Sửa đổi Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp tạo môi trường kinh doanh minh bạch, thuận lợi

Những sửa đổi, bổ sung trong dự thảo tạo điều kiện cho doanh nghiệp Việt Nam và quốc tế cùng phát triển, đưa kinh tế Việt Nam tiến xa hơn.

Luật Thuế TNDN hiện hành, ban hành năm 2008 và đã qua ba lần sửa đổi (2013, 2014, 2020). Thuế TNDN chiếm khoảng 15% tổng thu ngân sách nhà nước (không bao gồm thu từ dầu thô) và có xu thế tăng trưởng trong thời gian tới. Cho tới nay, thuế TNDN đã đóng vai trò then chốt trong việc đảm bảo ổn định tài chính quốc gia, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và hỗ trợ các chương trình phúc lợi xã hội.

Tuy nhiên, sự tăng trưởng nhanh chóng và đa dạng của các doanh nghiệp trong nước, cùng với làn sóng đầu tư nước ngoài và hội nhập kinh tế toàn cầu, khung pháp lý hiện hành của thuế TNDN bộc lộ hạn chế như chưa bao quát hết các mô hình kinh doanh mới như thương mại điện tử, thuế tối thiểu toàn cầu cũng như một số chính sách miễn, giảm thuế chưa nhắm đúng đối tượng hoặc lĩnh vực cần khuyến khích. Vì vậy, Chính phủ đã nỗ lực xây dựng đề án luật thuế TNDN (sửa đổi) để đảm bảo tính đồng bộ và phù hợp với thực tế.

Thúc đẩy cải cách thuế: Hướng tiếp cận dựa trên thông lệ quốc tế

Để góp phần sửa đổi luật, dự án Tăng cường quản lý tài chính công tại Việt Nam, do Liên minh châu Âu và Chính phủ Đức đồng tài trợ, thực thi thông qua GIZ Việt Nam, đã triển khai một chuỗi hoạt động hỗ trợ kỹ thuật.

Cụ thể, đoàn đại biểu Bộ Tài chính đã có chuyến khảo sát quốc tế trong đó các đại biểu đã trao đổi với Bộ Tài chính Liên bang Đức về nhiều nội dung quan trọng cần lưu ý khi sửa đổi, bổ sung Luật Thuế TNDN, như cơ sở tính thuế, ưu đãi thuế, thuế suất, và các quy định chống tránh thuế. Buổi trao đổi với Phòng Thương mại và Công nghiệp Đức giúp hiểu rõ các yếu tố quyết định đầu tư của doanh nghiệp Đức khi lựa chọn địa điểm đầu tư nước ngoài. Ngoài ra, đoàn còn trao đổi với Ủy ban Ngân sách của Quốc hội liên bang Đức về chính sách khuyến khích đầu tư cho doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Bên cạnh đó, một hội thảo tham vấn cũng được tổ chức, cũng như cung cấp chuyên gia trong và ngoài nước hỗ trợ rà soát và xây dựng các khuyến nghị cho Luật Thuế TNDN. Những kinh nghiệm quốc tế được chia sẻ đã hỗ trợ đáng kể trong việc tăng cường tính minh bạch và hiệu quả của luật, đồng thời cân bằng giữa đảm bảo nguồn thu ngân sách và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Những điểm sáng

Dự thảo Luật Thuế TNDN (sửa đổi) gồm 4 Chương, 20 Điều, tập trung vào những cải cách chủ chốt nhằm tăng cường khả năng quản lý thuế, thúc đẩy đầu tư và đảm bảo phù hợp với thông lệ quốc tế.

Một điểm mới đáng chú ý là mở rộng định nghĩa thu nhập miễn thuế, bao gồm các khoản thu từ chuyển nhượng tín chỉ carbon, trái phiếu xanh, và lãi từ các công cụ tài chính thân thiện với môi trường. Điều này thể hiện cam kết của Việt Nam với các mục tiêu phát triển bền vững toàn cầu.

Dự thảo cũng đề xuất giảm thuế suất TNDN xuống 15% hoặc 17% đối với doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ, tùy thuộc vào mức doanh thu hàng năm. Đồng thời, mức thuế suất 2% trên tổng doanh thu từ chuyển nhượng vốn hoặc tài sản được bổ sung, áp dụng cho các tổ chức nước ngoài.

Về ưu đãi thuế, dự thảo bổ sung các lĩnh vực như sản xuất và lắp ráp ô tô, trung tâm R&D, hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, đồng thời loại bỏ ưu đãi với các dự án đầu tư mới có vốn trên 6.000 tỷ đồng. Các khu công nghiệp cũng được loại khỏi danh sách các địa điểm ưu đãi, chấm dứt miễn giảm thuế cho các dự án đầu tư mới tại đây.

Ngoài ra, dự thảo bổ sung các quy định thu thuế với các doanh nghiệp nước ngoài kinh doanh thương mại điện tử, kể cả khi không có hiện diện vật lý tại Việt Nam. Khái niệm “cơ sở thường trú ảo” được áp dụng nhằm quản lý hiệu quả các giao dịch trên nền tảng số, tương tự như các quốc gia như Ấn Độ, Indonesia và EU đã triển khai.

Mặc dù dự thảo Luật Thuế TNDN mang lại nhiều cải tiến đáng kể, nhưng vẫn còn những vấn đề cần làm rõ trước khi chính thức thông qua. Ví dụ, khả năng thu thuế đối với các doanh nghiệp thương mại điện tử không có trụ sở tại Việt Nam cần được quy định cụ thể hơn để đảm bảo tính khả thi trong quản lý và thu thuế. Việt Nam có thể học hỏi kinh nghiệm từ các quốc gia khác trong việc thiết lập cơ chế thu thuế và phát triển các hệ thống kỹ thuật số để giám sát và thu thập dữ liệu từ các giao dịch trực tuyến.

Theo chương trình Luật Thuế TNDN sửa đổi sẽ được Quốc hội thông qua vào tháng 5 năm 2025 và sẽ đánh dấu một bước tiến quan trọng trong việc xây dựng hệ thống thuế hiện đại, minh bạch và bền vững. Thông qua sự hợp tác chặt chẽ giữa Việt Nam và các đối tác quốc tế, cải cách Luật Thuế TNDN được mong đợi không chỉ giúp tăng cường nền tài chính quốc gia mà còn tạo nền tảng vững chắc để thúc đẩy Việt Nam hòa nhập sâu hơn vào nền kinh tế toàn cầu.

Nguồn: Báo Đầu tư