Sầu riêng Việt Nam chiếm 57% thị phần tại Trung Quốc, đẩy Thái Lan xuống “cửa dưới”

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong tháng 3/2024 kim ngạch xuất khẩu rau quả ước đạt 433 triệu USD. Lũy kế 3 tháng đầu năm 2024, kim ngạch xuất khẩu rau quả đạt 1,23 tỷ USD, tăng 25,8% so với cùng kỳ năm trước.

Đây là lần đầu tiên xuất khẩu rau quả đạt và vượt con số 1 tỷ USD ngay trong quý 1. Dự báo năm 2024, xuất khẩu rau quả sẽ tăng trưởng ở mức 15-20% so với năm 2023, sẽ vươn lên kỷ lục mới 6-6,5 tỷ USD.

 VIỆT NAM LẦN ĐẦU VƯỢT QUA THÁI LAN

Trong số các mặt hàng rau quả của Việt Nam, sầu riêng đang là mặt hàng trái cây có giá trị xuất khẩu lớn nhất, với ước tính kim ngạch 254 triệu USD trong quý 1/2024, tăng 66% so với cùng kỳ năm 2023. Giá trị xuất khẩu sầu riêng sang Trung Quốc chiếm tới 98% trong tổng kim ngạch xuất khẩu sầu riêng của Việt Nam.

Theo số liệu của Cơ quan Hải quan Trung Quốc, nước này đã nhập khẩu 53.110 tấn sầu riêng tươi trong 2 tháng đầu năm 2024, với trị giá 283,6 triệu USD, tăng 0,4% về lượng nhưng giảm 0,9% về trị giá so với cùng kỳ năm ngoái.

"Trong 2 tháng đầu năm nay, giá sầu riêng xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc đạt bình quân 4.916 USD/tấn, thấp hơn so với mức giá 6.133 USD/tấn của Thái Lan, nhưng cao hơn so với 3.075 USD/tấn của Philippines".

Theo số liệu của Cơ quan Hải quan Trung Quốc.

Trong đó, Việt Nam đã vượt qua Thái Lan để vươn lên vị trí số 1 về xuất khẩu sầu riêng vào Trung Quốc với khối lượng đạt 32.750 tấn, trị giá 161 triệu USD, tăng gấp 2,4 lần về về lượng so với cùng kỳ năm ngoái. Thị phần sầu riêng của Việt Nam tại Trung Quốc tính theo kim ngạch đã tăng từ mức 32% của năm 2023, lên mức 57% tính trong 2 tháng đầu năm nay.

Trong khi đó, Thái Lan tụt xuống vị trí thứ 2 về nguồn cung sầu riêng cho Trung Quốc với khối lượng đạt 19.016 tấn, trị giá 120,3 triệu USD, giảm 50,3% về lượng và 45,2% về trị giá so với cùng kỳ năm trước. Ngoài 2 nguồn cung kể trên, Trung Quốc còn nhập khẩu sầu riêng từ Philippines nhưng thị phần khá nhỏ chỉ khoảng 1% (2,2 triệu USD).

Sầu riêng Việt Nam được đánh giá là có lợi thế sản lượng dồi dào, thu hoạch rải vụ quanh năm, đặc biệt khi vào vụ không bị cạnh tranh với sầu riêng Thái Lan. Ngoài ra, một lợi thế của sầu riêng khi xuất khẩu sang Trung Quốc là thời gian vận chuyển nhanh và giá thành cạnh tranh. Đây là những yếu tố đã giúp cho sầu riêng Việt Nam tạo được bước tiến lớn tại thị trường Trung Quốc chỉ sau chưa đầy 2 năm được mở cửa tại thị trường này.

30 LÔ SẦU RIÊNG BỊ CẢNH BÁO NHIỄM CADIMI

Nhờ xuất khẩu tăng mạnh, được giá, nên giá sầu riêng trong nước trong quý 1 và những ngày đầu tháng 4/2024 tăng rất cao. Theo các hệ thống khảo sát giá của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, giá sầu riêng hôm nay 3/4/2024 tiếp tục đứng ở mức cao. Trong đó, giá sầu riêng Ri6 có mức giá thương lái thu mua 115.000 – 135.000 đồng/kg; sầu riêng Monthong đẹp ở mức 200.000 -212.000 đồng/kg; sầu riêng Monthong xô đứng ở mức 185.000 – 190.000 đồng/kg.

Ông Huỳnh Tấn Đạt, Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật cho biết tính đến nay, Tổng cục Hải quan Trung Quốc (GACC) đã phê duyệt mã số cho 708 vùng trồng và 168 cơ sở đóng gói sầu riêng tại Việt Nam. Xuất khẩu sầu riêng sang Trung Quốc đang tăng trưởng rất tốt, tuy nhiên vừa qua, phía Trung Quốc đã cảnh báo 30 lô hàng sầu riêng của Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc bị nhiễm kim loại nặng cadimi vượt mức giới hạn quy định an toàn thực phẩm của nước này.

"Con số 30 lô trên tổng số 35.000 – 40.000 lô hàng sầu riêng xuất khẩu sang Trung Quốc chưa ảnh hưởng tới xuất khẩu. Dù vậy, đây cũng là cảnh báo để Việt Nam chú trọng trong thời gian tới”.

Ông Huỳnh Tấn Đạt, Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật.

Theo Cục Bảo vệ thực vật, hiện nay chưa xác định được được nguyên nhân chính khiến 30 lô hàng sầu riêng Việt Nam bị nhiễm kim loại nặng cadimi vượt mức giới hạn quy định. Có thể sầu riêng bị nhiễm kim loại nặng trong quá trình canh tác như đất bị nhiễm hoặc từ nguồn nước, không khí từ khí thải của nhà máy hoặc trong quá trình thu hoạch, người dân dùng nước sơ chế sầu riêng.

Do đó, Cục Bảo vệ thực vật khuyến nghị, doanh nghiệp kinh doanh sầu riêng và nông dân cần tiếp tục cải tiến kỹ thuật, nâng cao chất lượng để tiếp tục tạo cơ hội mở rộng thị trường. Nhu cầu sầu riêng tại khu vực Đông Nam Á và Trung Quốc sẽ ngày càng tăng. Xu hướng tiêu dùng mặt hàng này sẽ ngày càng phổ biến của sầu riêng vượt ra ngoài thị trường châu Á, đặt sầu riêng trở thành một sản phẩm xuất khẩu chính với diện tích trồng lớn và sản lượng cao.

CẦN CHÚ TRỌNG CÔNG NGHỆ BẢO QUẢN 

Chia sẻ tại chương trình "Kỷ niệm 1 năm hợp tác chiến lược giữa Trung tâm Xúc tiến thương mại nông nghiệp và TikTok Việt Nam" vào ngày 3/4/2024, ông Nông Ngọc Trung - Chủ tịch hội đồng quản trị Công ty Cánh Đồng Vàng (Lạng Sơn) cho biết Thái Lan luôn kiểm soát chặt chẽ chất lượng sầu riêng xuất khẩu. Thậm chí họ đã làm khắt khe hơn tiêu chuẩn của nước nhập khẩu như tự động đưa tiêu chuẩn về chất khô trong trái sầu riêng lên đến 32% (bình thường chất khô trong trái sầu riêng tươi vừa thu hoạch chiếm 28-29%).

“Các doanh nghiệp muốn xuất khẩu sầu riêng phải đạt độ khô 32%, khi đó cơ quan quản lý nhà nước của Thái Lan mới cho phép doanh nghiệp mở tờ khai để xuất khẩu lô hàng đó. Trong khi đó, Việt Nam vẫn đang thả nổi chất lượng trái sầu riêng xuất khẩu, để các doanh nghiệp làm một cách đối phó, gần như không theo một quy định nào về chất lượng trước khi xuất khẩu”, ông Trung nhấn mạnh.

Theo ông Trung, trong trái sầu riêng Việt Nam, hàm lượng chất khô chỉ đạt 28-29% do chúng ta đang làm theo một cách thức rất thủ công trong quá trình đóng gói sầu riêng. Khoảng 90% doanh nghiệp Việt Nam làm thuê cho Trung Quốc trong công đoạn gia công và họ bị áp lực về sản lượng, thời gian giao hàng. Điều này khiến không có đủ thời gian để gia công cho quả sầu riêng đủ khô để xuất sang thị trường Trung Quốc.

"Do không được làm khô, dẫn tới quả sầu riêng độ ẩm không đồng đều, không đạt độ khô thì sẽ bị mốc, hư hỏng. Khi hải quan Trung Quốc kiểm tra mà không đạt tiêu chuẩn như bị ẩm mốc, có vi khuẩn thì phải đưa vào hun trùng. Trong khi đó, chi phí vô trùng cho một lô hàng mất rất nhiều và thời gian từ 5-7 ngày, làm thất thoát giá trị của quả sầu riêng", ông Trung phân tích.

"Khi lô hàng của doanh nghiệp không đạt tiêu chuẩn như vậy thì Trung Quốc sẽ cảnh báo, có thể họ cho phép hun trùng một hai lô đầu tiên, sang lô thứ ba sẽ tạm dừng, cấm xuất khẩu sang Trung Quốc", ông Trung cảnh báo.

Đề xuất giải pháp xử lý sầu riêng, đáp ứng tiêu chuẩn xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, ông Trung cho biết doanh nghiệp của ông đang ứng dụng công nghệ làm khô, để hàm lượng chất khô trong trái sầu riêng đạt 35% trước khi xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc (khô hơn Thái Lan 3%). Khi làm giảm hàm lượng nước trong trái sầu riêng, chất lượng sẽ ngon hơn, giá trị bán cao hơn bình thường, thời gian bảo quản lâu hơn - lên tới 30 ngày (trong khi đóng gói thủ công chỉ để được khoảng 12-13 ngày).

Ông Trung mong muốn cơ quan quản lý nhà nước có những chính sách, quy định, tiêu chuẩn trước khi xuất khẩu để ngành hàng sầu riêng nói riêng, nông sản nói chung có chất lượng và chỗ đứng ở các thị trường xuất khẩu.

Nguồn: TBKTVN