Logistic xanh - từ xu hướng đến thực tiễn và vai trò trong sản xuất - xuất khẩu thực phẩm
Ngày 28/6/2023, trong khuôn khổ Triển lãm Quốc tế ngành Lương thực thực phẩm Thành phố Hồ Chí Minh 2023 (HCMC FOODEX 2023), Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư Thành phố Hồ Chí Minh (ITPC) phối hợp với Công ty CP Greensys tổ chức Hội thảo “Logistics xanh - Từ xu hướng đến thực tiễn và vai trò trong sản xuất - xuất khẩu thực phẩm”. Chương trình nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất, các nhà quản lý ngành vận tải, lãnh đạo các sở ban ngành về vai trò quan trọng của Logistic xanh đối với ngành công nghiệp thực phẩm tại Việt Nam và nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp ngành vận tải và ngành công nghiệp thực phẩm để đạt mục tiêu phát triển bền vững cho doanh nghiệp và cộng đồng.
Chương trình có sự tham dự của các đại biểu: ông Nguyễn Tuấn - Phó Giám đốc ITPC; TS Tôn Thất Tú - Chuyên gia Tư Vấn Quốc Tế; bà Diệp Nguyễn - Giám đốc điều hành Công Ty CP GreenSys; ông Ngô Quang Trung - Giám đốc các hệ thống vận hành và Công nghệ thông tin - Công ty Lineage Logistics Vietnam; ông Trần Việt Huy - Tổng Giám đốc Công Ty Cổ Phần Vận Tải Và Dịch Vụ Hàng Hải (TRA-SAS) - Đại diện Hiệp hội Logistics Việt Nam và ông Mỵ Duy Thành - Chuyên gia cấp cao - Bureau Veritas Việt Nam cùng với sự hiện diện của 100 doanh nghiệp.
Năm 2023, ngành logistics phải đối mặt với những khó khăn do ảnh hưởng của áp lực lạm phát và rủi ro suy thoái kinh tế của các nền kinh tế lớn. Chuỗi cung ứng toàn cầu đứt gãy,… tác động mạnh mẽ đến tình hình xuất nhập khẩu và hoạt động logistics. Bên cạnh đó, xu hướng xanh hóa hoạt động thương mại, xanh hoá logistics… dần trở thành yêu cầu tất yếu, tạo ra tiêu chuẩn cao hơn, đồng nghĩa với việc thêm chi phí nhiều hơn cho hoạt động thương mại và logistics. Tình hình kinh tế - xã hội Thành phố trong tháng 5 có một số điểm tích cực như chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) ước tính tăng 1,5% so với tháng trước và tăng 5,5% so với cùng kỳ; tính chung 5 tháng đầu năm 2023 chỉ số IIP trên địa Thành phố tăng 1,6% so với cùng kỳ. Trong đó, logistics là một trong những ngành kinh doanh quan trọng nhất của Việt Nam. Đây là lĩnh vực đóng góp vào sự phát triển của kinh tế quốc gia thông qua việc cung cấp dịch vụ vận chuyển hàng hóa và quản lý chuỗi cung ứng.
Hiện nhu cầu sử dụng logistics doanh nghiệp trong nước được xác định cụ thể là vận tải đường biển chiếm 68%, đường bộ 50%, đa phương thức 28% và hàng không, đường sắt, đường thủy nội địa đồng tỷ lệ là 8%.
Nghị quyết số 163/NQ-CP của Chính phủ nêu rõ: Mục tiêu là biến dịch vụ hậu cần thành một ngành dịch vụ có giá trị cao và liên kết sự phát triển của chúng với thương mại địa phương và quốc tế, sản xuất hàng hóa và cơ sở hạ tầng cho giao thông vận tải, tăng cường kết nối để đưa Việt Nam trở thành trung tâm logistics quan trọng trong khu vực; phát triển logistics gắn với chuỗi cung ứng bền vững; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; thúc đẩy chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ; mở rộng thị trường dịch vụ logistics; tập trung nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp dịch vụ logistics. Với ngành công nghiệp thực phẩm tại Việt Nam, logistics xanh đóng một vai trò quan trọng giúp đảm bảo việc vận chuyển sản phẩm thực phẩm hiệu quả và bền vững, đồng thời giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường.
Các ý kiến tại hội thảo cho rằng, để phát huy tác dụng của logistics xanh thì các doanh nghiệp sản xuất cần thực hiện việc chuyển đổi số, áp dụng các công nghệ mới như tự động hóa kho, hệ thống quản lý vận tải và trao đổi dữ liệu điện tử (EDI) để cải thiện hiệu quả và độ chính xác của hoạt động vận tải hàng hóa cũng như chuỗi cung ứng mà vẫn tối ưu về chi phí và đề xuất Chính phủ cần cải thiện môi trường đầu tư, thuận lợi hoá hoạt động cấp phép cho doanh nghiệp đầu tư. Quan trọng nhất là Chính phủ gia tăng đầu tư vào cải thiện cơ sở hạ tầng giao thông như đường bộ, đường sắt, sân bay và cảng để tạo điều kiện cho việc vận chuyển hàng hóa trên toàn quốc và góp phần gia tăng năng lực cho hoạt động xuất khẩu.
Nguồn: Phòng Thông tin ITPC