Trình Trung ương, Quốc hội chính sách tiền lương mới từ ngày 1/7/2024

Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà vừa ký báo cáo của Chính phủ gửi đại biểu Quốc hội về công tác quản lý cán bộ, công chức. Một trong những nội dung báo cáo đề cập đến là vấn đề cải cách chính sách tiền lương.

CÔNG CHỨC THIẾU ĐỘNG LỰC CỐNG HIẾN VÌ TIỀN LƯƠNG THẤP

Theo Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà, việc thực hiện chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức được thực hiện thường xuyên, đúng thẩm quyền theo phân cấp hiện hành, bảo đảm đúng quy định của Nhà nước. Chế độ thôi việc, nghỉ hưu đối với cán bộ, công chức được thực hiện đúng theo quy định.

Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 107/NQ-CP về Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 27-NQ/TW. Theo đó, Chính phủ đã giao Bộ Nội vụ chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan xây dựng 6 nội dung cụ thể của chế độ tiền lương mới theo chức vụ, chức danh, vị trí việc làm, gắn với lộ trình sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế hưởng lương từ ngân sách nhà nước, và các giải pháp tài chính tạo nguồn cho cải cách tiền lương.

Tuy nhiên, từ năm 2020 đến nay, do tác động bất lợi của nhiều yếu tố, đặc biệt là đại dịch Covid-19 làm cho nền kinh tế và ngân sách nhà nước gặp nhiều khó khăn, nên tại Hội nghị Trung ương 13 khóa XII (tháng 10/2020) và Hội nghị Trung ương 4 khóa XIII (tháng 10/2021) đã xem xét, quyết định lùi thời điểm thực hiện chính sách tiền lương mới theo Nghị quyết số 27-NQ/TW.

Thực hiện Nghị quyết số 69/2022/QH15 của Quốc hội về dự toán ngân sách nhà nước năm 2023, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 24/2023/NĐ-CP quy định mức lương cơ sở đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang.

Theo đó, từ ngày 1/7/2023 điều chỉnh mức lương cơ sở từ 1,49 triệu đồng lên 1,8 triệu đồng (tăng 20,8%) để giảm bớt khó khăn cho cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang. Đồng thời, điều chỉnh lương hưu, trợ cấp ưu đãi người có công theo mức lương cơ sở cho phù hợp. 

Báo cáo của Chính phủ cũng chỉ ra những tồn tại, hạn chế trong công tác quản lý cán bộ, công chức, trong đó có nguyên nhân chủ quan là tiền lương và thu nhập của cán bộ, công chức còn thấp, chưa thực sự tạo động lực, khuyến khích đội ngũ cán bộ, công chức tâm huyết, toàn tâm, toàn ý, cống hiến trong quá trình thực thi công vụ.

Vì vậy, thực hiện ý kiến của Bộ Chính trị và Quốc hội, Chính phủ sẽ trình Trung ương, Quốc hội việc thực hiện cải cách tổng thể chính sách tiền lương mới theo Nghị quyết số 27-NQ/TW kể từ ngày 1/7/2024.

Theo Bộ trưởng Bộ Nội vụ, thời gian tới, cần tiếp tục cải cách tổ chức bộ máy, tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, thực hiện tinh giản biên chế gắn với cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức theo vị trí việc làm, thực hiện cải cách chính sách tiền lương, tiền lương và phúc lợi cho cán bộ, công chức theo Nghị quyết số 27-NQ/TW.

SẼ BÃI BỎ TIỀN LƯƠNG CƠ SỞ

Năm 2018, Ban chấp hành Trung ương (khóa XII) đã ban hành Nghị quyết số 27-NQ/TW về cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp.

Việc cải cách được thực hiện đồng bộ từ tiền lương khu vực công chức, viên chức, lực lượng vũ trang tới tiền lương của khu vực doanh nghiệp, người lao động. Mục tiêu là xây dựng một chính sách tiền lương có sự đồng bộ, hài hòa giữa khu vực công và khu vực tư, một trong những điểm chính khi cải cách tiền lương là xóa bỏ tiền lương cơ sở.

Theo đó, lương của cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang (khu vực công) sẽ được thiết kế gồm: Lương cơ bản (chiếm khoảng 70% tổng quỹ lương) và các khoản phụ cấp (chiếm khoảng 30% tổng quỹ lương). Bổ sung tiền thưởng (quỹ tiền thưởng bằng khoảng 10% tổng quỹ tiền lương của năm, không bao gồm phụ cấp).

Bên cạnh đó, đề án cải cách tiền lương xây dựng, ban hành hệ thống bảng lương mới theo vị trí việc làm, chức danh và chức vụ lãnh đạo thay thế hệ thống bảng lương hiện hành; chuyển xếp lương cũ sang lương mới, bảo đảm không thấp hơn tiền lương hiện hưởng, gồm cơ chế quản lý tiền lương và thu nhập.

Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 9/2023 hôm 30/9, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cũng đã giao Bộ Nội vụ rà soát, xây dựng các cơ chế, chính sách thực hiện phương án cải cách tiền lương khi được Trung ương thông qua.

Thông tin từ phiên họp cũng cho biết, trong bối cảnh khó khăn, ngân sách vẫn tiết kiệm được 500.000 tỷ đồng để chuẩn bị cải cách tiền lương trong các năm 2024, 2025 và 2026 theo Nghị quyết 27-NQ/TW.

Liên quan đến vấn đề cải cách tiền lương, tại cuộc tiếp xúc cử tri trước kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV mới đây, Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cũng nhấn mạnh, cải cách chính sách tiền lương là việc không thể không làm và sẽ có nhiều điểm mới, lộ trình bắt đầu từ việc bãi bỏ lương cơ sở. Đây là động lực thúc đẩy sự phát triển của xã hội

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung thông tin thêm, bên cạnh việc bỏ lương cơ sở, Chính phủ sẽ thiết kế song song 5 bảng lương mới, như: bảng lương đối với lãnh đạo, cán bộ quản lý; bảng lương của đối tượng làm chuyên môn nghiệp vụ; bảng lương đối với lực lượng vũ trang...

Riêng lực lượng vũ trang sẽ có 3 bảng lương, gồm mức lương cho sĩ quan quân đội, quân nhân chuyên nghiệp; quân nhân quốc phòng và quân nhân của lực lượng công an.

Nguồn: TBKTVN