Lợi thế lớn trong thu hút đầu tư nước ngoài của Việt Nam

Điều này không chỉ được khẳng định thông qua các chuyến viếng thăm gần đây để tìm kiếm các cơ hội đầu tư, kinh doanh của các tập đoàn toàn cầu, mà còn ở những cơ hội lớn đang được mở ra thông qua các hợp tác song phương và đa phương giữa Việt Nam và các nền kinh tế lớn trên thế giới.

Tháng 9/2023, Việt Nam và Hoa Kỳ nâng cấp quan hệ lên Đối tác chiến lược toàn diện. Tháng 11/2023, Việt Nam và Nhật Bản chính thức nâng tầm quan hệ lên Đối tác chiến lược toàn diện vì hòa bình và thịnh vượng tại châu Á và trên thế giới.

Và mới đây, nhân chuyến thăm Việt Nam của Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, Việt Nam và Trung Quốc cũng thống nhất tiếp tục làm sâu sắc và nâng tầm quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện, xây dựng cộng đồng chia sẻ tương lai Việt Nam - Trung Quốc có ý nghĩa chiến lược.

Cùng với các quan hệ song phương được nâng tầm, các chuyến thăm cấp cao liên tục được tổ chức trong thời gian qua, mở ra không gian phát triển mới, cơ hội hợp tác mới giữa Việt Nam và các quốc gia, trong đó có hợp tác thương mại, đầu tư...

Chỉ đơn cử trong chuyến công du Nhật Bản mới đây của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tham dự Hội nghị Cấp cao kỷ niệm 50 năm quan hệ ASEAN - Nhật Bản và tiến hành các hoạt động song phương, hàng loạt thỏa thuận hợp tác đã được ký kết. Nhiều cam kết hỗ trợ, thúc đẩy, đồng hành trong quá trình phát triển của nhau cũng được đưa ra.

Đó không chỉ là giấy chứng nhận đăng ký được trao cho liên danh 3 nhà đầu tư, trong đó có hai nhà đầu tư Nhật Bản, để triển khai dự án điện khí gần 2 tỷ USD ở Thái Bình, mà còn là thỏa thuận hợp tác đầu tư giữa AEON và TP. Cần Thơ, Sumitomo với Hưng Yên, hay Sun Group với Tập đoàn Taisei và Well Group...

Đó còn là các cam kết sẽ tháo gỡ khó khăn cho các dự án mà nhà đầu tư Nhật Bản đang triển khai như Lọc hóa dầu Nghi Sơn, các dự án khí, điện khí Lô B - Ô Môn...

Và còn cả lời kêu gọi các tập đoàn hãy tiếp tục đến đầu tư tại Việt Nam. Cùng với đó là cam kết tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp đến đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam.

Thông điệp là rất rõ ràng, nên các tập đoàn luôn đánh giá cao tiềm năng của điểm đến Việt Nam. Những mối quan tâm đã được khẳng định. Các cam kết cũng được đưa ra, rằng Việt Nam luôn là ưu tiên hàng đầu khi họ đưa ra quyết định đầu tư...

Trong kết quả khảo sát vừa được Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO) công bố cách đây ít ngày, bất chấp tình hình còn nhiều khó khăn, có tới 56,7% doanh nghiệp Nhật Bản đang hoạt động tại Việt Nam chọn sẽ mở rộng kinh doanh trong 1-2 năm tới.

Và mới đây, cùng với việc nâng xếp hạng tín nhiệm quốc gia dài hạn của Việt Nam lên mức BB+, triển vọng “Ổn định”, Fitch Ratings một lần nữa nhấn mạnh rằng, Việt Nam đang có lợi thế thu hút dòng vốn đầu tư nước ngoài nhờ triển vọng kinh tế tích cực, cũng như lợi thế về thương mại thông qua hệ thống các hiệp định thương mại tự do. Và rằng, việc dịch chuyển chuỗi cung ứng, chuỗi sản xuất toàn cầu gắn với công nghệ đang diễn biến nhanh hơn trong bối cảnh thế giới nhiều biến động càng khiến Việt Nam trở nên hấp dẫn hơn với các nhà đầu tư.

Không chỉ là lợi thế, Việt Nam đã thật sự nỗ lực, vô cùng nỗ lực trong thời gian qua, vừa cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, cải cách thể chế, chính sách, vừa từng bước hoàn thiện kết cấu hạ tầng, chuẩn bị sẵn sàng về các điều kiện như đất đai, điện nước, nhân lực..., để đáp ứng nhu cầu của nhà đầu tư.

Nỗ lực đã được đền đáp bằng con số hơn 20 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài đăng ký trong 11 tháng qua. Và con số lũy kế sau 35 năm thu hút đầu tư nước ngoài là hơn 455 tỷ USD, trong đó vốn giải ngân đạt gần 290 tỷ USD.

Đó là một thành tựu đáng ghi nhận. Nhưng vẫn còn những điểm yếu, vẫn còn nhiều điều phải cải cách và sẵn sàng, để Việt Nam có thể thành công hơn nữa trong thu hút đầu tư nước ngoài.

Nguồn: Báo Đầu tư