TP.HCM và tầm nhìn phát triển ngành công nghiệp văn hóa đến 2030
Theo đó, TPHCM xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển ngành công nghiệp văn hóa. Trong đó, xây dựng, bổ sung và hoàn thiện các cơ chế, chính sách liên quan đến việc phát triển cơ sở hạ tầng và công nghệ sản xuất hiện đại có thể sản sinh ra những sản phẩm văn hóa, đem lại lợi ích kinh tế nhằm phát triển ngành công nghiệp văn hóa TP.
Cụ thể hóa việc xây dựng kế hoạch chuyên ngành thuộc lĩnh vực công nghiệp văn hóa nhằm phát triển toàn diện và đồng bộ các ngành (Điện ảnh; Nghệ thuật biểu diễn; Mỹ thuật; Nhiếp ảnh; Triển lãm; Quảng cáo (trên đài phát thanh, truyền hình, báo, tạp chí, internet và quảng cáo ngoài trời); Thời trang; Du lịch văn hóa). Xây dựng cơ chế phối hợp giữa các sở, ngành liên quan và các quận, huyện, TP Thủ Đức đảm bảo đồng bộ, tránh chồng chéo, trùng lặp, nhằm tạo điều kiện thuận lợi thực hiện các thủ tục liên quan hỗ trợ những doanh nghiệp phát triển sản phẩm và dịch vụ văn hóa, thúc đẩy cạnh tranh lành mạnh trên thị trường văn hóa.
Mặt khác, nghiên cứu thành lập Trung tâm Phát triển công nghiệp văn hóa nhằm kết nối, xây dựng và tổ chức thực hiện các đề án, dự án, chương trình, kế hoạch và những hoạt động nhằm phát triển các ngành công nghiệp văn hóa thành các ngành kinh tế quan trọng, đóng góp tích cực vào phát triển xã hội và tăng trưởng kinh tế TPHCM. Trung tâm sẽ tập trung vào chiến lược phát triển hài hòa, đan xen các ngành công nghiệp văn hóa là thế mạnh, tiềm năng của TP, trước tiên ưu tiên 8 lĩnh vực: Điện ảnh, Nghệ thuật biểu diễn, Mỹ thuật, Nhiếp ảnh, Triển lãm, Quảng cáo, Du lịch văn hóa, Thời trang và các lĩnh vực của ngành công nghiệp văn hóa.
Nghiên cứu, tham mưu thành lập Quỹ khởi nghiệp và phát triển công nghiệp văn hóa để ươm tạo và tăng tốc cho các dự án khởi nghiệp công nghiệp văn hóa theo cơ chế Nhà nước đối ứng bằng đất đai, hạ tầng, thuế, các dịch vụ cơ bản và chính sách, các doanh nghiệp, công ty đối ứng bằng tài chính và phối hợp vận hành.
Bên cạnh đó, đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, cải tạo, sửa chữa một số mặt bằng phục vụ cho hoạt động của 8 ngành công nghiệp văn hóa. Trong đó, nghiên cứu, bổ sung vào quy hoạch chung của TP các quỹ đất lớn để đầu tư xây dựng các khu liên hợp, tổ chức văn hóa, thể thao, khu công nghiệp văn hóa, kinh tế thể thao để đáp ứng yêu cầu phát triển của TP. Tập trung đầu tư xây dựng các công trình văn hóa và thể thao có quy mô lớn, xứng tầm với vị thế của TP. Nâng cấp các trường văn hóa - nghệ thuật.
Ngoài ra, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin để xây dựng tích hợp các di sản, thông tin di sản, lịch sử của TP đến công chúng một cách rộng rãi. Tập trung đề xuất cơ chế hỗ trợ, khuyến khích đầu tư tổ chức thực hiện các công trình, dự án trọng điểm của ngành văn hóa, nghệ thuật của TP theo hình thức đầu tư từ ngân sách; có chính sách động viên nguồn lực sáng tạo các sản phẩm công nghiệp văn hóa, chính sách khuyến khích hợp tác quốc tế và hỗ trợ xuất khẩu sản phẩm công nghiệp văn hóa. Đề xuất cơ chế hỗ trợ, khuyến khích đầu tư tổ chức thực hiện từ nguồn xã hội hóa để rà soát và nâng cấp cơ sở vật chất hệ thống thiết chế văn hóa của TP.
Nguồn: Tin ITPC