Tọa đàm “Thu hút nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài của Thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2023 - 2025, tầm nhìn 2030”

Tọa đàm “Thu hút nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài của Thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2023-2025, tầm nhìn 2030,” do Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư Thành phố Hồ Chí Minh phối hợp cùng Viện Nghiên cứu phát triển Thành phố Hồ Chí Minh và Sở Kế hoạch và Đầu tư Thành phố tổ chức chiều 12/5.

Kết quả thu hút FDI 4 tháng đầu năm của TP.HCM đã sụt giảm cả về số dự án và số vốn, điều này đòi hỏi thành phố cần có sự đánh giá đầy đủ về việc xác định đúng thế mạnh của mình trong bối cảnh mới.

Thành phố Hồ Chí Minh đang là địa phương có nhiều dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) nhất cả nước, tuy nhiên thời gian gần đây khả năng thu hút nguồn vốn ngoại có xu hướng chững lại và chịu áp lực cạnh tranh từ nhiều địa phương khác.

“Làm thế nào để Thành phố Hồ Chí Minh hấp dẫn trở lại trong mắt nhà đầu tư nước ngoài?” là nội dung được các chuyên gia thảo luận tại Tọa đàm “Thu hút nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài của Thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2023 - 2025, tầm nhìn 2030” chiều 12/5.

Bà Mai Phong Lan, Phó trưởng Phòng Doanh nghiệp, Kinh tế tập thể và tư nhân, Sở Kế hoạch và Đầu tư Thành phố Hồ Chí Minh thông tin: Cả năm 2022 tổng giá trị vốn đầu tư nước ngoài, tính chung cấp mới và vốn đầu tư tăng thêm và góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh đạt hơn 4,33 tỷ USD, bằng 60,29% tổng vốn đầu tư so với cùng kỳ năm 2021.

Đến nay, Thành phố Hồ Chí Minh thu hút 11.220 dự án đầu tư FDI với tổng số vốn đạt 56 tỷ USD.

Hoạt động đầu tư nước ngoài đã góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế thành phố theo hướng nâng dần tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ, phù hợp với sự phát triển của một đô thị lớn.

Khu vực FDI cũng đã thực hiện chuyển giao công nghệ ở một số ngành, lĩnh vực và có tác động lan tỏa công nghệ nhất định tới khu vực doanh nghiệp trong nước, thúc đẩy phát triển công nghiệp hỗ trợ....

Các dự án FDI đào tạo được đội ngũ cán bộ, công nhân kỹ thuật có trình độ, tay nghề khá cao.

Tuy nhiên, đầu tư FDI tại Thành phố Hồ Chí Minh vẫn chỉ tập trung ở một số quận, thành phố Thủ Đức và trong một số ngành nhất định. Các doanh nghiệp FDI chưa tạo ra được nhiều lan tỏa về công nghệ, kỹ thuật và chuỗi cung ứng cho các doanh nghiệp trong nước.

Để nguồn vốn FDI tiếp tục là động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, Thành phố Hồ Chí Minh đang đặt mục tiêu nâng cao cả giá trị và số lượng dự án đăng ký đầu tư, cụ thể giai đoạn 2023 - 2025 tăng tỷ lệ vốn đầu tư đăng ký trong tổng số vốn FDI cả thành phố lên hơn 70% và lên 75% trong giai đoạn 2026 - 2030.

Trong ngắn hạn và trung hạn, Thành phố Hồ Chí Minh ưu tiên thu hút đầu tư các ngành kinh tế số, công nghệ vi điện tử, bán dẫn và công nghệ thông tin, tự động hóa, cơ khí chính xác; vật liệu mới, dược phẩm, công nghiệp sinh học, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, công nghệ môi trường, năng lượng sạch...

Đồng thời, đẩy mạnh thu hút nguồn vốn đầu tư nước ngoài cho hoạt động nghiên cứu, ứng dụng, đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp sáng tạo; phát triển cơ sở hạ tầng giao thông, vận tải liên thông, kết nối (đường bộ, cảng biển, hàng không); dịch vụ chất lượng cao (tài chính, ngân hàng, logistics, viễn thông, vận tải, du lịch...).

Ông Ngô Nghị Cương, Giám đốc điều hành C+ Consult, nêu vấn đề, Thành phố Hồ Chí Minh từng là địa phương dẫn đầu cả nước về thu hút vốn FDI trong thời gian dài, nhưng gần đây sức hút đó đã suy giảm đáng kể.

Minh chứng là kết quả thu hút FDI 4 tháng đầu năm 2023 giảm cả về số dự án và số vốn. Điều này yêu cầu Thành phố Hồ Chí Minh đánh giá một cách đầy đủ về việc xác định đúng thế mạnh của mình trong bối cảnh mới.

Nhà đầu tư hiện nay quan tâm nhiều vấn đề khác ngoài lợi nhuận, bao gồm môi trường đầu tư, khả năng cung ứng, điều kiện sống cho nhà đầu tư, đội ngũ chuyên gia.

Theo ông Phạm Phú Trường, Chủ tịch Hội doanh nhân trẻ Thành phố Hồ Chí Minh, Thành phố Hồ Chí Minh có lợi thế về vị trí chiến lược nhưng cũng đang đối mặt nhiều bất lợi về mặt xã hội như ngập nước, kẹt xe, ô nhiễm không khí là các vấn đề mà nhà đầu tư, đội ngũ chuyên gia e ngại khi đến tìm hiểu cơ hội đầu tư.

Muốn đạt được các mục tiêu thu hút đầu tư trong giai đoạn mới, Thành phố Hồ Chí Minh cần có đánh giá về các nhà đầu tư tiềm năng mà mình muốn thu hút.

Định nghĩa rõ nhà đầu tư chiến lược là gì để mở ra không gian phát triển mới và tạo được hiệu ứng lan tỏa sang các nhà đầu tư khác chứ không chỉ là phục vụ mục tiêu ngắn hạn.

Bà Cao Thị Phi Vân, Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TP.HCM cho rằng, trước đây chính sách thuế là yếu tố quan trọng để thu hút đầu tư cũng là lợi thế của Thành phố Hồ Chí Minh.

Tuy nhiên, với quy định áp thuế tối thiểu toàn cầu, lợi thế đó không còn. Vấn đề nhà đầu tư cần nhất hiện nay là môi trường đầu tư kinh doanh minh bạch, chính sách rõ ràng, dễ hiểu, ít thay đổi và dự báo được; tiếp đến là nguồn nhân lực, hạ tầng kỹ thuật - giao thông, khả năng kết nối chuỗi cung ứng với khu vực.

Chính vậy, thời gian tới TP.HCM cần đáp ứng các yếu tố mà nhà đầu tư quan tâm, đảm bảo tính minh bạch, ổn định của chính sách; phát triển hạ tầng đồng bộ cũng như thúc đẩy liên kết vùng một cách chặt chẽ.

Nguồn: Phòng Thông tin ITPC