Nắm bắt các cơ hội mới trong thương mại điện tử
Thương mại điện tử Việt Nam đang trải qua giai đoạn 10 năm phát triển rực rỡ. Từ những ngày khái niệm "thương mại điện tử" còn khá xa lạ với người tiêu dùng thì trong những năm qua Việt Nam liên tục ghi nhận mức tăng trưởng vượt bậc ở mức 16- 30%/năm. Sang năm 2024 thương mại điện tử dự kiến tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng khoảng 18- 20%/năm. Dự báo doanh thu và sản lượng bán bán ra trên các sàn bán lẻ trực tuyến B2C Việt Nam tiếp tục tăng mạnh trong năm tới có thể đạt 650 nghìn tỷ đồng vào năm 2024.
TỐC ĐỘ TĂNG TRƯỞNG CAO NHẤT ĐÔNG NAM Á VỀ MUA SẮM ONLINE
Thương mại điện tử tiếp tục là phương thức mua bán hiện đại được doanh nghiệp và người tiêu dùng lựa chọn; đồng thời, là một trong những lĩnh vực tiên phong của nền kinh tế số. Theo Cục Thương mại điện tử và kinh tế số, năm 2023, quy mô thị trường thương mại điện tử bán lẻ Việt Nam dự kiến đạt 20,5 tỷ USD, tăng khoảng 4 tỷ USD (tương đương 25%) so với năm 2022.
Tốc độ tăng trưởng thương mại điện tử của Việt Nam được xếp vào nhóm 10 quốc gia có tốc độ tăng trưởng thương mại điện tử hàng đầu thế giới (tính đến tháng 12/2023, theo Statista). Có khoảng 61 triệu người dân tham gia mua sắm qua thương mại điện tử, đưa giá trị mua sắm trung bình của mỗi người dân đạt 300 USD/người/năm.
Theo báo cáo Nền kinh tế số Đông Nam Á lần thứ 8 của Google, Công ty Temasek và Công ty Bain & Company, thương mại điện tử ở Việt Nam tăng 11% từ năm 2022 đến 2023 và tốc độ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) kỳ vọng tăng 22% đến năm 2025, hướng đến mục tiêu tổng giá trị hàng hóa đạt 24 tỷ USD trong năm 2025.
Báo cáo toàn cảnh thị trường sàn bán lẻ trực tuyến năm 2023 và dự báo năm 2024 của Metric (nền tảng số liệu E-commerce) mới công bố cho thấy, doanh thu thương mại điện tử B2C năm 2023 đạt gần 500 nghìn tỷ đồng và dự báo năm 2024, con số này sẽ đạt khoảng gần 650 nghìn tỷ đồng.
Việt Nam là quốc gia có tốc độ tăng trưởng cao nhất trong khu vực Đông Nam Á về mua sắm trực tuyến. Dự báo doanh thu và sản lượng bán bán ra trên các sàn bán lẻ trực tuyến tiếp tục tăng mạnh trong năm tới có thể đạt hơn 310 nghìn tỷ đồng vào năm 2024, tăng trưởng 35% so với năm 2023.
Theo thống kê, tổng doanh thu 5 sàn thương mại điện tử lớn nhất tại Việt Nam (Shopee, Lazada, Tiki, Sendo, Tiktok Shop) năm 2023 cho thấy: có 2,2 tỷ đơn vị sản phẩm được giao thành công trên 5 sàn, tăng 52,3% so với năm trước. Đây là mức tăng trưởng mạnh nhất trong 3 năm trở lại đây. Hiện có 637.273 shop bán hàng trên các sàn thương mại điện tử Shopee, Lazada, Tiki, Sendo. Trong đó, những ngành hàng đứng đầu về doanh thu cũng như sản lượng bán là làm đẹp, nhà cửa - đời sống và thời trang nữ.
Tuy nhiên, năm 2023 chứng kiến sự sụt giảm của nhà bán so với năm 2022. Tổng số shop có phát sinh đơn hàng trên các sàn trên giảm 1,3%, tương đương khoảng 10.000 nhà bán, bất chấp sự xuất hiện và phát triển mạnh mẽ của những mô hình và nền tảng thương mại điện tử mới.
Nguyên nhân do nền kinh tế còn chưa ổn định, bất ổn địa chính trị, sự đứt gãy của chuỗi cung ứng toàn cầu, cạnh tranh ngày càng gay gắt,…), đặc biệt yếu tố chủ quan từ doanh nghiệp (lựa chọn sai thị trường mục tiêu, chạy theo sản phẩm xu hướng mà không có kế hoạch sản xuất/nhập hàng phù hợp,…).
NHỮNG XU HƯỚNG ĐỊNH HÌNH THƯƠNG MẠI ĐIỆN TỬ NĂM 2024
Năm 2023, sự phát triển mạnh mẽ của những hình thức mua sắm mới, điển hình là xu hướng livestream và bán hàng đa kênh, đã đem lại doanh thu khổng lồ cho những nhà bán hàng thương mại điện tử chuyên nghiệp. Một số nghiên cứu gần đây đã chỉ ra, thương mại điện tử sẽ chứng kiến những thay đổi xu hướng trong năm 2024 cũng như thời gian tới với sự phát triển mạnh mẽ của thương mại di động.
Bên cạnh đó, sự phát triển của thương mại xã hội đã và đang thay đổi cách con người khám phá, lựa chọn và mua sản phẩm trực tuyến. Năm 2024, thương mại xã hội dự kiến sẽ tiếp tục tăng trưởng và phát triển, mang đến những cơ hội mới để doanh nghiệp tiếp cận và thu hút khách hàng.
Theo nghiên cứu mới đây của Meta, có tới 45% người tiêu dùng thường xuyên mua sắm trên các nền tảng thương mại điện tử sau khi xem thông tin trên Facebook/Instagram, và 20% người tiêu dùng mua hàng trực tiếp trên Facebook. Ngoài ra, thời gian qua, ứng dụng các công nghệ mới như AI, thực tế tăng cường (AR) và thực tế ảo (VR), đã làm gia tăng trải nghiệm mua sắm trực tuyến, cá nhân hóa trải nghiệm khách hàng hoặc tối ưu hóa mua sắm thông qua tìm kiếm bằng giọng nói…
Theo một nghiên cứu mới đây của Meta, có tới 45% người tiêu dùng thường xuyên mua sắm trên các nền tảng thương mại điện tử sau khi xem thông tin trên Facebook/Instagram, và 20% người tiêu dùng mua hàng trực tiếp trên Facebook.
Ngoài ra, trong thời gian qua, việc ứng dụng các công nghệ mới như trí tuệ nhân tạo (AI), thực tế tăng cường (AR) và thực tế ảo (VR), đã làm gia tăng trải nghiệm mua sắm trực tuyến, cá nhân hóa trải nghiệm khách hàng hoặc tối ưu hóa mua sắm thông qua tìm kiếm bằng giọng nói…
Đồng thời video sẽ thống trị trải nghiệm mua sắm trực tuyến vào năm 2024, khi ngày càng nhiều thương hiệu tương tác với người mua bằng video. Đặc biệt, hoạt động mua sắm qua livestream đã thu hút được sự chú ý vì nó cung cấp cách thức tương tác theo thời gian thực để người tiêu dùng khám phá sản phẩm và mua hàng.
Trong năm 2024, bán lẻ đa kênh sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ hơn trong thương mại điện tử. Các nền tảng bán hàng đa kênh sẽ là công cụ hữu hiệu để doanh nghiệp tiếp cận cơ sở khách hàng rộng hơn và tăng doanh số bán hàng trong môi trường trực tuyến, cung cấp trải nghiệm mua sắm nhất quán trên nhiều kênh.
Nghiên cứu thực tế này, đại diện Sapo nhận xét: xu hướng mở rộng bán hàng đa kênh vẫn được thể hiện rõ rệt với 55,4% nhà bán hàng đang kinh doanh trên ít nhất hai kênh (cửa hàng và một số kênh online). Sàn thương mại điện tử tiếp tục là kênh bán hàng online được sử dụng nhiều nhất trong ngành bán lẻ. Điểm nhấn đặc biệt trong năm 2023 là các nhà bán hàng có xu hướng mở rộng thêm kênh TikTok Shop (tỷ lệ người kinh doanh bán chủ yếu trên kênh TikTok chiếm 5,9%, tăng nhẹ so với năm 2022).
“Bán hàng đa kênh được xác định là “cứu cánh” trong tình hình kinh tế nhiều biến động, giá thuê mặt bằng tại các thành phố lớn đang có sự trồi sụt thất thường, sự siết chặt quy định trên các sàn thương mại điện tử lớn, sự thay đổi về thuật toán trên các mạng xã hội ảnh hưởng đến quá trình tiếp thị, chào bán sản phẩm của ngành bán lẻ”, đại diện Sapo nhấn mạnh.
Trong năm 2024, đại diện Sapo cho biết xu hướng dự định phổ biến nhất trong ngành bán lẻ là các nhà bán hàng mở rộng kênh bán (29,37%) lên các kênh mạng xã hội như Facebook, Zalo (27,07%); tiếp sau đó là các sàn thương mại điện tử (21,96%) và TikTok Shop (20,66%).
KHAI THÁC CÁC CƠ HỘI MỚI, TĂNG THU HÚT KHÁCH HÀNG
Theo Sapo, việc mở rộng kênh bán, đưa sản phẩm lên nhiều nền tảng kinh doanh khác nhau, tận dụng sức mạnh của các kênh bán hàng trực tuyến và Shoppertainment & Edutainment- mua sắm tích hợp với trải nghiệm giải trí, sáng tạo nội dung số mang tính chất giáo dục đi kèm với tiếp thị sản phẩm sẽ là những xu hướng dẫn đầu ngành bán lẻ trong năm 2024.
Còn Metric nhận định, mua bán xuyên biên giới sẽ là xu hướng tất yếu của thị trường, đặc biệt là các gian hàng chính hãng từ Trung Quốc và Hàn Quốc ngày càng được quan tâm trên các sàn bán lẻ trực tuyến tại Việt Nam. Livestream và bán hàng đa kênh tiếp tục sẽ là trọng tâm nâng cao doanh thu cho nhà bán trong năm tới…
Ông Phạm Bảo Trung, Giám đốc kinh doanh Metric
Những tiến bộ công nghệ AI, Machine Learning và Big Data ngày càng phổ biến và dễ ứng dụng hơn cho cả doanh nghiệp có nguồn lực hạn chế. Nhiều doanh nghiệp có sự “lột xác” từ giao diện trên trang bán hàng trực tuyến; trải nghiệm mua hàng tinh tế, chính xác và an toàn hơn cho khách hàng; đến cách vận hành bán hàng, quản lý chuỗi cung ứng dựa trên dữ liệu thay vì đánh giá cảm tính.
Năm 2024 tiếp tục được dự báo sẽ là năm bùng nổ của thị trường nhưng điều đó không đồng nghĩa với việc cơ hội tăng trưởng dành cho tất cả doanh nghiệp.
Nếu như giai đoạn 2016- 2018, bất kỳ doanh nghiệp nào chuyển hướng lên sàn cũng dễ dàng có được lợi nhuận thì vài năm trở lại đây, khi các sàn mua sắm trực tuyến điều chỉnh luật chơi và người chơi cũng sành sỏi hơn, thì những doanh nghiệp trụ lại đều là người chơi có chiến lược bài bản, rõ ràng.
Theo các chuyên gia, thương mại điện tử là một ngành đang phát triển rất nhanh chóng và có nhiều tiềm năng. Để có thể thành công trong ngành này, doanh nghiệp cần nắm bắt và áp dụng các xu hướng mới nhất, cũng như tạo ra những giá trị độc đáo, khác biệt cho khách hàng. Việc bắt kịp các xu hướng sẽ là công cụ hiệu quả để hỗ trợ các hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.
Đại diện Metric nhấn mạnh tới 4 xu hướng tiếp tục phát triển trong năm nay, gồm: DCT- Direct to Consumer (trực tiếp đến người tiêu dùng); AI, Machine Learning và phân tích Big Data; tiêu dùng bền vững; sự gia tăng chi tiêu cho mua sắm online của thế hệ baby boomer.
Theo đó, khi xu hướng DCT trở nên phổ biến hơn, cuộc cạnh tranh giá sẽ càng khắc nghiệt hơn. Nhà sản xuất giờ đây có thể giao tận tay sản phẩm với mức giá “hời” nhất cho người tiêu dùng mà không phải tốn chi phí trung gian cho đại lý.
Ông Phạm Bảo Trung, Giám đốc kinh doanh Metric, cho rằng mặc dù là cơ hội mở rộng tệp khách hàng song cũng là cái “bẫy” khó nhằn khi nhà sản xuất cần cân đối và phân định các chính sách bán hàng hợp lý để giữ những kênh phân phối đại lý truyền thống, song song mở rộng kênh bán hàng trực tuyến- trực tiếp.
Thứ hai, những tiến bộ công nghệ như AI, Machine Learning và Big Data ngày càng phổ biến và dễ ứng dụng hơn cho cả những doanh nghiệp có nguồn lực hạn chế. Nhiều doanh nghiệp có sự “lột xác” từ giao diện trên trang bán hàng trực tuyến; trải nghiệm mua hàng tinh tế, chính xác và an toàn hơn dành cho khách hàng; cho đến cách vận hành bán hàng, quản lý chuỗi cung ứng, R&D… của doanh nghiệp dựa trên dữ liệu thay vì đánh giá cảm tính.
Thứ ba, những doanh nghiệp thể hiện trách nhiệm với môi trường và xã hội sẽ nhận được cảm tình từ người tiêu dùng. Một số hoạt động có thể đẩy mạnh trong năm 2024 như: tạo thêm sản phẩm thân thiện môi trường, sử dụng vật liệu đóng gói bền vững, tìm nguồn vật liệu hoặc sản phẩm từ nhà cung cấp có đạo đức...
Thứ tư, một điểm thú vị nhất của năm 2024 là sự “bành trướng” của thế hệ Baby Boomer nở muộn (1956- 1964). Thực tế, thời gian sử dụng mạng xã hội của thế hệ này trên thế giới đã tăng 68% lên gần 90 phút/ngày. Trong khi đó, đây là thế hệ thuộc nhóm có khả năng chi trả cao và sẵn sàng chi tiêu nhiều hơn để sở hữu sản phẩm chất lượng tốt.
Nhìn nhận về những thách thức đặt ra với thương mại điện tử, ông Trung cho biết trong năm 2023, các nhà bán hàng nước ngoài tại thị trường Việt Nam có sự phát triển nhanh chóng. Theo thống kê, riêng sàn Shopee, các nhà bán hàng có kho hàng tại nước ngoài thu gần 3 nghìn tỷ trong quý 4/2023, tăng 30% so với cùng kỳ năm 2022. Nhiều nhận định cho rằng các nhà bán hàng nước ngoài, đặc biệt là nhà bán hàng Trung Quốc là thách thức lớn thời gian tới.
Tuy nhiên, theo ông Trung, dù là nhà bán hàng nước ngoài hay trong nước, đều quy về việc tăng cường sức cạnh tranh của doanh nghiệp trên sàn thương mại điện tử. Nghĩa là, doanh nghiệp Việt vẫn cần chú trọng vào giá trị của sản phẩm hàng hóa bán ra, những giá trị cốt lõi hoặc điểm độc đáo khiến khách hàng mua sản phẩm như: các sản phẩm địa phương đặc trưng; sản phẩm được cá nhân hóa; hay sản phẩm từ nguyên liệu Việt Nam, thân thiện môi trường...
Đồng thời, bài toán tối ưu giao vận, quản lý chuỗi cung ứng… cần được chú trọng để giảm thiểu chi phí vận hành, tối đa lợi ích cho người tiêu dùng. Ứng dụng Big Data để phân tích, theo sát thị trường, và xây dựng kế hoạch kinh doanh hiệu quả là một trong những phương thức triển khai chủ động của các doanh nghiệp tăng trưởng cao trên eCommerce.
Nguồn: TBKTVN