Vốn FDI vào Trung Quốc năm 2023 thấp nhất 30 năm
Lượng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Trung Quốc năm 2023 thấp nhất kể từ đầu thập niên 1990, cho thấy thách thức mà Bắc Kinh phải đối mặt trong khi nỗ lực thu hút dòng vốn ngoại để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Số liệu do Cơ quan Quản lý ngoại hối Nhà nước Trung Quốc (SAFE) công bố ngày 18/2 cho thấy nghĩa vụ đầu tư trực tiếp trong cán cân thanh toán của nước này chỉ tăng 33 tỷ USD trong năm ngoái, giảm 82% so với mức tăng của năm 2022. Đây là một thước đo về lượng vốn FDI mới chảy vào Trung Quốc trong 1 năm thông qua đo dòng tiền của các thực thể do nước ngoài sở hữu tại nước này.
Kể từ năm 1993 đến nay, chưa khi nào lượng vốn FDI mới vào Trung Quốc tính theo thước đo nói trên lại thấp như vậy. Điều này cho thấy ảnh hưởng dai dẳng của các biện pháp chống Covid-19 hà khắc mà Trung Quốc áp dụng, ngay cả khi các biện pháp này đã chấm dứt vào cuối năm 2022, đầu 2023.
Quý 3/2023, tổng lượng vốn FDI ở Trung Quốc lần đầu tiên giảm kể từ năm 1998. Đến quý 4, tổng vốn FDI ở nước này đã trở lại trạng thái tăng trưởng, nhưng lượng vốn mới 17,5 tỷ USD ghi nhận trong quý chỉ bằng 1/3 so với mức cùng kỳ năm 2022.
Theo giới chuyên gia kinh tế, dữ liệu của SAFE có thể phản ánh các xu hướng trong lợi nhuận của doanh nghiệp FDI tại Trung Quốc, cũng như những thay đổi về quy mô hoạt động của các doanh nghiệp này. Lợi nhuận của các công ty nước ngoài trong lĩnh vực công nghiệp ở Trung Quốc đã giảm 6,7% trong năm ngoái so với năm 2022 - theo dữ liệu của Tổng cục Thống kê Trung Quốc.
Số liệu do Bộ Thương mại Trung Quốc công bố trước số liệu của SAFE cho thấy vốn FDI mới vào Trung Quốc trong năm 2023 giảm xuống mức thấp nhất 3 năm. Số liệu của Bộ Thương mại không bao gồm lợi nhuận tại thị trường Trung Quốc mà các doanh nghiệp FDI của nước này dùng để tái đầu tư, đồng thời có mức độ biến động ít hơn so với số liệu của SAFE - theo giới chuyên gia.
Dù tính theo thước đo nào, sự suy giảm của vốn FDI vào Trung Quốc cũng phản ánh rằng doanh nghiệp nước ngoài đang rút vốn khỏi nước này do căng thẳng địa chính trị và sức hút của lãi suất cao hơn ở các nền kinh tế khác. Các công ty đa quốc gia nhận thấy việc giữ tiền ở các quốc gia khác là hấp dẫn hơn giữ ở Trung Quốc, vì nhiều nền kinh tế lớn khác đã tăng lãi suất để chống lạm phát trong khi Trung Quốc hạ lãi suất để kích thích tăng trưởng.
Môt cuộc khảo sát doanh nghiệp Nhật Bản ở Trung Quốc gần đây cho thấy hầu hết đã giảm đầu tư hoặc không tăng đầu tư trong năm ngoái, và đa số có cái nhìn bi quan về triển vọng năm 2024.
Nhiều chuyên gia cho rằng Chính phủ Trung Quốc cố gắng chưa đủ trong việc thuyết phục doanh nghiệp nước ngoài quay trở lại sau đại dịch, và cần có thêm nhiều nỗ lực để đạt mục đích thu hút được nhiều vốn FDI hơn.
Tuy nhiên, bức tranh FDI của Trung Quốc cũng có một vài điểm sáng. Vốn FDI của doanh nghiệp Đức vào Trung Quốc đã đạt kỷ lục gần 12 tỷ euro, tương đương 13 tỷ USD, trong năm 2023 - theo dữ liệu từ Viện Kinh tế Đức (GEI). Dữ liệu này cho thấy doanh nghiệp Đức đang đẩy mạnh hoạt động sản xuất kinh doanh tại nền kinh tế lớn thứ hai thế giới ngay cả khi Liên minh châu Âu (EU) tăng cường giám sát những khoản đầu tư này vì mối lo an ninh.
Trung Quốc chiếm tỷ trọng 10,3% trong tổng vốn đầu tư trực tiếp mà doanh nghiệp Đức rót vào các quốc gia khác trong năm ngoái, mức cao nhất kể từ năm 2014, theo GEI.
Tại một cuộc họp nội các ngày 18/2, Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường kêu gọi tiến hành các biện pháp "thực chất và mạnh mẽ" để cải thiện niềm tin vào nền kinh tế. Đây được xem một dấu hiệu cho thấy Chính phủ Trung Quốc đang lo ngại về những thách thức mà nền kinh tế nước này phải đối mặt, bao gồm sự suy yếu của dòng vốn FDI, xu hướng bán tháo trên thị trường chứng khoán và cuộc khủng hoảng bất động sản kéo dài. Cùng với đó, các ngân hàng quốc doanh Trung Quốc đã phân bổ ít nhất 60 tỷ nhân dân tệ, tương đương 8 tỷ USD, để cho vay đối với các dự án bất động sản đủ tiêu chuẩn hỗ trợ nhằm vực dậy thị trường.
Nguồn: TBKTVN