Tỷ lệ văn phòng bỏ không ở Mỹ cao kỷ lục

Tổng diện tích văn phòng bị bỏ trống ở Mỹ hiện nay là lớn hơn ở bất kỳ thời điểm này kể từ năm 1979 - theo dữ liệu mới được công ty nghiên cứu Moody’s Analytics công bố. Nếu xét về tỷ lệ, mức độ bỏ trống văn phòng ở nước này đã lên tới kỷ lục.

Tình trạng dư thừa văn phòng ở Mỹ chủ yếu xuất phát từ sự dịch chuyển mạnh mẽ trong cách thức làm việc của giới nhân viên văn phòng sau đại dịch Covid-19. Đối với nhiều người lao động ở nước này, truyền thống làm việc 5 ngày/tuần, từ 9h sáng đến 5h chiều mỗi ngày đã được thay thế bởi mô hình làm việc từ xa, khi họ tận hưởng sự thoải mái khi ở nhà mà vẫn hoàn thành đầy đủ các nhiệm vụ được giao.

Thay đổi lớn trong văn hoá làm việc này đã làm trầm trọng thêm tình trạng dư thừa nguồn cung văn phòng được xây dựng ồ ạt vào thập niên 1980 và 1990 ở Mỹ - báo cáo được Moody’s công bố ngày 8/1 cho biết.

Tỷ lệ văn phòng bị bỏ trống trên toàn quốc ở Mỹ đã tăng lên mức kỷ lục 19,6% trong quý 4/2023 - theo dữ liệu mà báo cáo đưa ra. Trong 40 năm qua, tỷ lệ văn phòng trống ở Mỹ mới có 2 lần đạt đỉnh 19,3%. Trước đại dịch, tỷ lệ văn phòng trống ở nước này là khoảng 16,8%.

Một tỷ lệ lớn văn phòng bị bỏ trống là tin xấu đối với chủ cho thuê văn phòng và chủ đầu tư, đồng thời cũng là tin xấu đối với các nhà hàng, tiệm ăn, cửa hiệu bán lẻ và các doanh nghiệp nhỏ khác phụ thuộc vào lực lượng khách hàng là nhân viên văn phòng.

Do nhu cầu văn phòng suy giảm, hoạt động xây dựng mới văn phòng ở Mỹ cũng giảm xuống mức thấp nhất kể từ năm 2012.

Tuy nhiên, báo cáo của Moody’s cho thấy vẫn có một vài điểm sáng trên thị trường bất động sản văn phòng tại nền kinh tế lớn nhất thế giới. Những toà nhà mới nhất và hiện đại nhất, nằm ở vị trí đắc địa và có nhiều tiện nghi, có thể gọi là phân khúc A, vẫn thu hút nhiều sự quan tâm.

Loại cao ốc văn phòng này hấp dẫn khách thuê vì mang lại “cấu hình văn phòng linh hoạt hoặc nhỏ hơn, đặc biệt tốt cho khách thuê muốn có hiện diện văn phòng vật lý vì mục đích thương hiệu, gặp gỡ, đào tạo, cộng tác…” - báo cáo cho biết.

Báo cáo cũng chỉ ra rằng các văn phòng ở ngoại ô thường có tỷ lệ lấp đầy cao hơn văn phòng tại các đô thị lớn do vị trí ở gần các khu dân cư, giúp nhân viên văn phòng rút ngắn thời gian đi lại mỗi ngày.

Theo một dự báo đưa ra hồi tháng 6/2023, công ty nghiên cứu Capital Economics dự báo giá bất động sản văn phòng ở Mỹ sẽ giảm 35% trong thời gian đến cuối năm 2025 và ít nhất phải đến năm 2040 mới có thể quay trở lại mức đỉnh trước đại dịch. Sự lao dốc của thị trường bất động sản văn phòng được cho là tương tự như tình trạng bi đát của các trung tâm thương mại trong bối cảnh thương mại điện tử ngày càng phát triển.

Nhiều nhà đầu tư tổ chức lớn như Brookfield Corp. và Blackstone Inc.đã vỡ nợ đối với một số toà nhà văn phòng, chọn cách dừng trả nợ thay vì tiếp tục “đốt tiền” vào các bất động sản gây thua lỗ này. Ở thời điểm cuối tháng 3 năm ngoái, số cao ốc văn phòng với tổng trị giá khoảng  18 tỷ USD ở Mỹ bị cho là đang ở trong tình trạng căng thẳng tài chính, và số cao ốc văn phòng có tổng trị giá 43 tỷ USD ở nước này bị cho là có khả năng vỡ nợ - theo một báo cáo của MSCI Real Assets.

Nguồn: TBKTVN