Sóng ngầm ứng dụng du lịch

Du lịch theo thần tượng âm nhạc

Đây không phải là lần đầu tiên, Bảo Hân (24 tuổi, ngụ ở quận 9, TP.HCM) đi du lịch để xem buổi biểu diễn của các nhóm nhạc thần tượng đến từ Hàn Quốc trong năm nay. Do công việc cuối năm khá bận rộn nên lần này cô chỉ đi 2 ngày rồi trở về tiếp tục công việc, còn nhớ lúc show diễn diễn ra vào thời điểm giữa năm, cô đi gần 5 ngày kết hợp với việc mua sắm và tham quan các địa điểm ăn uống tại địa phương.

Dù đêm nhạc bị hủy vào phút chót nhưng Hân và nhóm bạn không có ý định dừng chuyến đi vì vé máy bay, khách sạn đã đặt. “Dù các chuyến đi ngắn hay dài thì mức độ chi tiêu của chúng tôi cũng theo thứ tự ưu tiên như sau: vé buổi biểu diễn ca nhạc, vé máy bay, ăn uống mua sắm và cuối cùng mới là phòng”, Bảo Hân nói.

Du lịch theo các buổi ca nhạc thần tượng là xu hướng nổi bật ở Việt Nam trong 2 năm trở lại đây, khi không chỉ các nhóm nhạc Hàn Quốc mà còn có sự góp mặt của các ca sĩ nổi tiếng ở khu vực Bắc Mỹ.

Hình thức du lịch này đã kéo một lượng lớn khách hàng trong và ngoài nước đến khu vực tổ chức buổi ca nhạc, từ đó gia tăng mức độ chi tiêu cho các dịch vụ ở địa phương đó. Theo ước tính của Sở Du lịch Hà Nội, trong 2 đêm diễn của nhóm nhạc BlackPink đã đón hơn 170.000 lượt du khách đến, tạo ra 600 tỉ đồng doanh thu cho địa phương. Trong chuyến công tác Việt Nam hồi đầu tháng 11/2023, ông Caesar Indra, Chủ tịch Traveloka, cũng cho rằng sự kiện âm nhạc, du lịch xanh kết hợp tìm hiểu văn hóa sẽ giúp ngành du lịch nội địa của Việt Nam phát triển trong thời gian tới.

 

Ông Nguyễn Huy Hoàng, Giám đốc Điều hành Klook Việt Nam, thì tin rằng sự kiện âm nhạc sẽ là nhân tố chính thúc đẩy doanh thu của ngành du lịch trong thời gian tới vì có thể khai thác từ cơ sở hạ tầng sẵn có, trong khi du lịch xanh đòi hỏi đầu tư lớn và cần thời gian để các sản phẩm đa dạng hơn. Mặt khác, khách du lịch đến từ các sự kiện âm nhạc, nhất là khách nước ngoài cũng chịu chi hơn so với khách du lịch thông thường, là yếu tố quan trọng giúp ngành du lịch cán mốc doanh thu đề ra. “Dữ liệu của chúng tôi cho thấy mức chi tiêu của khách du lịch vì các buổi ca nhạc thường cao gấp 4-5 lần giá vé. Và dòng tiền này chủ yếu đổ về các doanh nghiệp tại địa phương như khách sạn, nhà hàng và các hoạt động trải nghiệm tại điểm đến”, ông Hoàng nói.

TikTok nhập cuộc

Trở lại câu chuyện của Bảo Hân, không chỉ du lịch trong nước, chuyến đi Malaysia năm ngoái, TikTok cũng là kênh mà cô dùng để tìm thông tin các điểm tham quan trong suốt quá trình du lịch ở đây. “Trước đây tôi thường sử dụng Facebook và các nền tảng du lịch để khám phá các địa điểm mới ở địa phương. Nhưng giờ chủ yếu là TikTok”, cô nói.

Vẫn chưa có một báo cáo về TikTok ảnh hưởng đến hành vi du lịch ở Việt Nam nói riêng và châu Á nói chung nhưng ở Anh và châu Âu, nền tảng này đã thể hiện rõ tầm ảnh hưởng đối với giới trẻ. Dữ liệu từ website TikTok tháng 9/2023 cho thấy có đến 82% người sử dụng ở Anh khám phá địa điểm mới từ nền tảng này và 69% khám phá một thương hiệu du lịch mới từ TikTok.

Ở châu Âu, 83% người dùng Tây Ban Nha sẽ cân nhắc một sản phẩm hoặc một hoạt động du lịch trên TikTok, 70% đồng ý việc xem nội dung du lịch trên nền tảng này sẽ tác động đến quyết định sản phẩm hoặc hoạt động du lịch. Việc cân nhắc này cũng dẫn đến kết quả là 51% người sử dụng TikTok ở Tây Ban Nha mua sản phẩm liên quan đến kỳ nghỉ hoặc du lịch sau khi xem trên TikTok, 52% đặt vé máy bay hoặc vé tàu sau khi xem một địa điểm thú vị và 50% đặt chỗ ở.

Cho đến nay, TikTok vẫn tập trung cho cuộc đua thương mại điện tử ở Đông Nam Á với Lazada và Shopee. Và đây là thời điểm vàng cho các nền tảng du lịch thu hút đối tác địa phương nhằm đón làn sóng du lịch theo sự kiện âm nhạc trước khi TikTok để mắt tới.

Có thể ví cuộc đua các ứng dụng du lịch trực tuyến như thương mại điện tử bán lẻ cách đây 10 năm - thời điểm những ứng dụng này thu hút các đối tác địa phương, đặc biệt là cung cấp điểm đến trong ngày như quán ăn, điểm vui chơi tham gia nền tảng của họ.

Có 3 yếu tố để cấu thành một tour du lịch là dịch vụ đi đến, dịch vụ lưu trú và dịch vụ trải nghiệm tại địa phương. Các nền tảng du lịch online như Booking, Agoda đang đánh chặn ở dịch vụ lưu trú, còn dịch vụ đi đến là cuộc chơi của các hãng máy bay và các nền tảng đặt vé xe nội địa.

Mỗi nền tảng có cách tiếp cận riêng. Traveloka, chẳng hạn, đang tham gia cùng lúc dịch vụ vé máy bay và dịch vụ đặt phòng. Không lâu sau chuyến công tác của Chủ tịch Caesar Indra, đơn vị này đã đưa dịch vụ mua trước, trả sau vào hoạt động ở Việt Nam thông qua hợp tác với Home Credit.

Theo thống kê của hãng nghiên cứu thị trường Research and Markets, việc áp dụng phương thức thanh toán mua trước, trả sau tại Việt Nam dự kiến tăng trưởng kép hằng năm khoảng 31,1% giai đoạn 2023-2028. Tổng giá trị hàng hóa mua trước, trả sau trong nước sẽ tăng từ 1,5 tỉ USD năm 2022 lên 9,1 tỉ USD vào năm 2028.

Việc đưa ra chương trình này trong bối cảnh hiện nay sẽ giúp doanh nghiệp giữ chân khách hàng và kích thích nhu cầu đi lại của người tiêu dùng, từ đó thu hút các nhà cung cấp dịch vụ tham gia trước. Traveloka hiện có 55 triệu lượt người sử dụng hằng tháng.

Trong khi đó, một số đơn vị lại đẩy mạnh dịch vụ trải nghiệm tại địa phương để tránh cạnh tranh và mở rộng nguồn thu. Các đơn vị này thu hút bằng chính sách hợp tác khá hấp dẫn như hỗ trợ tiếp thị các dịch vụ, điểm đến mới, chỉ tính phí hoa hồng khi giao dịch hoàn thành hoặc chia sẻ phần trăm doanh thu đối với những hợp tác mang tính độc quyền.

Điển hình như Klook, sau khi huy động 210 triệu USD từ các quỹ đầu tư cũng xác nhận Việt Nam là thị trường trọng điểm của hãng này. Với hơn 60 triệu người sử dụng hằng tháng ở châu Á, đây là yếu tố để nền tảng thu hút các nhà cung cấp dịch vụ trải nghiệm địa phương tại Việt Nam tham gia.

Thứ đến, Klook tập trung vào trải nghiệm khách hàng nên hiệu suất các tour trải nghiệm mới xuất hiện trên nền tảng này, theo ông Hoàng, có tần suất chấp nhận hơn 80%. Chỉ riêng ở các điểm đến tại Việt Nam, nền tảng này đã có hơn 5.000 sản phẩm. “Cũng phải nói thêm là tập khách hàng chú trọng vào trải nghiệm có xu hướng chịu chi hơn nên các đối tác sẽ tránh được cuộc đua cạnh tranh về giá”, ông Hoàng nói.

Ở châu Âu, 83% người dùng Tây Ban Nha sẽ cân nhắc một sản phẩm hoặc một hoạt động du lịch trên TikTok. Ảnh: Quý Hòa

Ở châu Âu, 83% người dùng Tây Ban Nha sẽ cân nhắc một sản phẩm hoặc một hoạt động du lịch trên TikTok. Ảnh: Quý Hòa

Về phần mình, các đại diện Việt Nam khá im lặng ngoại trừ Vntrip. Hồi tháng 10/2023 vừa qua Tech in Asia đã loan tin Vntrip, đại diện của Việt Nam, đang chuẩn bị vòng gọi vốn mới từ nhà đầu tư tiềm năng là ông Fan Min, Phó Chủ tịch Trip.com (một trong các công ty lữ hành lớn nhất Trung Quốc) và các nhà đầu tư hiện hữu.

Không chia sẻ cụ thể, Tech in Asia chỉ cho biết Công ty sẽ sử dụng nguồn vốn mới này để mở rộng các dịch vụ doanh nghiệp cho khách hàng hiện tại và hỗ trợ mở rộng thị trường trong nước.

Dù không rầm rộ như thương mại điện tử bán lẻ, nhưng các đợt sóng ngầm trong thị trường du lịch đã bắt đầu hình thành. Đây là thời điểm tốt cho các đối tác du lịch địa phương tiếp cận mô hình kinh doanh mới vì họ đang là yếu tố quyết định trong cuộc đua giữa các nền tảng du lịch trực tuyến trước khi TikTok chính thức tham gia lĩnh vực này.

Nguồn: Nhipcaudautu