Nhóm đối tác quốc tế thông qua kế hoạch huy động 15,5 tỷ USD hỗ trợ Việt Nam chuyển đổi năng lượng

Ông Đào Xuân Lai, Trưởng ban Biến đổi khí hậu, Môi trường và Năng lượng của Chương trình Phát triển liên hiệp quốc (UNDP) tại Việt Nam thông tin từ COP28 UAE, Việt Nam đã đạt được nhiều kết quả tại Hội nghị này.

Đặc biệt, Thủ tướng Phạm Minh Chính và Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường có nhiều buổi họp song phương và đa phương với các nước phát triển và các tập đoàn quốc tế để có thể phát triển, mở rộng quan hệ đối tác với các tập đoàn có danh tiếng về năng lượng tái tạo, điện gió ngoài khơi.

“Đây là cơ hội để Việt Nam thúc đẩy một ngành kinh tế mới là năng lượng tái tạo cũng như thúc đẩy phát triển điện gió ngoài khơi để Việt Nam có thể xuất khẩu, ví dụ xuất khẩu sang Singapore và các nước ASEAN. Việt Nam có tiềm năng rất lớn nhất với hơn 3.000km bờ biển, điều này không chỉ góp phần tăng nguồn thu ngân sách, tạo sinh kế việc làm và thúc đẩy phát triển kinh tế tại các địa phương”, ông Đào Xuân Lai nhấn mạnh.

HUY ĐỘNG 15,5 TỶ USD CHO CHUYỂN ĐỔI NĂNG LƯỢNG CÔNG BẰNG
Ông Đào Xuân Lai cho hay tại COP 28, Nhóm đối tác quốc tế (IPG) gồm Liên minh châu Âu (EU), Vương quốc Anh và Bắc Ireland, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Đức, Pháp, Ý, Canada, Đan Mạch và Na Uy đã thông qua kế hoạch huy động nguồn lực 15,5 tỷ USD trong vòng 3 - 5 năm tới để giải quyết nhu cầu cấp bách, mang tính xúc tác cho chuyển đổi năng lượng công bằng của Việt Nam. Các khoản vốn này được IPG cam kết huy động với điều kiện vay vốn hấp dẫn, hỗ trợ tư nhân thông qua các khoản đầu tư.

"Để đầu tư cho phát triển năng lượng tái tạo đến năm 2030 Việt Nam cần khoảng 135 tỷ USD nên con số 15,5 tỷ USD không phải lớn so với nhu cầu của Việt Nam. Nhưng đây là con số ban đầu để kích hoạt và huy động thêm nguồn lực quốc tế, khối tư nhân để chúng ta có thể phát triển ngành năng lượng mới, năng lượng tái tạo ở Việt Nam ít phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch".

Ông Đào Xuân Lai, Trưởng ban Biến đổi khí hậu, Môi trường và Năng lượng của  UNDP Việt Nam.

Để đạt được sự đồng thuận nảy của IPG, những ngày vừa qua, trong các cuộc tiếp xúc song phương, đa phương, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã đưa ra cam kết sẽ sớm cụ thể các chính sách cho phát triển năng lượng tái tạo. Đặc biệt, sẽ chuẩn hóa hợp đồng mua bán điện trực tiếp giữa đơn vị phát điện từ năng lượng tái tạo với khách hàng sử dụng điện lớn. Đây là cam kết hết sức quan trọng mà các doanh nghiệp, tập đoàn mong đợi từ lâu.

“Đây là dấu mốc quan trọng để Việt Nam đàm phán các khoản vay, các khoản đóng góp cụ thể để khoản 15,5 tỷ USD này giúp Việt Nam chuyển đổi năng lượng và dùng nó như đòn bẩy huy động các nguồn lực tư nhân trong chuyển đổi năng lượng, góp phần thực hiện kinh tế tuần hoàn. kinh tế số, kinh tế xanh”, ông Đào Xuân Lai nhận định.

UNDP cho rằng khoản vốn này sẽ tạo điều kiện để Việt Nam liên kết và thúc đẩy phát triển một ngành kinh tế mới, đòi hỏi củng cố về mặt thể chế, pháp lý để tạo nền tảng thu hút đầu tư FDI chất lượng hơn vào kinh tế xanh. Đồng thời, giúp Việt Nam đầu tư vào nghiên cứu và phối hợp các nước nghiên cứu chuyển giao công nghệ lĩnh vực này.

Đoàn Việt Nam tại COP 28.

Đoàn Việt Nam tại COP 28.

Để khai thác hiệu quả nguồn vốn 15,5 tỷ USD quý giá này, UNDP khuyến nghị Việt Nam cần chuyển đổi toàn bộ nền kinh tế để giảm phát thải. Riêng lĩnh vực điện lực, cần phải thúc đẩy năng lượng tái tạo để thay thế cho nhiệt điện than. Việt Nam cũng cần đầu tư cho phát triển khoa học công nghệ; thúc đẩy hợp tác quốc tế, tận dụng chuyển giao công nghệ của các nước đi trước. Đồng thời, cần phải đảm bảo công bằng giữa các bên tham gia kể cả các nhà đầu tư, các nhóm tham gia chuỗi cung ứng về năng lượng, kinh tế xanh.

Với vấn đề công nghệ, chuyển đổi nhân lực từ khu vực (điện than, khai thác than…) cũng sẽ là yêu cầu đặt ra cho Việt Nam. Ngoài ra, ngành kinh tế năng lượng mới, năng lượng tái tạo, điện gió ngoài khơi, các công nghệ thích ứng biến đổi khí hậu cần nhân công có trình độ, kỹ thuật, các nhà quản lý để triển khai.

VIỆT NAM TỔ CHỨC 10 SỰ KIỆN BÊN LỀ COP 28
UNDP khuyến nghị Việt Nam cần có các chính sách về xã hội, để đảm bảo các nhóm công nhân, nhóm xã hội đang làm việc trong lĩnh vực năng lượng (điện than, mỏ than) có các kỹ năng để chuyển sang ngành kinh tế mới. Đồng thời, đảm bảo cung cấp các lợi ích tối đa cho các bên: Địa phương- người dân, doanh nghiệp – Nhà nước trong việc phân phối lợi ích đảm bảo công bằng. Việt Nam cần thúc đẩy cải cách thể chế tạo môi trường đầu tư trách nhiệm hơn, minh bạch hơn, an toàn hơn, hấp dẫn hơn để có thể thu hút đầu tư ước ngoài có chất lượng cao.

Tại COP 28, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã có bài phát biểu hết sức quan trọng vào chiều ngày 2/12, trong đó khẳng định quyết tâm thực hiện cam kết phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Thủ tướng đã kêu gọi các bên cần có sự phối hợp tốt hơn, các nước phát triển cần phải tiếp tục hỗ trợ các nước đang phát triển đặc biệt là về tài chính và chuyển giao công nghệ, để các nước đang phát triển có đủ nguồn lực cũng như năng lực trong thích ứng với biến đổi khí hậu và chuyển đổi năng lượng.

Thủ tướng cho biết thời gian tới sẽ đưa ra hành lang pháp lý, chính sách cụ thể hơn nữa, như xây dựng hệ thống truyền tải điện thông minh, đưa ra hợp đồng chuẩn về mua bán điện năng lượng tái tạo trực tiếp… Đây là những động thái rất rõ ràng và trực tiếp để đảm bảo với các nhà đầu tư nước ngoài rằng Việt Nam cam kết và quyết tâm thực hiện, tạo mọi điều kiện thuận lợi, giảm rủi ro cho các nhà đầu tư, Việt Nam mong muốn thu hút các khoản đầu tư lớn hơn nữa, đầu tư chất lượng hơn trong phát triển xanh, chuyển dịch năng lượng.

Tại COP 28 năm nay, Việt Nam có một phòng họp riêng tại Hội nghị. Ở đó Việt Nam đã tổ chức hơn 10 sự kiện bên lề vừa là chia sẻ các kinh nghiệm, các bài học của Việt Nam trong thích ứng với biến đổi khí hậu cũng như các giải pháp để giảm phát thải khí nhà kính đóng góp cho nỗ lực toàn cầu. Đồng thời, Việt Nam cũng mong muốn học hỏi từ các nước, các chuyên gia về các giải pháp cho ứng phó với biến đổi khí hậu, chuyển dịch năng lượng.

Nguồn: TBKTVN