Tài chính xanh phải được coi là trụ cột quan trọng nhất

Quá trình thúc đẩy tài chính xanh, quản trị xanh tại Việt Nam đang gặp nhiều thách thức. Nguyên nhân được chỉ ra là do tăng trưởng xanh gắn với tài chính xanh còn khá mới mẻ đối với những người làm chính sách, các thành viên thị trường cũng như đối với các định chế tài chính như quỹ đầu tư, ngân hàng. Đến nay, Ngân hàng Nhà nước chưa có hướng dẫn cụ thể về xác định tiêu chí tín dụng xanh, làm căn cứ để các ngân hàng thương mại cho vay vốn xanh.

Chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành đánh giá, phát triển kinh tế tuần hoàn, tăng trưởng xanh không chỉ là xu thế mà còn là điều kiện bắt buộc cho hoạt động sản  xuất kinh doanh, phát triển nền kinh tế. “Tài chính xanh phải được coi là trụ cột quan trọng nhất, phải được lồng ghép và có chính sách liên quan đến thúc đẩy tài chính xanh”, ông Thành nói.

tai chinh xanh phai duoc coi la tru cot quan trong nhat hinh anh 1

Quá trình thúc đẩy tài chính xanh, quản trị xanh tại Việt Nam đang gặp nhiều thách thức

Các tổ chức tín dụng cho vay các dự án xanh như nông nghiệp xanh, năng lượng tái tạo, năng lượng sạch và vệ sinh môi trường. Cơ cấu dư nợ theo kỳ hạn trung và dài hạn chiếm 76% dư nợ tín dụng xanh. Phần lớn các ngân hàng đã có quy định về việc kiểm soát an toàn, bền vững khi tài trợ cho các dự án đầu tư, yêu cầu về bảo vệ môi trường, tiết kiệm năng lượng, tài nguyên.

Ông Đinh Ngọc Dũng, Phó giám đốc khối khách hàng doanh nghiệp, Ngân hàng TMCP Sài Gòn-Hà Nội SHB cho biết, ngân hàng đã tham gia đầu tư vốn cho tài chính xanh từ nhiều năm nay.

“Trong giai đoạn vừa rồi, ngân hàng tăng trưởng rất mạnh về tín dụng xanh hiệu quả. Đến năm 2022 dư nợ cho tăng trưởng xanh khoảng 10.000 tỷ. Những khó khăn, thách thức là trong giai đoạn vừa rồi lãi suất khá cao, đa số đầu vào là ngắn hạn nhưng đầu tư cho tăng trưởng xanh là dài hạn, vì vậy ngân hàng phải cân đối nguồn vốn”, ông Dũng cho biết.

Thời gian tới, để phát triển mạnh mẽ tín dụng xanh, các chuyên gia kinh tế đánh giá Ngân hàng Nhà nước cần tiếp tục xây dựng và hoàn thiện khuôn khổ pháp lý hướng dẫn thực hiện tín dụng xanh cho các tổ chức tín dụng.

Hoàn thiện Sổ tay hướng dẫn đánh giá rủi ro môi trường và xã hội cho các ngành kinh tế, xây dựng các giải pháp tập trung nguồn lực để cấp tín dụng cho các dự án thân thiện với môi trường, đẩy mạnh huy động các nguồn lực để thực hiện chính sách tín dụng xanh.

Nguồn: Báo Đầu tư