Những giải pháp để kinh tế Việt Nam vượt qua "cơn gió ngược"

Năm 2024, Việt Nam đề ra mục tiêu tăng trưởng là 6-6,5%. Theo PGS. TS. Nguyễn Đức Trung, Hiệu trưởng trường Đại học Ngân hàng TP.HCM, để đạt được mục tiêu tăng trưởng, cần nhiều giải pháp tổng thể. Đó là: đẩy mạnh tiêu dùng nội địa, duy trì và kéo dài các chính sách kinh tế, đồng thời tìm hướng đi mới cho xuất khẩu.

Việc thúc đẩy tiêu dùng cần tăng cường xúc tiến thương mại, nhân rộng mô hình livestream bán hàng như ở TP.HCM, đẩy mạnh ngày hội mua sắm và giải trí trực tuyến. Bên cạnh đó, cần duy trì và kéo dài giảm thuế giá trị gia tăng (VAT) 2% không chỉ trong 6 tháng. Với xuất khẩu cần hướng mạnh hơn đến thị trường khả quan như Ấn Độ, thay vì chỉ tập trung vào châu Âu.

nhung giai phap de kinh te viet nam vuot qua con gio nguoc hinh anh 1

Đẩy mạnh kích cầu tiêu dùng là một trong những giải pháp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế năm 2024 (Ảnh: Lệ Hằng)

Trong đầu tư, cần thay đổi mô hình đầu tư công, tránh đầu năm bình tĩnh, cuối năm khẩn trương, phấn đấu tăng tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công lên 85-90%.

Với TP.HCM, nền kinh tế đầu tàu của cả nước, theo chuyên gia kinh tế, TS. Võ Trí Thành, thời gian tới sẽ còn đối mặt nhiều khó khăn, thách thức, do đó, TP.HCM cần tận dụng tốt nền tảng, đà tăng trưởng năm 2023 để đi trong ngược gió.

 

Đà tăng trưởng của TP.HCM sẽ là việc thông qua quy hoạch Vùng và quy hoạch quốc gia; vận dụng tốt Nghị quyết 98 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố. Song song đó, TP.HCM đang có cơ hội chuyển đổi, như: Kinh tế xanh, kinh tế số, đổi mới sáng tạo và thu hút những tập đoàn lớn, chất lượng.

“Thành phố cần chuẩn bị nguồn nhân lực chất lượng cho thành phố và cả nước. Bởi vì bên cạnh hạ tầng, quy hoạch,  vai trò cốt tử là  đảm bảo nguồn nhân lực chất lượng đáp ứng yêu cầu mới, nhất là theo xu hướng đầu tư mới”, ông Võ Trí Thành phân tích.

nhung giai phap de kinh te viet nam vuot qua con gio nguoc hinh anh 2

Ông Nguyễn Anh Tuấn, Trưởng ban Ban đổi mới quản lý doanh nghiệp TP.HCM (Ảnh: Lệ Hằng)

Còn ông Nguyễn Anh Tuấn, Trưởng ban Ban đổi mới quản lý doanh nghiệp TP.HCM cho rằng, TP.HCM cần có giải pháp đột phá để có cơ chế, chính sách rút gọn vì hiện nay, thủ tục đầu tư, dù dự án nhỏ cũng gấp đôi thời gian triển khai.

Theo ông Nguyễn Anh Tuấn, việc quá thận trọng khiến vòng vốn chạy chậm từ đó kiềm chế sự phát triển: “Cần có sự đột phá, tháo gỡ những cơ chế đó. Chúng ta nói đẩy mạnh xuất khẩu kích hoạt nền kinh tế thông qua kích cầu tiêu dùng và đầu tư thì chúng phải “mở trói” ngay lúc đó, có cơ chế đột phá thì vòng vốn đưa vào nền kinh tế ngay để kích hoạt nền kinh tế nhưng chúng ta chưa thực hiện được việc đó năm qua”.

Nguồn: VOV