Thủ tướng: Thương mại, đầu tư là dấu ấn của hợp tác Việt Nam - Hoa Kỳ

Hội nghị Thượng đỉnh Kinh doanh Việt Nam - Hoa Kỳ lần thứ 7 với mục tiêu thắt chặt mối quan hệ đầu tư, thương mại song phương khai mạc sáng 27/11 tại Hà Nội.

Thủ tướng Phạm Minh Chính, cùng đoàn quan chức cấp cao các bộ, ngành Việt Nam và Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam Marc Knapper đã tham dự sự kiện trực tiếp tại Hà Nội. 

Hoa Kỳ hiện là đối tác thương mại lớn thứ hai, là thị trường xuất khẩu lớn nhất và là một trong những nhà đầu tư hàng đầu tại Việt Nam.

Việt Nam là một trong mười đối tác thương mại lớn nhất của Hoa Kỳ. Kim ngạch hai chiều tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ và đạt kỷ lục trong năm 2024 khi 10 tháng đạt 110,9 tỷ USD, Việt Nam là mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu của Hoa Kỳ,

Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công chia sẻ: “Qua 6 kỳ tổ chức thành công, Hội nghị Thượng đỉnh Kinh doanh Việt Nam - Hoa Kỳ đã trở thành một sự kiện được mong đợi hàng năm của cộng đồng doanh nghiệp hai bên. Doanh nghiệp hai nước đặc biệt ghi nhận cam kết ủng hộ mạnh mẽ của Chính phủ Việt Nam và Hoa Kỳ trong thúc đẩy kinh tế thương mại song phương”.

Thông tin với các doanh nghiệp Hoa Kỳ về tình hình phát triển kinh tế Việt Nam, Chủ tịch VCCI cho biết: "Bất chấp những biến động của kinh tế toàn cầu, Việt Nam đã vươn lên đứng thứ 35 trong top 40 nước có quy mô kinh tế hàng đầu thế giới; top 20 nước về thu hút đầu tư nước ngoài và top 20 về kim ngạch xuất nhập khẩu trên thế giới".

Về chỉ số đổi mới sáng tạo, Việt Nam được xếp hạng 44/133 quốc gia, nền kinh tế, tăng 2 bậc so với năm 2023. 

"Nền kinh tế Việt Nam đã duy trì được sự ổn định, tăng trưởng GDP ở mức khá cao, năm 2023 đạt mức 5% và dự kiến năm 2024 đạt mức trên 7%. Trong thành tựu kinh tế nói trên của Việt Nam, có đóng góp tích cực của các doanh nghiệp, các nhà đầu tư đến từ Hoa Kỳ", ông Phạm Tấn Công nhấn mạnh.

Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhiều lần gửi lời cảm ơn tới các doanh nghiệp Hoa Kỳ. Theo Thủ tướng, thành tựu phát triển kinh tế, thương mại của Việt Nam có sự đóng góp lớn của các nhà đầu tư Hoa Kỳ, minh chứng là đã có hơn 11 tỷ USD vốn từ Hoa Kỳ đã đầu tư vào Việt Nam, tập trung vào nhiều lĩnh vực. Cùng với đầu tư, thương mại cũng là trụ cột tăng trưởng quan trọng, 10 tháng đạt hơn 110 tỷ USD".

Từ một quốc gia từng bị cấm vận, hiện Việt Nam đã có quan hệ đối tác chiến lược và đối tác chiến lược toàn diện với gần hết các nước G20, có FTA với 65 nền kinh tế, quy mô thương mại gần 800 tỷ USD, top 20 thế giới, thu hút nguồn vốn FDI hơn 400 tỷ USD, giải ngân vốn FDI dự kiến đạt 25 tỷ USD trong năm nay.

Để tăng cường quan hệ hợp tác trong giai đoạn tới, Thủ tướng Phạm Minh Chính kỳ vọng, Việt Nam - Hoa Kỳ tiến tới đàm phán FTA song phương, tiếp tục xây dựng khuôn khổ pháp lý để thúc đẩy quan hệ kinh tế thương mại, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho doanh nghiệp 2 nước.

Nhiều doanh nghiệp Việt Nam đang tăng đầu tư sang Mỹ, như FPT, VinFast, và tới đây sẽ còn nhiều doanh nghiệp khác nữa, tạo ra những lợi ích kinh tế đan xen chặt chẽ giữa hai nước. Thủ tướng Phạm Minh Chính bày tỏ: "Chúng ta đã tiến một bước rất xa và trong bước tiến này có sự đóng góp lớn của cộng đồng doanh nghiệp 2 bên".

Phát biểu trực tuyến, Ngoại trưởng Hoa Kỳ, Antony Blinken cho rằng: "Việt Nam đang đóng vai trò ngày càng quan trọng về thương mại toàn cầu, với vị trí chiến lược tại khu vực, là đối tác quan trọng của Chính phủ và doanh nghiệp Hoa Kỳ. Thương mại đã tăng 4 lần trong hơn 10 năm qua, từ mức hơn 30 tỷ USD lên trên 120 tỷ USD".

Với việc nâng cấp quan hệ lên Đối tác Chiến lược toàn diện vào năm ngoái và tới đây là sự thay đổi chính quyền tại Hoa Kỳ, Chủ tịch AmCham, Joseph Uddo nhận định: “Đây là thời điểm quan trọng và cơ hội tuyệt vời để Việt Nam cải thiện khung chính sách, thu hút thêm nhà đầu tư mới cũng như hỗ trợ các nhà đầu tư và doanh nghiệp hiện đang hoạt động tại Việt Nam tiếp tục phát triển".

Cam kết cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh cũng được người đứng đầu Chính phủ Việt Nam nhấn mạnh tại Hội nghị. Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết: "Để tiếp tục thu hút nguồn lực đầu tư cho tăng trưởng, trọng tâm của Việt Nam là cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, giảm nút thắt về thể chế, giảm chi phí tuân thủ cho người dân và doanh nghiệp".

"Là đất nước đang phát triển, quy mô kinh tế còn khiêm tốn, độ mở cao và sức chống chịu bên ngoài còn có hạn, Việt Nam chưa thể giải quyết ngay những vướng mắc, mà còn phải lộ trình, bước đi phù hợp, tuy nhiên, Việt Nam cam kết đảm bảo độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ để các doanh nghiệp nước ngoài trong đó có doanh nghiệp Hoa Kỳ yên tâm làm ăn lâu dài", Thủ tướng Phạm Minh Chính nói.

Việt Nam dành ưu tiên lớn cho tăng trưởng, vì tăng trưởng sẽ quyết định đến năng suất lao động, thu nhập và tiềm lực phát triển của quốc gia. Cùng đó là làm mới lại các động lực tăng trưởng truyền thống như đầu tư, xuất khẩu và tiêu dùng.

Bao gồm, tập trung thu hút đầu tư nhà nước, đầu tư trực tiếp nước ngoài, đầu tư tư nhân, đầu tư gián tiếp từ nước ngoài. Về xuất khẩu, củng cố thương mại với các đối tác lớn như Hoa Kỳ, thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới như kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn...

Nguồn: Báo Đầu tư