Lĩnh vực bán lẻ sẽ "nhộn nhịp" hơn?

Bán lẻ là ngành kinh doanh bán hàng tiêu dùng hoặc cung cấp dịch vụ cho khách hàng thông qua nhiều kênh phân phối. Số liệu từ Công ty Chứng khoán Shinhan, bán lẻ là một trong những ngành quan trọng của Việt Nam; có quy mô thị trường đạt gần 200 tỉ USD năm 2022, đóng góp gần 50% vào GDP cả nước.

 

Ngành bán lẻ là ngành kinh doanh bán hàng tiêu dùng hoặc cung cấp dịch vụ cho khách hàng thông qua nhiều kênh phân phối nhằm kiếm lợi nhuận; trải dài ở nhiều ngành khác nhau như thực phẩm, xe cơ giới,may mặc và điện tử.

Một số loại hàng hóa, dịch vụ do nhà bán lẻ cung cấp: Hàng hóa mềm, hàng hóa cứng (sản phẩm công nghệ thông tin), tạp hóa và cửa hàng tiện lợi (hàng tiêu dùng), dịch vụ lưu trú, du lịch, F&B và các hàng hóa đặc biệt khác. 

Một số kênh phân phối bán lẻ: Cửa hàng truyền thống/hiện đại, bán lẻ theo danh mục catalog, bán hàng online. “Tăng trưởng doanh thu ngành bán lẻ kỳ vọng đạt 12-14% so với cùng kỳ trong các năm tới. Các động lực thúc đẩy ngành bán lẻ: Nền kinh tế phục hồi và ổn định; thu nhập người dân cải thiện cùng tỷ lệ đô thị hóa tăng; tiềm năng tăng trưởng của kênh thương mại điện tử và ngành dược phẩm bán lẻ”, Chứng khoán Shinhan nhận định. 

Số liệu từ Tổng cục Thống kê Việt Nam, khách quốc tế đến Việt Nam tháng 10/2023 đạt 1,1 triệu lượt người, tăng 5,5% so với tháng trước và gấp 2,3 lần cùng kỳ năm trước. Tính chung 10 tháng năm 2023, khách quốc tế đến nước ta đạt gần 10 triệu lượt người, gấp 4,2 lần cùng kỳ năm trước nhưng vẫn chỉ bằng 69% so với cùng kỳ năm 2019, năm chưa xảy ra dịch COVID-19.

 

Công ty Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV) cho biết, họ kỳ vọng ngành dịch vụ nhà hàng và du lịch sẽ tiếp tục sôi động. Ngành du lịch vẫn chưa hoàn toàn phục hồi so với khi chưa xảy ra dịch COVID-19, do vậy còn nhiều dư địa để bứt phá trong thời gian tới.

“Chúng tôi cho rằng các chính sách kích cầu tiêu dùng của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước (như giảm thuế VAT, tăng lương cơ bản, hạ lãi suất điều hành) sẽ thẩm thấu và phát huy tác dụng vào thời điểm quý IV/ 2023. Nhờ đó, lĩnh vực bán lẻ được kỳ vọng sẽ bứt phá mạnh mẽ hơn và trở thành một trong những động lực tăng trưởng của nền kinh tế”, KBSV nhận định. 

Ngoài ra, Chính phủ đang không ngừng đẩy mạnh hỗ trợ doanh nghiệp và kích cầu tiêu dùng bằng các biện pháp tài khóa: giảm một số loại thuế, phí; tăng lương cơ bản; thông tư hỗ trợ thị trường bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp... Bên cạnh đó, việc Ngân hàng Nhà nước duy trì nới lỏng tiền tệ đã làm cho lãi suất huy động và cho vay hạ nhiệt tương đối so với thời điểm đầu năm. Theo đó, tăng trưởng tín dụng tăng tốc trong quý III, đạt mức 6,92% kể từ đầu năm đến nay vào cuối tháng 9. 

Với việc tác động từ chính sách tiền tệ và tài khoá thường có độ trễ, KBSV kỳ vọng quý IV sẽ là thời điểm nền kinh tế phản ánh rõ nét hơn so với các quý trước các ảnh hưởng tích cực của các chính sách hỗ trợ.

Nguồn: Nhipcaudautu