Thế khó của gạo Việt

Cơ hội rộng mở cho các quốc gia sản xuất, xuất khẩu gạo khi Philippines loan báo kế hoạch nhập khẩu từ 3,8-3,9 triệu tấn gạo trong năm nay.

Thị phần giảm ở Philippines 

Thế nhưng, những bình luận mới nhất được ông Nguyễn Phúc Nam, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Á - châu Phi của Bộ Công Thương, đưa ra vào tuần trước lại dẫn tới khả năng “xuất khẩu gạo Việt Nam sang thị trường này sẽ chậm lại và thị phần cũng sẽ giảm xuống”.

Quý I/2024, Philippines là thị trường nhập khẩu chính gạo Việt Nam, với mức tăng 44% so với cùng kỳ. Philippines đang đi đường dài khi kết hợp cùng lúc nhiều chính sách, một mặt hỗ trợ nông dân gia tăng sản lượng lúa trong nước, mặt khác ráo riết tìm kiếm bạn hàng mới nhằm đa dạng hóa nguồn cung, giảm phụ thuộc vào nguồn cung Việt Nam. Năm 2023, Việt Nam xuất sang Philippines 3,1 triệu tấn gạo, chiếm tới 80% thị phần nhập khẩu gạo tại đây, áp đảo các nguồn cung Myanmar, Thái Lan, Pakistan và cả Ấn Độ - nước xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới.

Sức ép an ninh lương thực và gánh nặng bảo đảm cái ăn cho 119 triệu dân là những lý do căn bản buộc Philippines xem xét “sự phụ thuộc quá mức” vào nguồn cung Việt Nam. Thậm chí, giới chức nước này còn theo dõi sát xu hướng giảm xuất khẩu các loại gạo phẩm cấp thấp, tăng các loại gạo chất lượng cao và đặc sản. Họ cho đó là cách gạo Việt Nam nhận được giá trị cao hơn từ thị trường Philippines.

Việc nhiều nước sản xuất, xuất khẩu gạo lớn trên thế giới triển khai các kế hoạch cắt giảm sản lượng do ảnh hưởng của El Niño có thể giúp Việt Nam đạt mục tiêu xuất khẩu trên 8 triệu tấn năm 2024, tương đương 8,1 triệu tấn năm 2023. Theo báo cáo mới nhất của Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA), niên vụ 2023-2024 sản lượng gạo toàn cầu đạt khoảng 515,5 triệu tấn, thiếu 5,8 triệu tấn so với nhu cầu lên tới 521,3 triệu tấn.

Gạo Việt Nam có thể tăng trưởng tốt hơn tại thị trường Trung Quốc. El Niño và tốc độ đô thị hóa trong 3 năm gần đây đã kéo diện tích canh tác lúa của Trung Quốc giảm mạnh, từ 30 triệu ha trước đây xuống mức 28 triệu ha vào năm 2023. Sản lượng lúa của Trung Quốc đã giảm 2 năm liên tiếp, năm 2024 sản lượng gạo Trung Quốc dự báo giảm 1,3 triệu tấn so với cùng kỳ, xuống mức 144,6 triệu tấn.

Hành động giành lại thế chủ động trong lĩnh vực thương mại gạo của Trung Quốc tuân theo một kịch bản quen thuộc. Chính phủ nước này, để bù đắp suy giảm sản lượng lên tới 1,3 triệu tấn chỉ trong 2 năm gần đây, sẽ nhập khẩu khoảng 1,9 triệu tấn gạo trong năm nay.

Tuy nhiên, việc Trung Quốc tập trung nhập khẩu sản phẩm gạo chất lượng cao, yêu cầu bao bì, quy cách đóng gói đáp ứng quy định nhập khẩu và thị hiếu người dùng trong nước, có thể là một trong những trở ngại lớn cho xuất khẩu gạo Việt Nam sang thị trường này. Hiện sản lượng gạo đặc sản, gạo chất lượng cao chưa nhiều, việc tuân thủ quy định về bao bì, đóng gói vẫn được xem là điểm yếu.

Các động thái của Chính phủ Trung Quốc nhằm mục tiêu lớn nhất là bảo đảm an ninh lương thực cho gần 1,4 tỉ dân trước sự bất ổn của thị trường bên ngoài, như chính sách hạn chế xuất khẩu gạo đến hết năm 2024. Mục tiêu nhỏ hơn nhưng không kém phần quan trọng, vốn được Trung Quốc ráo riết thực hiện sau đại dịch COVID-19, là nâng cao chất lượng sản phẩm nhập khẩu, tương lai trở thành thị trường khó tính. Luật An ninh lương thực của Trung Quốc, có hiệu lực từ ngày 1/6/2024 sẽ đảm bảo cho các mục tiêu này đi đúng hướng. 

Tăng gạo tiêu chuẩn cao vào Mỹ

Do đó, việc mở rộng hay phát triển các thị trường mới vẫn nên được chú trọng trong kế hoạch mang lại giá trị cao hơn cho hạt gạo Việt Nam. Chẳng hạn, Mỹ đang là nước sản xuất gạo hàng đầu trên thế giới, nhưng cũng là nước nhập khẩu gạo lớn nhất Tây bán cầu, khoảng 1,3 triệu tấn/năm. Trong khi đó, Việt Nam hiện là nước xuất khẩu gạo lớn thứ 6 vào Mỹ với thị phần chiếm khoảng 2% tổng kim ngạch nhập khẩu gạo của nước này trong năm 2023, tăng đáng kể so với mức 1,6% của năm 2022 và 1,2% của năm 2020, theo số liệu của Ủy ban Thương mại Quốc tế Mỹ (USITC).

Đến nay, chưa có nhiều kế hoạch xuất khẩu gạo chất lượng cao vào thị trường Mỹ. Việc lô hàng đầu tiên mang nhãn hiệu “Gạo Ông Cua ST25” của Doanh nghiệp tư nhân Hồ Quang Trí đã lên kệ hệ thống siêu thị, chợ Việt Nam và châu Á của bang California có thể tiếp thêm động lực cho các nhà xuất khẩu. Gạo ST25 của Việt Nam được xuất khẩu chính ngạch vào Mỹ từ năm 2020, đến năm 2023 đã đạt 7.221 tấn, mang lại kim ngạch hơn 7,6 triệu USD, theo Tổng cục Hải quan.

Trao đổi với NCĐT, ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng Giám đốc Tập đoàn Vina T&T, nói rằng: “Thành công hôm nay đến từ nhiều kinh nghiệm rút ra từ thất bại trong quá khứ”. Kinh nghiệm bán gạo ST25 vào Mỹ, trước khi loại gạo này đạt giải gạo ngon nhất thế giới tại Philippines vào năm 2019, giúp T&T tạo dựng được nền tảng cho việc mở rộng thị trường sau này.

Tại thị trường Mỹ, người dùng quen với gạo giống KDM, còn người Mexico ở đây mua gạo giống 5451. Họ mua gạo dựa trên nhận diện nhãn hiệu, không chọn sản phẩm mới, trừ khi được tặng dùng thử. “Nhà sản xuất luôn khẳng định sản phẩm của mình tốt nhất, nhưng quan trọng hơn là sản phẩm được người dùng chấp nhận”, ông Tùng nói. “Chúng tôi quyết định qua Mỹ, mỗi tối Chủ Nhật lại đến các nhà thờ có nhiều người gốc Á sinh sống để phát gạo ST25 dùng thử, khoảng 1 kg/túi”, ông Tùng kể. Một thời gian sau, nhiều người dùng thử gạo đến các siêu thị/chợ hỏi mua ST25. Điều này có nghĩa ST25 được người dùng Mỹ chấp nhận, chỉ khi đó T&T mới tiến hành kinh doanh và mở rộng xuất khẩu gạo sang thị trường này.

Bây giờ, Việt Nam đang trở thành nguồn cung lương thực, thực phẩm cho thị trường toàn cầu, trong đó Mỹ là một trong những thị trường tiêu chuẩn cao. Theo ông Tùng, xuất khẩu vào Mỹ, doanh nghiệp chủ yếu là bán trước lấy tiền sau, một số khác chấp thuận tỉ lệ 30/70, rất ít doanh nghiệp lấy được tiền trước. Do đó, nếu hàng hóa không đảm bảo chất lượng, doanh nghiệp sẽ không thu được tiền. Ông Tùng nhận thấy, tâm lý chung của các nhà xuất khẩu gạo bây giờ là cẩn trọng, kiểm soát kỹ càng chất lượng hàng hóa trước khi đưa hàng lên tàu vận chuyển ra nước ngoài.

Nguồn: Nhipcaudautu