với quy định cho phép người nước ngoài sở hữu nhà ở. Cần quy định chặt chẽ điều kiện “Được phép nhập cảnh vào Việt Nam” đối với cá nhân nước ngoài được sở hữu nhà ở tại Việt Nam và bảo đảm thống nhất với quy định của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam, Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam.

Cơ quan chủ trì soạn thảo hồi âm, quy định về việc cho phép người nước ngoài mua và sở hữu nhà ở tại Việt Nam không phải là quy định mới mà được kế thừa từ Nghị quyết số 19/2008/QH12, Luật Nhà ở 2014 hiện hành và nay tiếp tục quy định tại dự thảo.

Theo báo cáo của các địa phương thì kể từ khi thực hiện Luật Nhà ở 2014 cho đến nay, trên phạm vi cả nước đã có 3.533 tổ chức, cá nhân nước ngoài (trong đó có 236 tổ chức, 3.197 cá nhân) đã mua và sở hữu nhà ở tại Việt Nam, tập trung chủ yếu tại các tỉnh, thành phố lớn như: Hà Nội, TP.HCM, Bắc Ninh, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu... Số lượng người nước ngoài sở hữu cũng đa dạng gồm nhiều quốc tịch như Hàn Quốc, Trung Quốc, Singapore, Mỹ, Úc, Nhật Bản, Malaysia…

Như vậy, theo cơ quan chủ trì soạn thảo, về cơ bản, việc thực hiện chính sách này vẫn được thực hiện thông suốt trên thực tế, cơ quan cấp Giấy chứng nhận vẫn thực hiện cấp Giấy chứng nhận cho tổ chức, cá nhân nước ngoài được phép mua nhà ở tại các dự án theo quy định.

Về điều kiện được mua và sở hữu nhà ở, dự thảo đã quy định rõ là phải được phép nhập cảnh vào Việt Nam; đồng thời, người nước ngoài vẫn phải tuân thủ đúng các quy định về lưu trú, nhập cảnh vào Việt Nam theo Luật Xuất nhập cảnh và lưu trú, quá cảnh.

Với đề nghị nên quy định điều kiện tổ chức, cá nhân nước ngoài được mua nhà ở Việt Nam là phải có đầu tư tại Việt Nam và phải là người nước ngoài có quốc tịch Việt Nam, Bộ Xây dựng cho rằng, dự thảo Luật đã quy định rõ các đối tượng được mua và sở hữu nhà ở tại Việt Nam, trong đó có trường hợp đối tượng là tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài đầu tư xây dựng nhà ở tại Việt Nam hoặc đang hoạt động tại Việt Nam. Quy định này nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người nước ngoài sinh sống và đầu tư làm việc tại Việt Nam.

“Đối với ý kiến đề nghị quy định phải là người nước ngoài có quốc tịch Việt Nam mới được sở hữu nhà ở, cơ quan chủ trì soạn thảo nhận thấy, đây là chính sách nhằm khuyến khích thu hút đầu tư nước ngoài, đồng thời phù hợp với chủ trương hội nhập quốc tế, do đó, cần thiết quy định như dự thảo chứ không nên thu hẹp phạm vi đối tượng. Do đó, đề nghị  giữ nguyên như dự thảo”, Bộ Xây dựng nêu quan điểm.

Về đề xuất bổ sung quy định người nước ngoài phải mua  nhà thông qua tổ chức trung gian , theo Bộ Xây dựng là không cần thiết, vì Luật hiện hành cũng như dự thảo cũng đã có các quy định chặt chẽ về điều kiện được mua nhà ở của đối tượng này.

Gồm: chỉ được phép mua nhà ở trong dự án nhà ở thương mại,dự án này phải nằm trong khu vực được phép bảo đảm không ảnh hưởng đến an ninh quốc phòng, số lượng sở hữu không vượt quá 30% căn hộ trong một tòa nhà hoặc không quá 250 căn nhà ở riêng lẻ trong dự án.

Đối với thời hạn sở hữu nhà ở, dự thảo Luật cũng đã quy định rõ cá nhân nước ngoài chỉ được sở hữu không quá 50 năm.

Có ý kiến cho rằng quy định về số lượng nhà ở mà tổ chức, cá nhân nước ngoài được sở hữu tại Việt Nam vừa theo tỷ lệ % vừa theo số lượng là chưa thống nhất về kỹ thuật lập pháp. Cần làm rõ cơ sở đưa ra số lượng nhà ở mà tổ chức, cá nhân nước ngoài được sở hữu tại Việt Nam.

Bộ Xây dựng giải thích, quy định tại dự thảo về tỷ lệ, số lượng nhà ở được phép sở hữu không phải là quy định mới, đây là quy định được kế thừa Luật hiện hành và phù hợp với thông lệ quốc tế, trong quá trình thực hiện cũng không có phát sinh vướng mắc.

Nguồn: Báo Đầu tư