Nước nào áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại nhiều nhất với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam?

Theo báo cáo thường niên Phòng vệ thương mại năm 2023 của Cục Phòng vệ Thương mại (Bộ Công Thương), tính đến hết tháng 12/2023, hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam là đối tượng của 242 vụ việc điều tra liên quan đến phòng vệ thương mại.

Riêng trong năm 2023 đã phát sinh 15 vụ việc mới do nước ngoài khởi xướng, bên cạnh nhiều vụ việc đang quá trình điều tra, hoặc thuộc diện rà soát hàng năm, rà soát cuối kỳ...

Theo thống kê của WTO, Hoa Kỳ là một trong những quốc gia thường xuyên sử dụng các biện pháp phòng vệ thương mại. Tính đến hết tháng 12/2023, Hoa Kỳ đã điều tra 59 vụ việc phòng vệ thương mại đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam, chiếm khoảng gần 25% tổng số vụ việc nước ngoài điều tra với hàng xuất khẩu của Việt Nam.

Trong năm 2023, Hoa Kỳ đã khởi xướng điều tra mới 7 vụ việc, trong đó có 4 vụ điều tra chống bán phá giá, 1 vụ việc điều tra chống trợ cấp và 2 vụ việc điều tra phạm vi sản phẩm, chống lẩn tránh thuế phòng vệ thương mại.

Các mặt hàng bị điều tra đa dạng gồm các sản phẩm như nhôm đùn, dây cáp nhôm, giá để đồ bằng thép, bánh xe kéo bằng thép, máy xịt rửa áp lực cao, túi giấy, tôm...

Ngoài ra, Hoa Kỳ cũng tiến hành rà soát một số biện pháp phòng vệ thương mại đã áp dụng trước đó, như rà soát hành chính thuế chống trợ cấp với lốp xe, rà soát hành chính thuế chống bán phá giá với mật ong nhập khẩu từ Việt Nam (trong đó có xem xét vấn đề kinh tế thị trường của Việt Nam).

Với thị trường Canda, tính đến hết tháng 6/2023, Canada đã điều tra 18 vụ việc phòng vệ thương mại với hàng xuất khẩu của Việt Nam.

Hiện nay, Canada đang áp dụng thuế với 7 mặt hàng nhập khẩu từ Việt Nam bao gồm: ống thép hàn carbon, thép cán nguội, thép cốt bê tông, khớp nối bằng ống đồng, thép tấm chống ăn mòn, ống đúc dẫn dầu và ghế bọc đệm. Trong năm 2023, Canada không điều tra mới mà chỉ tiến hành rà soát đối với một số sản phẩm đang thuộc diện áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại.

Mexico và Việt Nam cùng là thành viên của Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). Đây là thị trường tiềm năng của Việt Nam nhờ các cam kết ưu đãi thuế quan theo Hiệp định CPTPP. Theo thống kê của WTO, tính đến hết tháng 6/2023, Mexico đã khởi xướng điều tra 186 vụ việc phòng vệ thương mại trong đó có 159 vụ việc áp dụng các biện pháp.

Kể từ sau khi Hiệp định CPTPP có hiệu lực, Mexico đã điều tra 3 vụ việc chống bán phá giá với Việt Nam, gồm: thép mạ (khởi xướng năm 2021), thép cuộn cán nguội (khởi xướng năm 2022) và dây hàn (khởi xướng năm 2023).

Còn với thị trường EU, trong năm 2023, EU điều tra 1 vụ việc chống lẩn tránh thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp mới với thép không gỉ cán nguội và tiếp tục rà soát việc áp dụng biện pháp tự vệ đối với một số sản phẩm thép.

Tại thị trường Vương quốc Anh (UK), tính đến hết tháng 6/2023, UK đã điều tra tổng cộng 4 vụ việc phòng vệ thương mại và áp dụng biện pháp đối với 2 vụ việc. Hiện nay UK chỉ đang áp dụng duy nhất biện pháp tự vệ liên quan tới một số sản phẩm thép xuất khẩu của Việt Nam.

Ấn Độ đã điều tra 31 vụ việc phòng vệ thương mại với Việt Nam. Trong năm 2023, Ấn Độ tiếp tục tiến hành các vụ việc điều tra chống bán phá giá mới với ống thép hàn không gỉ và các vụ việc rà soát biện pháp phòng vệ thương mại đối với ống thép hàn không gỉ, ống đồng, hạt nhựa PVC.

Trong số các quốc gia đối tác thành viên của ASEAN, 4 quốc gia sử dụng các biện pháp phòng vệ thương mại với Việt Nam, bao gồm Malaysia, Indonesia và Philippines và Thái Lan.

Cụ thể, Malaysia đã điều tra 10 vụ việc phòng vệ thương mại liên quan đến hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam. Kể từ năm 2021, Malaysia không khởi xướng điều tra vụ việc mới với Việt Nam. Hiện nay Malaysia đang áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại với 7 sản phẩm của Việt Nam, chủ yếu là các sản phẩm thép.

Cũng tính đến hết tháng 6/2023, Indonesia đã điều tra 14 vụ việc phòng vệ thương mại liên quan đến hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam. Philippines đã tiến hành điều tra 14 vụ việc phòng vệ thương mại liên quan đến hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam. Thái Lan đã tiến hành điều tra 8 vụ việc liên quan đến hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam, bao gồm 6 vụ việc chống bán phá giá và 2 vụ việc tự vệ.

Với thị trường Đông Bắc Á, tính đến tháng 6/2023, Hàn Quốc đã điều tra và áp dụng 4 biện pháp chống bán phá giá với hàng hoá xuất khẩu từ Việt Nam.

Thị trường Australia đã điều tra 18 vụ việc phòng vệ thương mại liên quan đến hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam.

Thổ Nhĩ Kỳ đã điều tra 26 vụ việc phòng vệ thương mại liên quan đến hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam.

Riêng thị trường châu Phi ít điều tra phòng vệ thương mại đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam. Thống kê cho thấy có 2 nước Ai Cập và Maroc thuộc thị trường châu Phi từng điều tra áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại liên quan tới hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam.

Thị trường Ai Cập đã điều tra 1 vụ việc tự vệ với nhôm thô và 1 vụ việc chống bán phá giá với đèn huỳnh quang của Việt Nam. Từ năm 2021, Ai Cập không điều tra, rà soát vụ việc phòng vệ thương mại liên quan tới hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam.

Maroc điều tra 1 vụ việc tự vệ với săm lốp liên quan tới Việt Nam. Tuy nhiên, ngày 3/7/2023, Maroc đã chấm dứt vụ việc.

Nguồn: TBKTVN