Tăng năng lực xuất khẩu cho nông sản Việt Nam

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, năm 2022, kim ngạch xuất khẩu nông sản đạt khoảng 22,59 tỷ USD, tăng 4,8% so với năm 2021, trong đó 5 nhóm hàng có kim ngạch đạt trên 2 tỷ USD là: cà phê, cao su, gạo, rau quả, và điều.

MỨC ĐỘ SẴN SÀNG CHO HỘI NHẬP CÒN KHIÊM TỐN
Tám tháng năm 2023, tổng kim ngạch xuất khẩu nông sản đạt 16,9 tỷ USD, tăng 11,5% so với cùng kỳ năm 2022; trong đó rau quả đạt 3,55 tỷ USD, tăng tới 61,8%, kết quả này cao hơn của cả năm 2022 là 3,36 tỷ USD. Đáng chú ý, xuất khẩu gia vị của Việt Nam trong 8 tháng năm 2023 đạt trên 1 tỷ USD, tăng hơn 7% so với cùng kỳ năm 2022.

Tuy nhiên, theo TS. Nguyễn Văn Hội, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược, chính sách công thương (Bộ Công Thương), bên cạnh những thành tựu đạt được trong hội nhập, phải thừa nhận thực tế sự chủ động hội nhập của ngành nông sản chưa cao. Mức độ sẵn sàng cho hội nhập của các doanh nghiệp xuất khẩu nông sản của Việt Nam còn khiêm tốn. Việc khai thác cơ hội từ hội nhập kinh tế quốc tế, thực thi cam kết trong các Hiệp định thương mại tự do (FTA) cho phát triển thị trường xuất khẩu nông sản thời gian qua chưa đạt hiệu quả như mong muốn.

Hơn nữa, việc tận dụng ưu đãi về thuế, việc chuẩn bị để đáp ứng quy tắc xuất xứ và khai thác các lợi ích khác của việc mở cửa thị trường trong các FTA song phương, khu vực và đa phương để đẩy mạnh xuất khẩu nông sản sang các thị trường FTA còn một số hạn chế.

Đặc biệt, việc xây dựng và triển khai thực hiện các chiến lược, chính sách, quy hoạch phát triển các ngành chưa phù hợp, chưa tiếp cận sát với nhu cầu của các doanh nghiệp xuất khẩu nông sản. Thiếu chính sách khuyến khích, tăng cường hợp tác, liên kết giữa các doanh nghiệp xuất khẩu nông sản và doanh nghiệp FDI để nâng cao sức mạnh tổng hợp về vốn, công nghệ, trình độ quản lý khi tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu.

Bên cạnh đó, ông Hội đánh giá các cơ chế, chính sách phát triển xuất khẩu nông sản của Việt Nam chưa khuyến khích phát triển xuất khẩu theo chiều sâu, chưa tập trung khuyến khích ứng dụng công nghệ và đổi mới sáng tạo để tăng cường năng lực xuất khẩu cho ngành nông sản Việt Nam.

Chính sách hỗ trợ xuất khẩu, xúc tiến thương mại, phát triển thị trường và xây dựng thương hiệu hàng nông sản Việt Nam cũng như việc tổ chức thực hiện một số chính sách ưu đãi, hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu nông sản vượt rào cản và các biện pháp phòng vệ thương mại còn nhiều vướng mắc, thiếu nhất quán và chưa hiệu quả.

Ở góc độ khác, ông Phạm Đức Nghiệm, Phó Cục trưởng Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp khoa học và công nghệ (Bộ Khoa học và Công nghệ), chỉ ra thực tế rằng ứng dụng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo nhằm nâng cao chất lượng và giá trị nông sản cho Việt Nam còn gặp nhiều khó khăn.

Nguyên nhân do sản xuất nông nghiệp chủ yếu là các hộ nông dân, hợp tác xã, tổ hợp tác, doanh nghiệp quy mô vừa và nhỏ, doanh nghiệp siêu nhỏ; chất lượng nguồn nhân lực nông nghiệp chưa cao; sàn giao dịch công nghệ trong lĩnh vực nông nghiệp còn thiếu và yếu.

Đặc biệt, cơ chế, chính sách khuyến khích chưa đáp ứng kịp thời, cụ thể, chính sách chưa thực sự hấp dẫn để thu hút được nhiều doanh nghiệp ứng dụng, chuyển giao công nghệ; chưa có chính sách hỗ trợ về đầu tư mạo hiểm; chính sách tín dụng chưa hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ…

ĐẨY MẠNH ỨNG DỤNG CÔNG NGHỆ, THÁO GỠ RÀO CẢN
Để tăng năng lực xuất khẩu nông sản Việt Nam trong thời gian tới, ông Hội đề xuất cần cơ cấu lại các mặt hàng nông sản gắn với thực hiện chuyển đổi số, đặc biệt các mặt hàng cần chế biến sâu, nhằm tạo sự bứt phá và động lực mới cho tăng trưởng xuất khẩu nông sản. Đồng thời, tăng cường công tác điều phối phát triển xuất khẩu nông sản theo vùng, lãnh thổ, nâng cao hiệu quả liên kết vùng góp phần hình thành các cụm liên kết, các chuỗi giá trị nhằm tận dụng lợi thế tại một số địa phương, vùng kinh tế.

Bên cạnh đó, cùng với việc nghiên cứu triển khai có hiệu quả các chiến lược, quy hoạch, đề án đầu tư phát triển các trung tâm cung ứng phục vụ xuất khẩu nông sản, cần đẩy mạnh nghiên cứu và ứng dụng dụng công nghệ, đổi mới sáng tạo quá trình quản trị sản xuất nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, năng lực cạnh tranh của nông sản xuất khẩu, trong đó chú trọng đến các công nghệ của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư (trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn, IoT, in 3D, vật liệu mới...).

Mặt khác, tiếp tục tháo gỡ các rào cản về hệ thống luật pháp và chính sách kinh tế, tài chính đối với hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, khuyến khích các dự án, nghiên cứu về sản xuất và xuất khẩu các mặt hàng nông sản thân thiện với môi trường, có hàm lượng đổi mới sáng tạo cao. Đẩy mạnh triển khai kế hoạch tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với thực hiện chuyển đổi số, phát triển kinh tế số, phát triển nền sản xuất xanh sạch, bền vững, phát triển du lịch và ẩm thực.

Hơn nữa, ông Hội cho rằng cần tăng cường liên kết, phát huy vai trò của tổ chức của nông dân (tổ hợp tác, hợp tác xã nông nghiệp) trong việc phát triển chuỗi giá trị sản phẩm từ sản xuất, thu mua, bảo quản, chế biến đến tiếp cận thị trường, bảo đảm hài hòa lợi ích giữa các khâu sản xuất, chế biến, xuất khẩu nông sản.

Ngoài ra, cần tiếp tục phát huy vai trò của địa phương trong lựa chọn loại nông sản thích hợp để hình thành vùng sản xuất tập trung theo quy hoạch; xây dựng chiến lược phát triển sản phẩm chủ lực, nông sản đặc trưng, phát triển thương hiệu đi cùng với các tiêu chuẩn chất lượng và an toàn thực phẩm đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế.

Bổ sung thêm, ông Nghiệm cho rằng Việt Nam cần học tập kinh nghiệm của một số quốc gia đi trước trong ứng dụng khoa học và công nghệ để nâng cao giá trị nông sản như Israel, Nhật Bản.

Tại Israel, Chính phủ nước này đầu tư xây dựng, thành lập các cơ quan nghiên cứu chuyên sâu, hệ thống trung tâm nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ, phục vụ sản xuất nông nghiệp và dịch vụ tư vấn kỹ thuật nông nghiệp. Chính phủ, các ngân hàng luôn sẵn sàng đầu tư vào những ý tưởng và dự án nông nghiệp mới...

Nguồn: TBKTVN