Người Mỹ lạc quan hơn về kinh tế, cơ hội cho ông Biden tái đắc cử?

Tuy nhiên, loạt số liệu mới nhất cho thấy cơ hội cho nhà lãnh đạo đến từ Đảng Dân chủ đã được cải thiện đáng kể.

Kết quả khảo sát cho thấy người Mỹ đang lạc quan hơn về nền kinh tế và tin rằng lạm phát sẽ tiếp tục xuống thang, cũng như lãi suất sẽ sớm giảm. Nếu xu hướng niềm tin này duy trì, cơ hội cầm quyền thêm 4 năm nữa của ông Biden sẽ tăng lên và cựu Tổng thống Donald Trump - người đang là ứng cử viên sáng giá nhất cho vị trí đại diện Đảng Cộng hoà để tranh cử với ông Biden - sẽ gặp trở ngại. Trong chiến dịch vận động cử tri của mình, ông Trump đang xoáy vào kết quả điều hành kinh tế của đương kim Tổng thống.

Tuy nhiên, theo tờ New York Times, giới chuyên gia cho rằng còn quá sớm để khẳng định Đảng Dân chủ sẽ thắng thế nhờ các số liệu kinh tế mới nhất. Nhiều rủi ro vẫn còn và có thể khiến nền kinh tế đi trệch hướng trước cuộc bầu cử diễn ra vào đầu tháng 11. “Hiện vẫn còn rất sớm trong chu kỳ bầu cử này, xét từ góc độ các yếu tố kinh tế. Có nhiều điều có thể xảy đến”, chuyên gia về khảo sát tiêu dùng Joanne Hsu của Đại học Michigan nhận định.

NỖI ÁM ẢNH LẠM PHÁT CỦA CỬ TRI MỸ

Kết quả khảo sát tháng 1 mà Đại học Michigan công bố mới đây cho thấy niềm tin của người tiêu dùng Mỹ bất ngờ tăng lên mức cao nhất kể từ tháng 7/2021, thời điểm trước khi lạm phát ở nước này bắt đầu leo thang chóng mặt. Đáng chú ý, sự khởi sắc niềm tin được ghi nhận ở hầu như tất cả các nhóm độ tuổi, thu nhập, giáo dục và khu vực địa lý trong vòng 2 tháng trở lại đây.

Nhà kinh tế Neil Dutta của công ty phân tích kinh tế Renaissance Macro nhận định sự gia tăng niềm tin của người tiêu dùng có thể giúp ích cho ông Biden trong nỗ lực tái tranh cử, nhất là nếu xu hướng cải thiện đó tiếp tục duy trì trong năm nay. Dựa trên các mô hình dự báo kết quả bầu cử, ông Dutta nói nếu niềm tin của người tiêu dùng duy trì ở mức như hiện nay, ông Biden sẽ giành được khoảng 49% số phiếu bầu, nhưng nếu thị trường việc làm vẫn mạnh, giá xăng giảm xuống và thị trường chứng khoán Mỹ lập kỷ lục mới, niềm tin sẽ càng tăng lên và tỷ lệ phiếu bầu mà ông Biden có thể giành được cũng cao hơn.

Nhà kinh tế Ray Fair của Đại học Yale đã dành hàng thập kỷ để lập nên mô hình được theo dõi nhiều nhất cho việc dự báo kết quả các cuộc bầu cử ở Mỹ dựa trên tình hình kinh tế. Mô hình của ông dùng các số liệu kinh tế, gồm tăng trưởng và lạm phát, để dự báo tỷ lệ phiếu bầu. Cập nhật mới nhất của mô hình này cho thấy Đảng Dân chủ có cơ hội 50-50 giành được Nhà Trắng vào tháng 11, và cơ hội tương tự để giành quyền kiểm soát Hạ viện.

Có một câu hỏi được đặt ra: Vì sao cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm nay lại được mô hình nói trên dự báo sát nút đến như vậy trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế đang ổn như hiện nay? Câu trả lời nằm ở vấn đề lạm phát. Theo ông Fair, cử tri thường nhớ lâu chuyện giá cả tăng. Họ nghĩ đến việc giá cả đã tăng như thế nào trong nhiệm kỳ cầm quyền của một vị tổng thống, thay vì chỉ số liệu lạm phát ở thời điểm hiện tại.

Điều này đồng nghĩa với việc dù tốc độ tăng giá tiêu dùng ở Mỹ đã giảm về mức tương đối bình thường so với tiêu chuẩn lịch sử trong 6 tháng trở lại đây, cử tri có thể vẫn chưa quên giai đoạn giá cả tăng chóng mặt vào cuối 2021 và trong 2022. “Cử tri sẽ nghĩ đến việc giá tiêu dùng tăng cao trong thời gian ông Biden cầm quyền”, ông Fair nhận định.

TRIỂN VỌNG TƯƠNG ĐỐI TỐT CỦA KINH TẾ MỸ TRONG NĂM BẦU CỬ

Hiện còn nhiều điều khó đoán quanh việc niềm tin tiêu dùng và sức khoẻ nền kinh tế nói chung sẽ ảnh hưởng ra sao đến kết quả cuộc bầu cử sắp tới. Có một điều chắc chắn là những gì đang xảy ra trong nền kinh tế sẽ tác động tới cuộc bầu cử - nhà khoa học chính trị Michael Lewis-Beck của Đại học Iowa nhận định. Nhưng ông Lewis-Beck cũng chỉ ra rằng những yếu tố khác - như cảm giác cô lập mà nhiều người rơi vào từ đại dịch và việc ông Trump là một cựu Tổng thống có thể được nhiều cử tri xem là “đại loại như một đương kim tổng thống” - có thể tác động đến mối quan hệ giữa số liệu kinh tế và kết quả bầu cử.

Dù vậy, những gì xảy ra trong nền kinh tế trong những tháng tới có thể tác động đến cảm nhận của cử tri Mỹ khi họ cầm lá phiếu đi bầu. Nếu nền kinh tế giảm tốc, đó có thể là tin xấu đối với Nhà Trắng. Chẳng hạn, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có thể giữ nguyên lãi suất ở mức cao nhất 22 năm thêm vài tháng nữa có thể gây áp lực lên tăng trưởng, hoặc căng thẳng địa chính trị ở Trung Đông có thể đẩy giá xăng dầu lên cao.

Tuy nhiên, phần lớn chuyên gia kinh tế dự báo Fed sẽ bắt đầu cắt giảm lãi suất và nền kinh tế Mỹ sẽ dần giảm tốc, thay vì sụt tốc, trong năm nay. Một cuộc khảo sát của hãng tin Bloomberg dự báo tỷ lệ thất nghiệp ở Mỹ từ nay đến cuối năm sẽ tăng thêm nửa điểm phần trăm, lạm phát tiếp tục giảm tốc, và nền kinh tế sẽ chậm lại nhưng vẫn tăng trưởng.

Triển vọng tương đối khả quan này có thể giải thích vì sao chính quyền ông Biden đang nhấn mạnh sự cải thiện niềm tin tiêu dùng - một sự khởi sắc có vẻ như đến trễ so với những cải thiện trong nền kinh tế thực. Trong một bài phát biểu vào hôm thứ Sáu vừa rồi, ông Biden đề cập đến chỉ số niềm tin tiêu dùng tăng và những tiến bộ kinh tế gần đây, đồng thời nói rằng “chúng tôi còn nhiều việc phải làm”.

“Cử tri sẽ nhìn vào tất cả những điều này”, ông Lewis-Beck nói, và cho rằng nếu muốn thuyết phục cử tri, ông Biden “nên giữ nguyên thông điệp, và cuối cùng ông ấy sẽ truyền tải được thông điệp của mình”.

Nguồn: TBKTVN